Bà Alanyo Joyce, một tiểu thương bán khoai tây chiên và gà rán tại Gulu, kể về ký ức kinh hoàng hôm 8/4: “Tôi mải bán hàng mà không nhận ra trời đã tối. Đây cũng là thời điểm Uganda áp đặt lệnh giới nghiêm để chống dịch”.
Khi lực lượng an ninh kéo đến và yêu cầu Joyce rời đi, bà lập tức nghe theo: “Tôi đang dọn hàng đây”. Bà Joyce chưa kịp dứt lời thì một sĩ quan cảnh sát tiến lại gần, đạp đổ chảo dầu sôi vào người bà.
“Anh ta đạp đổ chảo dầu mà không nói một lời. Tôi chợt nhận ra cả cơ thể mình đang bùng cháy”, Joyce kể lại trong đau đớn. Bà Joyce bị bỏng nghiêm trọng và phải chịu đựng “nỗi đau thấu từ trong xương” mỗi ngày.
Bà Alanyo Joyce bị bỏng nặng. Ảnh: The Guardian. |
Là lao động chính trong gia đình nhưng sau sự việc, bà Alanyo Joyce phải nằm viện và không thể kiếm tiền nuôi con. Cảnh sát hành hung bà Joyce bị bắt song sớm được tại ngoại nhờ trả tiền bảo lãnh.
Trải nghiệm kinh hoàng của Alanyo Joyce phản ánh xu hướng bạo lực gia tăng tại Uganda sau khi nước này phong toả toàn quốc hôm 30/3.
Trước vụ việc của bà Joyce, hàng chục dân thường tại thành phố Elegu bị lực lượng cảnh sát hành hung. Những sĩ quan hành pháp này chỉ bị bắt khi hình ảnh về vụ tra tấn lan truyền trên mạng xã hội.
“Hành động tàn bạo của cảnh sát là điều không thể chấp nhận được, bất kể là trong thời bình hay thời dịch”, nghiên cứu sinh Oryem Nyeko của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết.
Theo tổ chức này, lực lượng cảnh sát Uganda đã tự ý bắt giữ, đánh đập và nổ súng vào nhiều thường dân, bao gồm các nhà báo, tiểu thương và người đồng tính. Sự tàn bạo của các nhân viên hành pháp trở nên nghiêm trọng sau khi Uganda phong tỏa để chống dịch.
Hàng chục dân thường tại thành phố Elegu bị lực lượng cảnh sát tra tấn một cách tàn bạo. Ảnh: The Guardian. |
Theo The Guardian, nhiều nhà hoạt động xã hội đã bị bắt giữ vì tham gia biểu tình chống lại tình trạng thiếu an ninh lương thực. Chính trị gia Francis Zaake còn bị cảnh sát tra tấn vì tự ý phân phát thức ăn cho người dân. Sau giờ giới nghiêm, cảnh sát sẵn sàng đánh đập tàn bạo những người chưa kịp về nhà.
Chỉ huy đội đặc nhiệm chống Covid-19, ông Maj Santos Okot Lapolo, thừa nhận nhiều cảnh sát đã hành động “thái quá”. Song ông này chưa thể bàn luận về việc bồi thường cho bà Alanyo Joyce trong khi lệnh phong toả vẫn còn hiệu lực.
“Chúng tôi không thể làm gì vì Uganda vẫn đang ở trong tình trạng khủng hoảng”, ông Maj Santos Okot Lapolo cho biết. “Chúng tôi sẽ cân nhắc các khả năng và hỗ trợ bà Joyce trong tương lai”.