Dù đã giải thích chưa từng thực hiện vay vốn, anh T. vẫn liên tục bị sử dụng hình ảnh, gửi tin nhắn làm phiền. Ảnh: Đan Thanh. |
Anh Nguyễn Long T. (23 tuổi, TP.HCM) đã nhiều ngày bị gọi điện, nhắn tin đòi nợ số tiền 10-20 triệu đồng từ các trang cho vay trực tuyến.
Không chỉ liên lạc đến T., công ty thu hồi nợ còn tìm được số điện thoại và thông tin của bạn bè, đồng nghiệp anh T. khiến nhiều người dù không liên quan nhưng vẫn chịu cảnh bị làm phiền.
Thanh toán đủ vẫn bị đòi nợ
Anh T. chia sẻ khoảng năm 2019-2020, anh có thực hiện vay thông qua một ứng dụng (app) được bạn bè giới thiệu. Sau khi thanh toán đầy đủ, nam thanh niên cũng đã kết thúc hợp đồng và không còn liên quan đến ứng dụng trên.
"Khoảng 2 năm trước tôi có vay qua app số tiền 2,5 triệu đồng để thanh toán các khoản phí cá nhân. Sau đó tôi cũng đã trả nợ đầy đủ và kết thúc hợp đồng", anh T. cho biết thêm.
Song từ ngày 13/1 vừa qua, anh T. lại nhận được hàng loạt thông báo yêu cầu thanh toán nợ trên các ứng dụng vay trực tuyến. Theo thông tin từ công ty thu hồi nợ, anh T. cần hoàn tất khoản vay hơn 10 triệu đồng chưa bao gồm lãi suất.
"Vài ngày trước tôi bị gọi liên tục yêu cầu trả nợ cho các ứng dụng. Ít thì 5-10 triệu đồng, có bên gọi đòi 20-30 triệu đồng. Họ bảo tôi phải thanh toán gấp trước Tết, nếu không sẽ đưa hết thông tin cá nhân của tôi lên mạng xã hội", T. cho biết thêm.
Hình ảnh cá nhân của anh T. bị phát tán trên nhiều mạng xã hội dù không vay nợ. Ảnh: NVCCC. |
Anh T. chia sẻ dù bản thân đã giải thích chưa từng vay qua công ty trên, cũng không rõ vì sao thông tin cá nhân lại bị rò rỉ nhưng các tin nhắn đòi tiền vẫn gửi đến hàng ngày.
"Thông tin của công ty thu hồi nợ cung cấp là đều là thông tin cũ, hình ảnh cũng là cách đây 2,3 năm lúc tôi còn sử dụng chứng minh nhân dân (CMND). Tôi nghĩ ai đó đã sử dụng thông tin của tôi để vay trên các ứng dụng, bây giờ để tôi chịu khoản nợ", anh T. nhận định.
Bạn bè, người thân cũng bị làm phiền
Không chỉ liên lạc đến "khổ chủ", công ty thu hồi nợ cũng liên tục gọi điện, nhắn tin làm phiền những bạn bè, người thân của anh T.
Chị Lê T. (TP.HCM), bạn thân của anh T., chia sẻ chị đã nhận được tin nhắn, cuộc gọi nhiều ngày với hình ảnh, nội dung mong muốn liên lạc đến anh T. để trả tiền. Song, chị cũng không rõ vì sao công ty thu hồi nợ lại có thông tin cá nhân của mình.
"Tôi nhận được tin nhắn qua mạng xã hội liên tục 2,3 ngày với yêu cầu đốc thúc anh T. trả nợ. Tôi có liên lạc đến hội bạn thân thì ai cũng gặp tình trạng tương tự. Thật không biết họ lấy được thông tin từ đâu mà có cả thông tin, số điện thoại của cả nhóm 4,5 người", chị T. cho biết.
Tương tự như chị T., anh Hoàng Việt (Hà Nội) cũng bị các công ty thu hồi nợ liên tục gọi điện làm phiền với yêu cầu đòi nợ "hộ". Khác với chị T., anh Việt còn không hề quen biết "con nợ" mà công ty đưa thông tin.
"Cách đây một tuần tôi được nhận tin nhắn từ công ty thu hồi nợ, bảo phải đốc thúc người có tên Nguyễn Văn B. trả nợ. Họ yêu cầu tôi phải có trách nhiệm đôn đốc, liên lạc đến B. để thanh khoản. Nhưng tôi không biết B. là ai, cũng chẳng hiểu vì sao người đó lại lấy số điện thoại của tôi đi vay", T. cho biết thêm.
Dù chị T. đã giải thích rất rõ ràng bản thân không vay nợ hay đứng ra bảo lãnh cho ai vay nợ nhưng đầu dây bên kia vẫn không buông tha và khủng bố liên tục.
Khi vay tiền qua các ứng dụng, người dùng cần cung cấp số điện thoại cũng như thông tin của bạn bè, người thân. Ảnh: L.V |
Theo khảo sát của Zing, khi có nhu cầu vay tín chấp thông qua các ứng dụng, người dùng cần phải cài đặt cho phép ứng dụng truy cập vào danh bạ, số liên lạc và danh sách bạn bè trên mạng xã hội để hoàn tất thủ tục vay.
Nếu quá hạn thanh toán nhưng không liên lạc được "con nợ", các ứng dụng cho vay sẽ liên lạc đến bạn bè, người thân của họ qua thông tin được cung cấp.
Trước đó, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Quảng Ninh cũng đã đưa ra loạt khuyến cáo nếu người dân gặp phải khủng bố, làm phiền từ các ứng dụng, công ty thu hồi nợ.
Theo khuyến cáo, khi gặp phải tình huống như trên, người dân cần bình tĩnh, giải thích ngắn gọn về việc bản thân không có mối quan hệ liên quan đến người vay. Đồng thời, người dân nên thông báo trước và hướng dẫn bạn bè, người thân hướng xử lý khi bị liên lạc làm phiền.
Nếu gặp phải các tin nhắn làm phiền trên mạng xã hội, người dùng có thể sử dụng các tính năng có sẵn như chặn tin nhắn, cuộc gọi, khóa bình luận để đề phòng bị khủng bố.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.