Giống như hàng triệu người dân Trung Quốc khác, cách đây 3 năm, Chen và vợ rời quê hương và đứa con gái duy nhất để tới Quảng Châu.
Hình minh họa. Ảnh: Chinamack. |
Chen từng nghĩ quê anh, thị trấn Tương Hương thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc là nơi bình yên và an toàn cho đứa con gái 9 tuổi. Thế nhưng khi anh nghe con gái kêu cứu hồi tháng 11 năm ngoái, lòng anh đau như xát muối. Chen kể với CNN: “Con bé liên tục gọi điện cho chúng tôi, cầu xin chúng tôi về nhà. Cháu nói nó cảm thấy không khỏe, thất vọng và tổn thương”.
Nghe vậy, người cha linh cảm điều gì đó không ổn đang xảy ra với cô con gái bé bỏng. Cuối cùng, cô bé nói thật rằng một thầy giáo trong trường cưỡng hiếp 5 học sinh dưới 14 tuổi và em là một trong số những nạn nhân.
“Tôi không bao giờ nghĩ rằng những chuyện như thế có thể xảy ra trong trường học", Chen tâm sự.
61 triệu trẻ em Trung Quốc không sống chung cùng bố, mẹ hoặc cả bố và mẹ. Con số này tương đương 1/5 số trẻ em trong cả nước, theo số liệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung Quốc (ACWF).
Khoảng 250 triệu người Trung Quốc rời quê hương đến các thành phố, thị trấn để mưu sinh. Họ chỉ về nhà vào dịp Tết cổ truyền mỗi năm.
Ye Jingzhong, tác giả của bài viết: Tuổi thơ khác biệt: Trẻ em sống xa cha mẹ ở nông thôn Trung Quốc cho hay những trẻ như con gái Chen rất dễ trở thành mục tiêu tấn công tình dục. Theo Ye, trẻ em sống xa cha, mẹ thường ở cùng ông, bà hoặc những người họ hàng nên mức độ an toàn giảm. Vật chất đang tràn vào vùng quê. Nếu người thân không chỉ bảo các em những điều đúng sai, kẻ xấu có thể dụ dỗ các em bằng kẹo, điện thoại.
Theo Tân Hoa Xã, các trường hợp lạm dụng tình dục ở những trẻ xa phụ huynh tại nông thôn Trung Quốc chiếm đa số các vụ tấn công tình dục trong cả nước. Chẳng hạn như ở Hóa Châu, tỉnh Quảng Đông, 94% trường hợp lạm dụng tình dục ở trẻ là các em sống xa cha, mẹ.
Những trẻ sống xa cha mẹ không chỉ dễ trở thành mục tiêu tấn công tình dục mà các em và cả bố mẹ đều tổn thương về mặt tình cảm.
Xiaoli, em bé 12 tuổi xa cha mẹ, chia sẻ: “Cháu mong bố mẹ cháu về trong dịp Tết. Nhiều khi cháu cảm thấy mình giống như gánh nặng của gia đình”.
A-ying, bà mẹ 33 tuổi bỏ lại hai con ở quê để làm việc ở nơi xa, kể rằng con trai cô không muốn nghe điện thoại của mẹ. Theo A-ying, thằng bé không thích cha, mẹ. Cu cậu cho rằng họ không chăm sóc và cũng chẳng quan tâm nó một cách đầy đủ.
Sanna Johnson, giám đốc điều hành của Tổ chức quyền trẻ em và trách nhiệm xã hội, cảnh báo rằng tình trạng cha mẹ không sống chung cùng con sẽ gây nên hậu quả rất lớn.
“Cả xã hội hứng chịu tổn thương khi 61 triệu trẻ không liên hệ với cha mẹ. Chúng ta không thể hình dung ngay hậu quả nhưng tôi e rằng thực trạng ấy sẽ khiến đất nước không thể hướng tới một xã hội hài hòa”, Sanna bình luận.
Sau sự việc xảy ra với con gái, Chen cố gắng gần gũi con. Anh cho hay cô bé thường trốn người lạ và khóc một mình. Sau Tết, anh sẽ đưa con đến Quảng Châu. Vợ anh sẽ nghỉ việc để chăm con.
Chen không nhận khoản tiền bồi thường 1.650 USD từ phía nhà trường. Anh tức giận vì nhà trường không xin lỗi và người cha muốn kẻ hãm hiếp con gái phải ngồi tù.
Theo Tân Hoa Xã, một người đàn ông bị bắt trong vụ cưỡng hiếp con gái Chen từ tháng 12/2013 nhưng nhà chức trách chưa ấn định ngày xét xử.
Chen đang đơn độc trong cuộc chiến đòi lại công bằng cho con gái. Những gia đình nạn nhân khác đồng ý nhận tiền bồi thường và đang cố quên sự kiện khủng khiếp đối với con gái họ.