Kẹt xe trước sân bay Tân Sơn Nhất trong giờ cao điểm. Ảnh: Quỳnh Danh. |
“Lúc thì làn xe vắng vẻ đợi mãi không có xe nào, lúc thì xe đỏ đèn nối đuôi nhau mãi chưa ra khỏi bãi được. Mỗi lần chỉ có khoảng 5 xe được vào 2 làn đón khách, cách nhau 5-10 phút. Xe phải chờ đến lượt ‘nhỏ giọt’ vào đón khách”, một nhân viên điều phối xe công nghệ ở làn D1, D2 trao đổi với Zing.
Thời gian gần đây, trên báo chí và các diễn đàn mạng xã hội, không ít hành khách và tài xế than vãn về việc chờ đợi mòn mỏi và ùn ứ làn xe công nghệ (D1, D2) và taxi đón khách ở sân bay Tân Sơn Nhất, dù không phải dịp cao điểm hàng không.
Theo ghi nhận của Zing vào trong một tuần qua, kẹt làn xe công nghệ có xảy ra, tài xế mất 15 phút đến gần một giờ mới có thể đón khách và tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Linh động thay đổi
Lúc 21h ngày 16/9, nam hành khách tên Hùng đi một mình cùng một kiện hành lý đang bình tĩnh đợi xe. Trò chuyện với Zing, anh cho biết từng nhiều lần bắt xe tại sân bay và nêu nhận xét cá nhân về 3 loại xe dịch vụ đưa đón khách ở Tân Sơn Nhất.
Anh Hùng sẽ ưu tiên đặt xe công nghệ vì biết trước giá tiền, theo dõi được cuốc chạy, nhiều khuyến mãi. Thông thường, anh Hùng thao tác đặt xe ngay khi ra khỏi máy bay trung chuyển vào ga đến, sau đó đi vệ sinh, ngồi nghỉ ngơi, theo dõi trên ứng dụng thấy xe gần đến thì đi bộ ra làn đợi.
“Nếu vội hoặc đợi xe công nghệ lâu quá, tôi mới sang làn đón taxi. Đón taxi sẽ nhanh hơn một chút nhưng thường bị khách khác chen lấn giành xe. Có lần tôi vẫy được chiếc taxi vừa đỗ ngay cạnh thì một nhóm khách khác đứng cạnh bất ngờ mở cửa chui tọt vào xe, họ nói thông cảm vì đi đông người, nhiều hành lý”, anh Hùng ngao ngán kể.
Hành khách đợi xe ở làn D1, D2 dành cho xe công nghệ bên trong nhà xe TCP tại ga quốc nội Tân Sơn Nhất. Ảnh chụp lúc 21h ngày 15/9, 2 hàng xe xếp hàng đợi qua trạm thu phí ra khỏi sân bay. Ảnh: Tâm Linh. |
Khoảng 19h30 ngày 15/9, một nam hành khách họ Park (người Hàn Quốc) đứng ở làn D1 gần 30 phút đợi xe công nghệ để di chuyển về đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh.
“Tôi thấy thời gian chờ như thế là bình thường. Nhất là ở các sân bay nhỏ trong thành phố, xe ra vào sân bay phải di chuyển chậm lại để nhập vào làn đường, hơn nữa đang giờ tan tầm ở TP.HCM. Đợi taxi cũng thế thôi”, ông Park chia sẻ nhanh trước khi nghe cuộc gọi của tài xế xác định vị trí ông đứng ở làn D1.
Việc xe công nghệ đứng yên tại chỗ còn do yếu tố khách bắt xe. Nhiều khách không xác định được làn đón xe công nghệ mới (D1, D2) khiến tài xế đến nơi phải dừng xuống xe dáo dác đi xung quanh tìm khách. Một xe dừng lâu hơn một chút là các xe đằng sau phải chựng lại.
Khoảng 19h30 ngày 19/9, trời mưa to khiến nhu cầu đặt xe công nghệ lẫn taxi vào sân bay đón khách càng nhiều, càng ùn tắc.
Vừa đáp chuyến bay từ Hà Nội, không muốn chịu cảnh chờ đợi, chị Thanh Hải (30 tuổi) tìm cách đón xe nhanh hơn. Chị Hải kéo vali từ ga quốc nội sang ga quốc tế.
“Cách này tôi đã dùng cách đây gần 10 năm. Nhìn trên bản đồ, sảnh đến ga quốc tế cách ga quốc nội không xa, có thể đi bộ dễ dàng, có mái che không sợ mưa nắng. Nếu thấy tình hình xe cộ bên ga quốc nội đông, tôi chủ động sang ga quốc tế để đón xe”, chị Hải chia sẻ.
Mất khoảng 10 phút, chị Thanh Hải đã được một xe công nghệ đón ở sảnh đến ga quốc tế. Theo ghi nhận của phóng viên, việc đón taxi ở ga quốc tế cùng thời điểm cũng nhanh chóng hơn, nhiều xe sẵn sàng đón khách ngay.
Nhiều hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất phải mất 30 phút hoặc hơn để đợi taxi, xe công nghệ. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Thiếu không gian cho xe chờ khách
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, hạ tầng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải, taxi và xe công nghệ không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách nên thường xuyên dẫn đến ùn tắc.
Ông Đặng Ngọc Cương, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cho biết hiện nay có khoảng 7.800 taxi các loại phục vụ hành khách tại Tân Sơn Nhất dịp cao điểm (hãng taxi Mai Linh có 900 xe, ước tính 2.100 lượt/ngày; hãng Vinasun có 1.600 xe, ước tính 3.000 lượt/ngày.
Trong khi đó, với các hãng xe công nghệ thì Grab đứng đầu với 2.500 xe, dao động 3.800-4.500 lượt/ngày), Be có 800 xe. Ngoài ra, các loại xe hợp đồng như của Avi, Sasco, Sóng Việt… cũng đóng góp khoảng 1.250 phương tiện.
Qua thống kê của cảng hàng không, có khoảng 15% lượng khách khi đến sân bay Tân Sơn Nhất sẽ sử dụng taxi để di chuyển về nhà.
Lãnh đạo sân bay tính toán trong đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 nếu lượng khách đến Tân Sơn Nhất dịp cao điểm tăng lên 60.000 hành khách thì cần khoảng 9.000 lượt taxi. Như vậy, dự kiến thiếu khoảng hơn 1.000 lượt xe để phục vụ hành khách.
Do đó, trong 4 ngày nghỉ lễ 2/9, việc sân bay này dự kiến đón ít nhất 120.000 khách/ngày, gấp đôi số lượng dịp lễ trước, thì hiển nhiên nhu cầu taxi, xe công nghệ tăng đột biến, khó tránh khỏi kẹt xe, chờ xe lâu.
Trong trường hợp nhu cầu đi lại tăng cao so với kế hoạch, sân bay đều lên phương án xả trạm thu phí tránh ùn ứ.
Bên cạnh đó, nhiều hành khách đi máy bay không mặn mà với xe buýt. Lý do là họ thường mang nhiều hành lý, hành lý cỡ lớn, việc đi xe buýt bất tiện như phải khệ nệ xách lên, xe không đưa về tận cửa nhà phải trung chuyển bằng taxi hoặc đi bộ từ bến xe buýt…
Trước đó, tháng 7/2022, Cảng vụ hàng không miền Nam đã kiến nghị Sở GTVT tham mưu UBND TP.HCM lập bãi đậu xe và giữ xe tại Tân Sơn Nhất để giải quyết nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đã làm việc với Cảng vụ hàng không miền Nam đề xuất với Sở GTVT TP.HCM tạm bố trí sử dụng bãi đất trống chưa quy hoạch rộng 3.541 m2 (chứa khoảng trên 100 vị trí đậu xe).
Bãi đệm này để các hãng taxi, xe công nghệ chờ phục vụ hành khách, rút ngắn thời gian di chuyển của xe chờ vào nhà ga. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa thực hiện được.
Sơ đồ các khu vực dành cho phương tiện giao thông phục vụ hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Google Maps. |