Tranh của họa sĩ Keisai Eisen (1790-1848). Ảnh: Philadelphia museum of Art. |
Tuyển tập Geisha của Nagai Kafū không đơn giản là một tuyển tập truyện về những cô gái phong trần, những cô gái điếm mà là những áng văn ngợi ca vẻ đẹp phụ nữ với đa dạng sắc thái. Trong Truyện Geisha, ta bắt gặp những nàng geisha, theo dòng biến chuyển thời đại từ Taisho sang đầu Showa (1912-1926), từ vị trí những cô gái tài năng, thời thượng cho tới khi bị đánh đồng với chân tiếp rượu, hầu bàn, vũ công tạp kỹ rẻ tiền và thậm chí là gái làng chơi.
Qua dòng xoay vần của kiếp geisha, Nagai Kafū kể câu chuyện của một giai đoạn biến động. Những tác phẩm Nagai Kafū viết phản ánh chính trải nghiệm cá nhân ông - một người trực tiếp chứng kiến những chuyển giao của thời cuộc - và do thế, là một tài liệu quý báu cho cả văn học lẫn xã hội học.
Ai điếu cuối cùng của một chàng thi sĩ
Geisha - tuyển tập Nagai Kafū gồm 7 truyện: Dòng Sumida, Mưa lê thê, Truyện lạ bờ Đông, Cẩm tú cầu, Những cuốc xe đêm, Mấy hôm cảm lạnh, Phận lẽ mọn. Trong đó, Dòng Sumida là tác phẩm được viết sớm nhất, đặt nền móng cho chuỗi sáng tác trong mạch chiêm nghiệm của tuyển tập này.
Trong lời tựa cho lần tái bản thứ năm của Dòng Sumida (1913), Nagai Kafū bộc bạch rằng ông viết tác phẩm khi vừa từ nước ngoài về, đi dạo trên những con phố của Tokyo và nhận thấy nơi này đã thay đổi, "không còn là nơi dành cho những cuộc tản bộ thơ thẩn và nhàn tản của khách yêu thơ".
Đi đâu, nhà văn cũng gặp những cảnh Tu La (những cuộc đụng độ giữa nhóm người biểu tình quá khích và chính phủ). Hai bên bờ sông Sumida là nơi duy nhất nhà văn thấy còn giữ được hình ảnh như trong những khúc hát xưa.
Bên bờ sông Sumida, Kafū nhớ lại những gì ông đã thấy hồi trẻ, cùng ý niệm về những truyền thuyết đẹp đẽ từng hay, làm ông có cảm tưởng như "đang đắm mình trong một điệu nhạc êm ái vô ngần". Chính lúc ấy, ông lên kế hoạch viết vài ba tác phẩm bàn về thực tế của những phong cảnh hoang liêu cùng nỗi niềm xót xa, thống khiết của một con người còn nhiều hoài niệm.
Tiếc thương quá khứ lãng mạn và bất bình với những đổi thay lạ lẫm, nhà văn thốt lên: "Than ôi, thế là thời hiện đại đã đang tâm hoàn thành sự nghiệp phá hoại của nó".
Tác phẩm Dòng Sumida nói riêng và Truyện Geisha nói chung trình bày một dung mạo hiện thực đến từ một cái nhìn cụ thể của Nagai Kafū. Trong đó, chính Kafū thừa nhận là "có một mặt nội tâm được lý tưởng hóa, vốn nhìn những thể hiện ngoại giới trên dòng Sumida như là những biểu tượng trữ tình mà bản năng của một thi sĩ, tác giả bị thôi thúc phải tìm sao cho ra".
Vì lẽ này, văn của Nagai Kafū nặng miêu tả. Những trường đoạn tả cảnh dài và được coi trọng hơn nhân vật. Những nhân vật xuất hiện mờ ảo tựa một hình ảnh của quá khứ xa xôi mà nhờ có quang cảnh nơi dòng sông Sumida, mới bất chợt được sống dậy trong ký ức của tác giả. Dòng sông Sumida tựa dòng thời gian luôn vận động trước mắt nhà văn, cuốn trôi theo bao kỷ niệm, vượt khỏi tầm với.
Sách Truyện Geisha - Tuyển tập Nagai Kafū. Ảnh: MH. |
Số phận con người trước chuyển biến thời cuộc
Theo dịch giả, nhà nghiên cứu Pierre Faure, cái hay và lôi cuốn trong tác phẩm của Nagai Kafū không nằm ở cốt truyện mà ở chất thơ và chất họa trong văn ông. Dễ thấy, Kafū chịu ảnh hưởng sâu đậm từ văn học địa phương chí của châu Âu (đặc biệt là những nhà văn Pháp như Henri de Réginer, Émile Zola hay Guy de Maupassant).
Ở điểm hoài niệm, tiếc thương quá khứ trong tâm hồn, Nagai Kafū còn chia sẻ nỗi lòng của những văn hào Nhật như Natsume Soseki, Akutagawa Ryunosuke và Mori Ogai.
Sau khi sống ở Pháp một thời gian, nhà văn nhận thấy truyền thống và hiện đại có thể hài hòa với nhau như thế nào. Khi về đến Nhật Bản, ông bất bình khi chính phủ đương thời tìm cách xóa bỏ những truyền thống xưa cũ trong công cuộc hiện đại hóa đất nước.
Trong sáng tác của mình, ông nêu quan điểm một cách không khoan nhượng. Có thể thấy, cái tôi độc lập và sức mạnh của truyền thống là hai yếu tố được nhà văn hết mực coi trọng. Chúng trở thành hai thành tố lớn trong nhân cách của Kafū.
Ở các tác phẩm của Nagai Kafū, độc giả thường bắt gặp 2 thái cực tính cách: một là con người hư đốn, chỉ biết hưởng lạc; hai là con người tinh tế, nhạy cảm, tha thiết phục hồi di sản văn hóa đang dần tàn lụi tại quê nhà. Ta cũng bắt gặp những nhân vật đứng trước một nghịch cảnh số phận, kiểu nhân vật thường thấy trong truyện ngắn của Guy de Maupassant.
Số phận của những nàng Geisha của Kafū thường không có kết cục có hậu. Và dù họ là những người không hoàn hảo, ông viết về họ với ánh nhìn cảm thông. Những con người ấy đứng trước thách thức của chuyển biến thời cuộc.
Với tác phẩm của mình, Nagai Kafū như đang cố gắng níu giữ một chút nét đẹp Edo còn sót lại, trong khi xung quanh ông, xã hội Nhật Bản đương thời đang xóa bỏ dần những thứ ông coi là gốc rễ văn hóa quý giá.
Nagai Kafū là nhà văn cuối cùng của thời đại Meiji, chứng kiến những đổi dời to lớn của đất nước và kể lại trong tác phẩm của mình. Dịch giả Nguyễn Nam Trân, do thế, so sánh Nagai Kafū là "người Mohican cuối cùng".
Ông Nguyễn Nam Trân nhận xét: "Riêng cuộc sống của chính Kafū cũng chỉ là một nỗi hoài niệm vô biên".