Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bi hài chuyện VFF tuyển HLV

Trong chiêu bài tìm kiếm người thay HLV Calisto, dư luận đang xầm xì giả thiết VFF bị “ăn quả lừa” ngoạn mục.

Bi hài chuyện VFF tuyển HLV

Trong chiêu bài tìm kiếm người thay HLV Calisto, dư luận đang xầm xì giả thiết VFF bị “ăn quả lừa” ngoạn mục.

>> Sự thật sau chuyến trở về của ông Calisto
>> Còn nhiều hồ sơ 'khủng' hơn cả Stoichkov
>> Huỳnh Đức được đề cử làm HLV ĐTQG

HLV Calisto đã trở lại Việt Nam hoàn thiện nốt những thủ tục thanh lý cần thiết. Nhưng sau gần một tháng, cuộc tìm kiếm người thay thế ông dẫn dắt đội tuyển vẫn chưa được làm đến đầu, đến đũa. Kế hoạch mà VFF mong dư luận hiểu cần sự kiên trì và thận trọng, bởi thế cũng xuất hiện lắm chuyện bi hài. Điều đáng nói hơn, trong danh sách được Hội đồng tuyển chọn rút gọn vào “chung kết”, dư luận đang xầm xì giả thiết VFF bị một ứng cử viên cho “ăn quả lừa” ngoạn mục.

Stoichkov - màn PR lộ liễu

Bi hài chuyện VFF tuyển HLV

Hristo Stoichkov bị coi là màn PR cho chiến dịch săn tìm thầy ngoại của VFF.

Cái tên Hristo Stoichkov xuất hiện trong bối cảnh tất cả đều dự đoán Peter Withe hoặc Peter Reid sẽ là những ứng viên hàng đầu trong lựa chọn của Hội đồng tuyển chọn. Thực tế, cả hai HLV người Anh kể trên đều đáp ứng khá đầy đủ tiêu chí lựa chọn của Liên đoàn, từ lương bổng đến sự am hiểu bóng đá khu vực do từng có thời gian dài dẫn dắt đội tuyển Thái Lan. Nhưng rồi đùng một cái, thông tin về bản hồ sơ của Stoichkov được phát tán ra giới truyền thông. Những người tinh ý đồ rằng, đó không hoàn toàn là một sự “lọt tin” vô tình.

Nói như vậy, bởi người tiết lộ bản hồ sơ Stoichkov xin ứng thí trong cuộc “tuyển rể” của VFF không ai khác chính là Chủ tịch hội đồng HLVQG Nguyễn Sĩ Hiển. Trên thực tế, Stoichkov có gửi hồ sơ đến Việt Nam xin việc hay không, chỉ Hội đồng tuyển chọn là những người biết xác thực. Dư luận chỉ tha hồ đồn đoán, bàn luận. Không ít người vội vã khẳng định rằng một huyền thoại như Stoichkov muốn xin làm HLV trưởng đội tuyển cho thấy bóng đá Việt Nam đã tạo dựng được vị thế lớn mạnh hơn trong làng bóng đá thế giới. Vị thế long trọng ấy là lý do đến cả Hristo Stoichkov cũng phải... xếp hàng chờ VFF xem xét, trước khi nhận những lời chê bai, đánh giá hạn chế năng lực từ Hội đồng tuyển chọn.

Hơn một ngày kể từ khi thông tin Stoichkov xin ứng thí xuất hiện, mọi chuyện cũng được cho “xẹp” nhanh như bong bóng xà phòng. VFF tuyên bố Stoichkov không đạt tiêu chuẩn. Nhiều chuyên gia trong làng bóng nghe chuyện chỉ cười lắc đầu. Tất cả đều tin, dư luận vừa bị VFF lái theo ý mình. Họ đã đạt được mục đích PR hoàn hảo cho chiến dịch tuyển chọn người thay thế HLV Calisto của mình. Chỉ có điều, màn PR ấy có phần quá lộ liễu, bởi bất kỳ ai cũng hiểu trước thời điểm nhận hồ sơ, VFF đã liên lạc cùng các ứng viên về các tiêu chí tuyển chọn của mình. Trong đó, mức lương trần giới hạn sẽ không vượt quá “sàn” 24.000 USD/tháng và hơn thế, là sự am tường bóng đá khu vực. Trong khi đó, yêu cầu lương bổng mà Stoichkov đòi hỏi ở bất kỳ nơi nào ông đặt chân đến lên tới cả triệu USD/năm, không mặc cả.

Chiêu bài thầy nội

Cùng Stoichkov, sự ứng xử của VFF với khả năng mời HLV nội thay thế HLV Calisto cũng được coi là một chuyện dài lắm bi hài. Đã lâu lắm, khi một HLV ngoại từ nhiệm, người ta mới thấy các tên tuổi HLV trong nước được VFF nhắc đến nhiều đến thế. Thậm chí, khi phát biểu trước báo giới, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ còn đĩnh đạc tuyên bố: “Thầy nội nào dám nhận đội tuyển, VFF giao ngay”.

Thì đấy, ngay trước phát biểu của ông, cái tên Lê Thụy Hải đã xuất hiện. Ông thầy nổi tiếng trong làng bóng đá Việt Nam bởi thói quen phát biểu "văng mạng", bởi cá tính khác người nhưng chưa bao giờ bị đánh giá thấp về tài năng, khẳng định mình sẵn sàng ngồi vào chỗ trống của HLV Calisto. Nhưng đáp lại, các ban bệ trong cuộc tuyển chọn đã thẳng băng gạt HLV đang dẫn dắt CLB Lam Sơn Thanh Hóa “ra rìa”.

Bi hài chuyện VFF tuyển HLV

HLV Lê Thụy Hải là thầy nội duy nhất tự ứng cử nhưng đã bị gạt ra ngoài.

Người muốn thì chưa “lọc” đã “loại”. Trong khi đó, Hội đồng tuyển chọn đưa vào danh sách xem xét 3 cái tên Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức và Mai Đức Chung. Cả 3 HLV này đều là những người có tên tuổi và ít nhiều có kinh nghiệm dẫn dắt các đội tuyển. Nhưng khi đưa vào “chung kết” ba ứng viên này, VFF dường như đã dự liệu sẵn khả năng... thất bại. Thực tế, cả Huỳnh Đức, Phan Thanh Hùng lẫn HLV Mai Đức Chung đều còn hợp đồng dài hạn với đội bóng của mình. Bản thân họ cũng nhiều lần bày tỏ chưa sẵn sàng lên tuyển, thì cuối cùng, lại vẫn phải xuất hiện “bất đắc dĩ” trong danh sách.

Sự tréo nghoe trong suốt quá trình tuyển chọn khiến dư luận tin rằng, thầy nội thực ra chỉ là “chiêu bài” đánh lạc hướng của VFF. Trên thực tế, quyết định tiếp tục tin dùng HLV ngoại đã được đưa ra ngay từ đầu. HLV nội không có bất kỳ cơ hội cạnh tranh nào. Bởi thế, nên mới có chuyện ông Hải “lơ” bị gạt ra tức tưởi. Còn những ứng cử viên khác, toàn những người mà chưa cần xem xét, ai cũng biết họ sẽ không mạo hiểm tương lai tại các CLB mình đang làm việc.

Cú lừa ngoạn mục cho VFF?

Sự khôn ngoan của VFF đã được thể hiện với chiêu bài Stoichkov và cả cách tổ chức này ứng xử trước yêu cầu trọng dụng thầy nội. Nhưng “khôn ngoan không lại với giời”. Cách ví von của ông bà ta xưa lại ứng với VFF trong trường hợp này khi hậu trường làng bóng vừa rộ lên thông tin Hans Gede – 1 trong số 5 ứng cử viên được tiết lộ lọt vào vòng chung kết rất có thể là món hàng “dỏm”.

Theo thông tin trước đây từ Hội đồng tuyển chọn, HLV Hans Gede sở hữu bản hồ sơ khá ấn tượng. Ông thầy người Đức khẳng định mình từng có thời gian làm HLV trưởng CLB Kuala Lampur (Malaysia), CLB từng thi đấu tại Bundesliga, Fortuna Cologne (1994), đội tuyển bóng đá Uzbekistan (2005), CLB Tarbiat (Iran) và Al Ahli (Bahrain). Cũng căn cứ trên những gì Hans Gede cung cấp cho Hội đồng tuyển chọn VFF thì hiện ông ta đang dẫn dắt CLB Esteghlal, đội bóng đang thi đấu rất hay tại giải VĐQG Iran.

Bi hài chuyện VFF tuyển HLV

Hans Gede không hề giỏi như bản lý lịch hoành tráng của ông.

Trên thực tế, tài năng của Hans Gede hoàn toàn không ấn tượng như bản CV hoành tráng mà ông này tô vẽ. Một lần duy nhất dẫn dắt CLB Cologne tham dự giải đấu cao nhất của bóng đá Đức, ông đã khiến đội bóng này phải... xuống hạng bởi hàng tá thất bại liểng xiểng. Bị sa thải dường như là điệp khúc quen thuộc suốt hành trình huấn luyện kéo dài ngót 30 năm của Gede. Ông từng đến theo cửa chính và phải nhận trát thanh lý hợp đồng của Tarbiat, Al Ahli, đội tuyển Uzbekistan. Nếu xét trên tiêu chí am hiểu bóng đá khu vực, thì Gede cũng chẳng phải ứng viên sáng giá gì. Bởi suốt thời gian dẫn dắt CLB Kuala Lampur, HLV này không để lại một dấu ấn chuyên môn đáng kể nào trước khi bị sa thải.

Hiện tại, Gede cũng không phải là HLV trưởng của Esteghlal như nhiều người lầm tưởng. Khái niệm “dẫn dắt” đầy mơ hồ mà ông thầy người Đức đề cập trong hồ sơ xin việc, thực ra chỉ là chức danh trợ lý chuyên môn thứ hai. Chẳng thế mà ngay khi nghe tin VFF tuyển HLV trưởng, Gede đã mau mắn gửi đơn xin ứng thí. Đồng thời, từ Iran, đại diện Esteghlal cũng bày tỏ họ sẵn sàng cho phép Gede ra đi nếu ông được VFF lựa chọn mà không phải bồi thường một khoản phí tốn nào. Chừng ấy, đủ cho thấy giá trị thực và tài năng của ứng cử viên đang được đồn đoán sẽ trở thành người thay thế Calisto dẫn dắt đội tuyển Việt Nam trong tương lai sắp tới.

Sau những phát hiện mới nhất kể trên, Gede có thể sẽ là “quả lừa” lớn dành cho VFF nếu còn muốn tuyển chọn ông này vào vị trí thuyền trưởng đội tuyển. Nhưng xét đến cùng, nhiều người cho rằng vụ “ứng viên hớ” này cũng chỉ là chuyện bình thường, khi VFF thực ra đâu đủ tiền tuyển dụng những huyền thoại tiếng tăm cỡ Stoichkov. Chê thầy nội và hướng đến hàng ngoại giá rẻ, thì chất lượng tương đồng với khả năng chi trả là chuyện đương nhiên.

113

Theo Gia Đình

Theo Gia Đình

Bạn có thể quan tâm