Quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và CNN từ lâu đã "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Tổng thống Mỹ gần đây nổi giận khi Đệ nhất phu nhân Melania Trump bật CNN trên tivi trong chiếc Air Force One. Ông cũng từng từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên CNN và thậm chí thẳng tay cấm phóng viên hãng này tham gia họp báo.
“Trump hành động giống những gì một chính trị gia bảo thủ sẽ làm nhưng ông ấy đưa nó lên một tầm cao mới. Ông ấy coi cánh nhà báo như túi cát đấm bốc”, Robert Jensen, giáo sư khoa báo chí tại Đại học Texas, nhận định.
Tổng thống Trump khi đắc cử đã gọi CNN là hãng "tin giả" tại họp báo năm 2017. Ảnh: AFP. |
CNN: Sự thật hay "tin giả"?
Trong vài năm qua, CNN đã phát sóng hàng loạt tin tức đi kèm những tiêu đề bất lợi cho Trump, trở thành cái gai trong mắt ông từ lúc còn là ứng viên tranh cử cho đến khi đã nhậm chức tổng thống.
Không kể đến những tin tức dựa trên sự thật, đôi khi CNN nhận lấy chỉ trích vì tính chủ quan trong một số lời bình luận của các biên tập viên, trong khi họ là những nhân vật nổi tiếng với lượng người theo dõi đông đảo.
Đầu tháng này, Anderson Cooper, người dẫn chương trình kỳ cựu của CNN, đánh giá cuộc họp báo chung của ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin “có lẽ là một trong những màn trình diễn hổ thẹn nhất của một tổng thống Mỹ”. Hồi tháng 1, đồng nghiệp của ông, Don Lemon, gọi Trump là “kẻ phân biệt chủng tộc”.
“Tôi nghĩ việc những người làm tin tức, vị trí cũng danh giá như người bình luận, lại đưa ra những lời bình luận là một sai lầm”, Paul Janensch cho biết. Ông là một cựu biên tập viên hiện giảng dạy báo chí tại Đại học Quinnipiac, Connecticut.
“Nếu tôi điều hành CNN, tôi sẽ nói với những nhà báo, phóng viên rằng hãy bám theo sự việc thực tế và tránh đưa ra những bình luận miệt thị Trump”, Janensch nói với AFP.
Tuần qua, Chris Cuomo, người dẫn chương trình của CNN và cũng là em của Thống đốc bang New York Andrew Cuomo, một người thuộc đảng Dân chủ, đã cho phát sóng băng ghi âm mật giữa tổng thống và cựu luật sư riêng Michael Cohen.
“CNN dường như vẫn đang hoạt động với định nghĩa truyền thống rằng phóng viên phải khách quan ở một mức độ nhất định... và tôi nghĩ đây là điều khiến tổng thống khó chịu”, Robert Thompson, giáo sư về truyền hình và văn hóa đại chúng, nhận định. Theo ông, khán giả của CNN là những người còn lưỡng lự, sẵn sàng tiếp thu quan điểm từ truyền thông.
Từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump vẫn chưa có cuộc phỏng vấn nào với CNN. Trong ảnh, người dẫn chương trình Anderson Cooper phỏng vấn ông Trump năm 2016. Ảnh: AFP. |
Đối đầu với Trump, rồi hưởng lợi
Trong những năm qua, Tổng thống Trump đã luôn đối đầu với báo chí. Ông gọi một số hãng tin là “kẻ thù của người Mỹ” và gắn mác "tin giả mạo" (fake news) cho những tin tức ông không thích.
Tuy nhiên, dù Trump từng mắng nhiếc New York Times, ông vẫn trả lời báo này như bình thường. Từ khi ông nhậm chức, chỉ duy CNN chưa hề có cuộc phỏng vấn nào với tổng thống.
“CNN là tin giả mạo. Tôi không trả lời câu hỏi từ CNN”, Tổng thống Trump tuyên bố tại cuộc họp báo ở Anh đầu tháng 7.
Ngày 25/7, Nhà Trắng cấm cửa một phóng viên CNN tham dự sự kiện có mặt tổng thống vì người này đã đặt các câu hỏi “không phù hợp” về vụ băng ghi âm và cuộc gặp thượng đỉnh tại Helsinki.
CNN chỉ đứng thứ 3 về lượng người xem trong các kênh truyền hình cáp tại Mỹ. Vị trí thứ nhất đang thuộc về Fox News, hãng truyền hình ưa thích của ông Trump, theo sau là MSNBC vốn ủng hộ Dân chủ đối lập.
Kaitlan Collins, phóng viên CNN, bị cấm tham dự sự kiện của Nhà Trắng. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, Chủ tịch CNN Jeff Zucker, trước đây làm việc tại NBC Universal, chính là người cho phép thực hiện chương trình thực tế Nhân viên Tập sự (The Apprentice). Chương trình này giúp đưa ông Trump trở thành cái tên mà nhà nhà đều biết, tạo bước đệm cho chiến dịch tranh cử tổng thống thành công.
Mùa hè 2015, CNN bị chỉ trích vì phát sóng đầy đủ những lần ông Trump phát biểu tại các buổi mít tinh của đảng Cộng hòa trong chiến dịch tranh cử.
Tuy nhiên, sau khi ông Trump lên nắm quyền và tuyên chiến với báo chí, CNN, cũng như nhiều hãng truyền thông khác, lại đang hưởng lợi. Theo dữ liệu từ Nielsen, CNN vừa kết thúc quý II với kết quả tốt thứ 3 kể từ năm 1996.
“Bất kỳ một hãng tin nào khiến Nhà Trắng tức giận nhiều như vậy đều có khả năng sẽ hưởng lợi về danh tiếng”, Edward Burmilla, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Bradley, Illinois, nhận định.
"Sự ám ảnh của ông Trump với CNN đang giúp cho hãng này tiếp tục nâng cao vị thế".
Tất nhiên, ông Burmilla lưu ý rằng việc CNN có đang thành công hay không còn phải phụ thuộc vào người mà chúng ta hỏi câu đấy: Những người theo trường phái tự do có xu hướng nghĩ CNN ôn hòa và không nhắm vào ai. Những người bảo thủ thì cho rằng CNN chỉ là cỗ máy tuyên truyền.