Bi Bi và Mặt Đen là một chuỗi những câu chuyện ngụ ngôn, những bài học nhân văn, đầy ắp tình người, giúp người đọc cảm nhận được tình yêu thương, ưa chuộng hòa bình thông qua các câu chuyện giản dị, giọng văn trong đẹp.
Mới đây, bộ truyện cổ tích thời hiện đại Bi Bi và Mặt Đen được giải C - giải Sách Hay (Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất). Giải thưởng như là sự khẳng định bước đầu giá trị mà bộ sách đem lại cho độc giả. Tác giả bộ sách trò chuyện với độc giả Zing.vn.
Bộ sách Bi Bi và Mặt Đen đạt giải C Sách Hay, Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất. Ảnh: Việt Hùng |
Chính cháu ngoại đã cho tôi cảm hứng để kể câu chuyện này
- Được biết, đây là bộ truyện “dài hơi” gồm 5 tập với hơn 1.000 trang sách của 200 câu chuyện khác nhau, ông có sợ thiếu nhi thời nay không thể đọc hết?
- Tôi không nghĩ như vậy. Bởi vì tập truyện này hình thành trong quá trình tôi kể cho cháu ngoại tôi nghe, mỗi tối 2 truyện, mà cháu vẫn muốn kể thêm. Truyện gần gũi với các cháu bé nên dễ lôi cuốn.
Trên thực tế, cháu nào đã chịu đọc sách, thì đều đọc một mạch hết cả 5 tập. Có một chị kể là sợ đưa một lúc nhiều tập, con ngại đọc, nên chỉ đưa hai tập. Không ngờ, chỉ vài ngày sau cháu đã đòi mẹ đưa tiếp một lúc 3 tập để đọc cho thỏa thích.
- "Bi Bi và Mặt Đen" là cái tên rất ngộ nghĩnh. Xin nhà văn bật mí thêm về nhan đề thú vị này.
- Tên sách hình thành và cố định ngay từ khi mới kể chuyện, lấy từ tên hai nhân vật chính. Nhân vật Bi Bi chính là từ cháu gái tôi, tên ở nhà là Bi. Tôi đặt thành Bi Bi. Còn Mặt Đen là nhân vật do tôi hư cấu hoàn toàn. Nhân vật này khác biệt với cháu tôi, để tạo sự tương phản về hình thức, nhưng lại thống nhất về phẩm chất.
Phẩm chất nổi trội của hai nhân vật này, nói theo cách nói dân gian, là “ngoan”. Do “ngoan”, biết nghe lời người lớn, hướng thiện, nên hai cháu đều trở nên thông minh, nhân hậu, làm được nhiều việc có ích.
Thấy mình là người bình thường trong muôn vàn người
- Trong bộ truyện, thấy được ngoài chất văn chương, giọng văn đẹp, trong sáng, còn thấy sự cài cắm của tác giả về cách dạy kỹ năng sống, dạy làm người cho thiếu nhi. Phải chăng, đây là mục đích chính của bộ truyện này?
- Mục đích chính của bộ truyện này, lúc đầu, là thỏa mãn khao khát nghe chuyện của cháu ngoại. Qua đó tôi giáo dục cháu về tình thương yêu, đồng thời "phổ biến" cả kiến thức và dạy kỹ năng, sau đó trở thành tập bản thảo thì hướng tới đông đảo các bạn nhỏ khác.
Như vậy, giải trí, giáo dục, dạy kỹ năng nằm trong tổng thể truyện và được hình thành tự nhiên chứ không có sự gán ghép, "cài cắm".
- Ông được văn giới và độc giả khắp nơi biết đến qua bộ “Bê trọc”, Từ giọng hào hùng, tỉ mỉ, thậm chí "đau xót"... khi chuyển sang một giọng văn hoàn toàn mới, viết cho thiếu nhi, ông có cảm thấy khó?
- Thực ra, tôi không hề có ý định "sáng tác" hai tác phẩm này, cho nên không thấy khó. Tôi có thể cảm nhận rõ rằng chính cuộc sống cho tôi những dòng chữ để hình thành hai tác phẩm. Bê trọc hình thành dần dần trên các trang ghi chép. Còn Bi Bi và Mặt Đen xuất hiện quá trình kể chuyện. Rồi chúng thành sách lúc nào không hay.
Ở Bê trọc, tôi sống trong điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh, là người trong cuộc, nếm trải mọi mùi vị của cuộc chiến, được nhân dân đùm bọc, cho nên ghi lại một cách chân thực cuộc sống ấy thì đã có nội dung đáng để bạn đọc quan tâm rồi.
Đến Bi Bi và Mặt Đen, trực tiếp chăm sóc cháu Bi từ hơn 3 tuổi cho đến nay, tôi thấm hết tính cách của trẻ thơ, cho nên kể chuyện hợp với tâm lý của con trẻ.
- Qua chia sẻ, thấy rằng, sự sáng tạo của ông đến tự nhiên, như là hơi thở cho cuộc sống. Thấy rằng, ông là mẫu nhà văn "dứt lòng" để viết, để sáng tạo. Ông có tự nhận mình là nhà văn "khác biệt" trong sáng tạo văn chương?
- Tôi thấy mình là người bình thường trong muôn vàn người. Còn về viết văn, mỗi nhà văn một kiểu, tùy theo cá tính, hoàn cảnh sống... cho nên tôi có cái riêng của tôi thì cũng bình thường chứ không có gì khác biệt.
Nhà văn Phạm Việt Long. |
- Tại sao ông lại chọn đồng thời 4 không gian: nông thôn, thành phố, miền núi và vườn cổ tích cho bộ truyện, mà không xoáy sâu vào một vùng?
- Tôi nghĩ bốn vùng không gian này, tôi đã khắc hoạ khá nhiều hình nhiều vẻ, cơ bản cho cháu của tôi hình dung ra từng vùng là như thế nào. Tôi muốn cháu tôi và các bạn được thưởng thức những mùi vị khác nhau của cuộc sống trên những vùng khác nhau.
Đặc biệt, các cháu ở thành phố biết rất ít về nông thôn, miền núi; còn các cháu ở các vùng miền núi, nông thôn lại thiếu hiểu biết về thành phố; cho nên, sách giúp các cháu tiếp nhận được một cách nhẹ nhàng kiến thức về các vùng của đất nước.
Sự phát triển tràn lan của truyện tranh đang làm cho trẻ lười đọc chữ
- Qua bộ truyện, tôi còn thấy được chất hài hước. Phải chăng ông cố tình cho thủ pháp gây cười?
- Các cháu của tôi nhận xét rằng tôi là người hài hước. Phê bình các cháu cũng theo cách hài hước, các cháu dễ tiếp nhận, thấm, mà không tự ái, hờn dỗi. Cho nên, khi kể và viết, chất hài hước tự hòa vào câu chuyện.
Đáng quan tâm nữa, là khi kể, phải làm sao cho hấp dẫn thì hài hước là một biện pháp, cho nên tôi cũng có khi phải "cố tình", và thấy cháu cười vui thì sự hài hước lại được tăng cường ở các câu chuyện tiếp theo.
- Dễ nhận thấy sự huyền ảo trong "Bi Bi và Mặt Đen", ông có học hỏi ở các tác phẩm nổi tiếng hay tạo nên sự huyền ảo theo lối riêng?
- Tôi học hỏi nhiều ở các nhà văn tiền bối trong nước và ngoài nước. Học về cách tư duy, mở hướng đi cho mình, chứ không phải là bắt chước. Như với Trăm năm cô đơn, tôi đọc đã lâu, thậm chí không nhớ câu chuyện nữa.
Nhưng cái đọng lại trong tôi là không khí huyền ảo quyện trong không khí hiện thực. Đó là điều tôi học được - có thể kết hợp hiện thực và huyền ảo. Mặt khác, tôi là người nghiên cứu văn học dân gian, cho nên thấm sâu tinh thần của các chuyện thần thoại, cổ tích để khi sáng tạo có được tinh thần ấy.
- Ông có nhận định gì về văn học thiếu nhi trong nước?
- Như mọi người vẫn phát biểu trên các phương tiện truyền thông, văn học thiếu nhi thời này vừa thiếu vừa yếu. Ngoài ra, tôi còn lo ngại, là sự phát triển tràn lan của truyện tranh đang làm cho thiếu nhi lười đọc chữ đi.
- Khi viết bộ này, ông có hướng đến người đọc ngoài lứa tuổi thiếu nhi?
- Khi kể, thì tôi chỉ chăm chắm kể cho cháu nghe thôi. Nhưng khi viết lại, biên soạn thành từng tập, thì tôi có ý định dành cho cả người lớn nữa. Bởi, qua bộ sách này, người lớn có thể hiểu trẻ con hơn, do đó có thể nuôi dạy con cái tốt hơn.
Bộ truyện Bi Bi và Mặt Đen được coi là truyện cổ tích thời hiện đại. |
- Có người gọi bộ này là bộ sách trường thiên, gồm những câu chuyện riêng lẻ của 2 nhân vật chính, nhưng đọc hết sẽ thấy được tính cách của các nhân vật qua từng câu chuyện. Ông tự gọi bộ sách của mình là tiểu thuyết hay tập truyện ngắn?
- Như tôi đã ghi trong sách, đây là bộ “Truyện cổ tích thời hiện đại”. Tuy vậy, có thể hiểu bộ sách này theo nhiều cách khác nhau tùy cách tiếp cận của người đọc. Nếu coi là từng câu chuyện riêng lẻ vẫn được, vì nó độc lập với nhau, đọc từng chuyện vẫn được.
Nhưng nếu bỏ công đọc và nghiền ngẫm, thì thấy nó là bộ sách trường thiên, bởi các chuyện có các mối liên hệ với nhau, hai nhân vật chính đi suốt bộ sách, có sự phát triển để định hình tính cách. Quả thật, tôi có học cách làm phim truyền hình dài tập của truyền hình nước ngoài khi tạo nên bộ sách này.
- Ông có ý định biến bộ truyện thành bộ phim hoạt hình hấp dẫn và bổ ích?
- Tôi có ý định chuyển thể bộ truyện này thành phim hoạt hình nhiều tập. Tuy vậy, phải nhờ đến khả năng của người chuyên viết kịch bản hoạt hình thì mới ổn.
Phạm Việt Long là một nghệ sĩ đa tài, ông viết văn, viết nhạc, làm báo và là một nhà nghiên cứu văn hóa.
Ông từng là phóng viên chiến trường trong giai đoạn 1968-1975. Qua cuộc chiến này, ông viết bộ Bê trọc (đoạt Giải B về văn xuôi do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao năm 2000, Giải Tư của Hội Nhà văn Việt Nam - Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội năm 2017), tác phẩm được Đài truyền hình Việt Nam dựng phim 4 tập với tên Nhật ký chiên trường.
Ông cũng giành giải C - giải Sách Hay (Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất) cho bộ truyện cổ tích thời hiện đại Bi Bi và Mặt Đen.
Ngoài ra, ông còn có các tác phẩm khác như Âm bản, Du khảo Hoa Kỳ, Giã từ, Ngờ vực...