Tại phiên điều trần chống độc quyền ngày 30/7, Mark Zuckerberg, CEO Facebook nói với Hạ viện rằng ông là câu chuyện thành công của Mỹ trong việc chống lại Trung Quốc. Mở đầu phần điều trần của mình, Mark Zuckerberg cũng xem TikTok như một đối thủ cạnh tranh.
'Mark Zuckerberg núp bóng chủ nghĩa yêu nước'
Đáp lại, Kevin Mayer, CEO mới của TikTok, ứng dụng được xem là biểu tượng sức mạnh công nghệ của Trung Quốc tại Mỹ gọi Mark Zuckerberg là người yêu nước giả tạo.
Kevin Mayer, CEO mới của TikTok cho rằng Mark Zuckerberg đang lợi dụng chủ nghĩa yêu nước để đẩy công ty này ra khỏi Mỹ. |
“Hãy tập trung nguồn lực của chúng ta vào việc cạnh tranh công bằng và cởi mở để phục vụ người dùng thay vì tấn công ác ý đối thủ cạnh tranh. Ở đây là Facebook, núp bóng chủ nghĩa yêu nước để lên kế hoạch đá TikTok ra khỏi nước Mỹ”, Kevin Mayer, CEO mới của TikTok viết trên blog cá nhân.
Trong phần điều trần của Mark Zuckerberg, ông liên tục tập trung vào các mối nguy khi Trung Quốc, cường quốc công nghệ thứ 2 thế giới đang thống trị nhiều lĩnh vực. Đây được xem là dấu mốc cho sự trở mặt của Facebook. Mạng xã hội này mất chục năm để cố gắng xâm nhập thị trường Trung Quốc. Giờ đây, người đứng đầu Facebook lại chọn hướng đi ngược lại.
Theo báo cáo mà Mark Zuckerberg chuẩn bị trước, Trung Quốc đang chuyển từ vị thế là thị trường mơ ước của các công ty công nghệ Mỹ sang hướng xuất khẩu những sản phẩm của họ sang nước khác.
Phần trả lời này được đánh giá là có thể xuôi tai với Tổng thống Trump, người đang nỗ lực cấm TikTok tại Mỹ trong bối cảnh nước này đang căng thẳng với Trung Quốc.
Ở khía cạnh khác, Facebook đang cạnh tranh trực tiếp với TikTok trong việc phát triển tính năng video ngắn như Reels hay Lasso.
Mục đích chính của Facebook vẫn là kiếm tiền
Mặc dù tại phiên điều trần, Facebook tuyên chiến với Trung Quốc nhưng đằng sau đó, mạng xã hội này vẫn kiếm hàng tỷ USD từ Trung Quốc. Trang công nghệ Gizmodo đã tìm thấy các bằng chứng cho thấy Facebook đã âm thầm dành 2 năm để tạo ra các nền tảng quảng cáo cho những công ty Trung Quốc nhắm mục tiêu vào thị trường Mỹ.
Đây là lần đầu Mark Zuckerberg trở mặt với Trung Quốc dù ròng rã 10 năm cố vào thị trường này. |
“Trong trường hợp này, Facebook đặt lợi nhuận lên trên lòng yêu nước và quyền riêng tư”, Gizmodo nhận định.
Theo Gizmodo, năm 2017, Facebook âm thầm đưa một ứng dụng chia sẻ ảnh vào Trung Quốc. Sau đó, Facebook cố mở một vườn ươm khởi nghiệp tại Hàng Châu, một trung tâm công nghệ và là tổng hành dinh của Alibaba. Chính quyền Trung Quốc đã đóng cửa vườn ươm này ngay lập tức.
Năm 2019, một nguồn tin cấp cao từ Facebook cho biết trong tương lai gần, công ty khó lòng vào được Trung Quốc. Năm 2020, Facebook thừa nhận đang mở rộng trụ sở ở Singapore để mở rộng kinh doanh quảng cáo và giới thiệu sản phẩm với mọi người tại Trung Quốc.
Theo Gizmodo, dù bị cấm tại Trung Quốc nhưng quốc gia này đứng thứ hai về chi tiêu quảng cáo cho Facebook. Các nhà phân tích dự đoán cuối 2020, Facebook sẽ thu về 39 tỷ USD tiền quảng cáo từ Trung Quốc, con số này là 134 tỷ USD tại Mỹ.
Sự bành trướng của Facebook tại Mỹ trở nên hữu ích với các công ty Trung Quốc hơn bao giờ hết. Facebook được nhận định là nơi mà các công ty như Tencent nếu muốn tiếp cận người dùng Mỹ sẽ phải đổ tiền vào. Kết quả, Facebook lọt top 10 công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc dù CEO của mạng xã hội này bề ngoài là một người chỉ trích Trung Quốc.
Facebook đưa quảng cáo Trung Quốc tiếp cận người dân Mỹ
Vì Facebook bị cấm tại Trung Quốc nên các nhà quảng cáo muốn tiếp cận đối tượng ở phương Tây sẽ không có nhiều kinh nghiệm về nền tảng này. Thế nên, Facebook đã làm việc với các đối tác dưới dạng đại lý để tìm kiếm các nhà quảng cáo từ Trung Quốc. Trong đó, Cheetah Mobile, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh và bị Google Play xóa ứng dụng vì liên quan đến lừa đảo là một trong những đối tác của Facebook.
Gần đây, Facebook tặng voucher 2.200 USD cho các doanh nghiệp tại Trung Quốc vượt qua đại dịch với điều kiện họ chỉ được dùng để quảng cáo tại nước ngoài. |
Sau vụ bê bối với Google năm 2018, công chúng kỳ vọng Facebook cắt đứt mọi quan hệ với Cheetah. Thế nhưng, mạng xã hội này đã bán quảng cáo cho Cheetah qua một công ty con có tên HK Zoom.
Nhờ vậy, bất chấp các mối quan hệ bị cắt đứt, Facebook vẫn giới thiệu Cheetah trên trang đối tác tại Trung Quốc và Cheetah vẫn tự coi mình là đại lý ủy quyền của Facebook.
Bên cạnh đại lý quảng cáo lớn như Cheetah, Facebook cũng âm thầm làm việc với các công ty Trung Quốc nhỏ. Theo Gizmodo, Facebook kinh doanh quảng cáo dựa trên dữ liệu người dùng. Việc mạng xã hội này hợp tác với các công ty Trung Quốc đồng nghĩa dữ liệu của 2,6 tỷ người dùng toàn cầu đang bị đưa đến một nơi kém an toàn.
Nói cách khác, Facebook là một bản sao của TikTok ngay cả khi mạng xã hội này không có máy chủ nào tại Trung Quốc. Mặc dù Facebook tuyên bố các dữ liệu người dùng sẽ được “xào nấu” để dùng cho mục đích quảng cáo nhưng Gizmodo lo ngại sẽ có một bê bối Cambridge Analytica thứ hai.