Ngày 24/5, trao đổi với Zing.vn, chủ nhiều khách sạn ở Đà Nẵng bức xúc trước việc họ bị Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) yêu cầu trả tiền sử dụng quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm âm nhạc. Mức thu là 25.000 đồng/phòng/năm.
Văn bản do VCPMC gửi các chủ khách sạn ở Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Sự việc xảy ra ngày 28/4, ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC chi nhánh phía Nam ký văn bản số 177 gửi các khách sạn ở Đà Nẵng.
Văn bản này cho biết ngày 11/4, họ phối hợp với UBND quận Hải Châu (Đà Nẵng và Phòng Văn hóa và Thông tin tổ chức hội nghị triển khai phổ biến các quy định về quyền tác giả âm nhạc.
Hội nghị này có sự tham gia của đại diện các Sở, ban ngành và chủ các cơ sở kinh doanh khách sạn trên địa bàn thành phố.
Theo quy định tại khoản 2, 3, điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ, khi các tổ chức cá nhân, khai thác, sử dụng tác phẩm âm nhạc thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút cho tác giả. Tuy nhiên, hiện các chủ doanh nghiệp kinh doanh khách sạn ở Đà Nẵng thường xuyên sử dụng các tác phẩm âm nhạc nhưng không trả tiền thù lao, nhuận bút là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Sau khi đưa ra các căn cứ trên, VCPMC yêu cầu chủ các cơ sở kinh doanh khách sạn ở Đà Nẵng phải trả tiền khi sử dụng các tác phẩm âm nhạc. "Việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền được thực hiện từ ngày 10/5", văn bản nêu.
Văn bản do VCPMC ban hành còn nhấn mạnh nếu chủ các doanh nghiệp không trả tiền sẽ bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt hành chính theo Nghị định 131 của Chính phủ.
Trao đổi với phóng viên, chủ các khách sạn cho rằng từ trước đến nay họ đều lắp đặt tivi để cho khách xem truyền hình khi đến thuê phòng. "Lâu nay, chúng tôi có phải đóng tiền gì đâu. Việc VCPMC bất ngờ ra văn bản trên tôi thấy vô lý quá", ông Chiến, chủ một khách sạn trên đường Lê Đình Lý, bức xúc.
Cũng theo phân tích của ông Chiến, khi khách thuê phòng, họ mở tivi xem chương trình gì không ai biết thì lấy chứng cứ đâu thể thu tiền tác quyền. Mặt khác, việc sử dụng tác phẩm âm nhạc (nếu có) là do các nhà đài chi trả. Bản thân họ, khi lắp tivi đã trả tiền truyền hình cáp cho các nhà đài thì họ sử dụng chương trình là đương nhiên.
Khi lắp truyền hình cáp, hợp đồng đã ghi rất rõ là gói bao nhiêu tiền thì được sử dụng dịch vụ bấy nhiêu kênh. "Vậy thì cớ gì bắt chúng tôi phải trả thêm tiền khi sử dụng tác phẩm nữa", chị Lan, chủ khách sạn trên đường Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà), đặt câu hỏi.
Trả lời báo chí, ông Hà Vỹ, Trưởng phòng Quản lý văn hóa Sở Văn hóa, Thể thao Đà Nẵng, cho biết việc thu tiền tác quyền là giao dịch dân sự, tự thỏa thuận giữa các bên với nhau.
“Số tiền thu, thu như thế nào thì hai bên tự thỏa thuận với nhau. Khi nào VCPMC có chứng cứ hoặc văn bản đề nghị thanh tra, kiểm tra việc thực thi quyền tác quyền, chúng tôi mới đến kiểm tra các khách sạn”, ông Vỹ nói.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Hùng (Đà Nẵng) cho rằng hiện nay luật Sở hữu trí tuệ chưa có quy định rõ ràng trong việc thu tiền tác quyền khi sử dụng tác phẩm âm nhạc. Luật chỉ nêu tổ chức cá nhân sử dụng tác phẩm âm nhạc thì phải trả tiền. Khi ban hành văn bản, VCPMC phải làm rõ đối tượng sử dụng tác phẩm âm nhạc là nhà đài, chủ khách sạn hay người thuê phòng?
"Theo tôi, người sử dụng tác phẩm âm nhạc ở đây phải là các đài truyền hình. Còn người dân, chủ khách sạn chỉ là đối tượng bỏ tiền để được xem truyền hình. Do đó, VCPMC thu tiền chủ khách sạn là sai đối tượng", luật sư phân tích.
Cũng theo luật sư Hùng, văn bản trên không khả thi. Bởi khách thuê phòng, họ xem phim hay ca nhạc không ai biết được nên rất khó thu tiền. Mặt khác, nếu thu tiền thì phải thu tất cả các tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm chứ không phải mình chủ khách sạn.