Các cư dân địa phương tại Woolnorth, Australia cho biết họ phát hiện 10 cá thể quỷ Tasmania đã chết chỉ trong vòng 5 ngày. Tính từ tháng 1 đến nay, có đến 30 cá thể quỷ Tasmania được phát hiện tử vong.
Hình ảnh do hãng thông tấn ABC ghi lại cho thấy có một số vết thương trên cơ thể những con quỷ Tasmania đã chết. Cá biệt, một cá thể có đầu bị vặn ngược 180 độ. Xác chết của chúng thường được tìm thấy trên đường tại Woolnorth Road, ABC đưa tin.
Vụ việc gây chấn động
Quỷ Tasmania là loài thú có túi ăn thịt lớn nhất thế giới. Loài này sinh sống chủ yếu trên đảo Tasmania của Australia.
Từ năm 1995, loài này bị đe dọa bởi căn bệnh có tên "U mặt quỷ" (DFTD), một chứng bệnh ung thư chỉ có trên quỷ Tasmania, với tỷ lệ tử vong lên đến 95%.
Hiện nay, Woolnorth là một trong số ít các khu vực có quần thể quỷ Tasmania hoàn toàn khỏe mạnh. Chính vì thế, những cái chết chưa rõ nguyên nhân của hàng loạt cá thể quỷ Tasmania ở Woolnorth gây chấn động trên khắp Australia.
Đảng Xanh yêu cầu chính phủ liên bang can thiệp và điều tra việc này.
Xác chết của các cá thể quỷ Tasmania được tìm thấy ở Woolnorth, Australia. Ảnh: ABC. |
Thượng nghị sĩ Peter Whish-Wilson, đại diện của bang Tasmania tại Quốc hội Australia, cho biết ông bị sốc và vô cùng giận dữ khi nhìn thấy hình ảnh xác chết của những con quỷ Tasmania.
"Woolnorth được công nhận là nơi quỷ Tasmania được bảo vệ, và là một trong những khu sinh sống cuối cùng của các cá thể quỷ khỏe mạnh tại Tasmania, vì thế những thông tin này gây chấn động", Thượng nghị sĩ Whish-Wilson nói.
"Chúng tôi kêu gọi khôi phục tài trợ liên bang cho Chương trình Bảo vệ Quỷ Tasmania và phương án hành động ngay lập tức", ông Whish-Wilson nói.
Một phát ngôn viên của Bộ Công viên, Nước và Môi trường Australia cho biết Chương trình Bảo vệ Quỷ Tasmania đã nắm được thông tin về vụ việc.
Nhà chức trách xác nhận Chương trình Bảo vệ quỷ Tasmania đang làm việc với Circular Head Council, tổ chức sở hữu Woolnorth Road, nơi tìm thấy xác chết của những con quỷ Tasmania.
"Dữ liệu do chương trình và các cơ quan chính phủ thu thập được cho thấy có sự gia tăng định kỳ hàng năm về số cá thể quỷ Tasmania chết trên đường vào các tháng mùa hè trên khắp tiểu bang", phát ngôn viên của Bộ Công viên, Nước và Môi trưởng cho biết.
"Hiện tượng có thể do các cá thể quỷ Tasmania non rời khỏi mẹ chúng vào thời gian này trong năm", phát ngôn viên cho biết.
Môi trường ô nhiễm?
Đoạn đường nơi tìm thấy xác chết những con quỷ Tasmania nằm liền kề trang trại Van Dairy. Trang trại này do Moon Lake Investments, một công ty Trung Quốc, sở hữu. Trước đó, Moon Lake Investments cam kết sẽ giúp bảo vệ loài quỷ Tasmania.
Báo giới hôm 11/3 không thể liên hệ với Moon Lake Investments để đề nghị bình luận.
Khi Ủy ban Đánh giá Đầu tư Nước ngoài xem xét thỏa thuận cho phép Moon Lake Investment mua lại Van Dairy năm 2016, Giám đốc Quỹ Bảo tồn Tasmania Peter McGlone đã gửi thư đề nghị ủy ban bổ sung quy định yêu cầu công ty Trung Quốc cam kết bảo vệ các sinh vật hoang dã sống tại đây.
"Woolnorth là một phần của khu vực Tây Bắc Tasmania có cộng đồng quỷ Tasmania hoang dã và không mắc chứng U mặt quỷ. Việc có một cộng đồng quỷ Tasmania khỏe mạnh tự nhiên là điều cực kỳ quan trọng", ông McGlone cho biết.
Nhà chức trách môi trường Australia cho biết trang trại Van Dairy không có đóng góp cụ thể cho chương trình bảo tồn, nhưng cho phép nhân viên cơ quan này ra vào đất của Van Dairy để theo dõi quỷ Tasmania hàng năm.
Một cá thể quỷ Tasmania ở Australia. Ảnh: ABC. |
Sau khi nhận được đèn xanh từ phía Bộ Tài chính Australia, doanh nhân người Trung Quốc Xianfeng Lu - ông chủ của Moon Lake Investments - trả 280 triệu USD để mua lại Van Diemen's Land Company - công ty sở hữu Van Dairy.
Từ khi mua lại trang trại Van Dairy năm 2016, tập đoàn Trung Quốc Moon Lake Investments đã nhiều lần vướng vào rắc rối.
Năm 2018, giám đốc điều hành và các giám đốc không điều hành người Australia tại Moon Lake Investments lần lượt rời công ty.
Thời điểm đó, cựu Bộ trưởng Tài chính David Crean nêu lên quan ngại việc ông chủ Trung Quốc từ chối đề nghị đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại các trang trại. Thay vào đó, ông Lu tái cấu trúc công ty, điều sau này cho thấy không phát huy hiệu quả.
Một năm sau, hơn 20 nhân viên quản lý cấp cao gửi thư tới doanh nhân họ Lu phàn nàn việc công ty đang không "cung cấp sản phẩm sữa an toàn, bảo đảm chất lượng", cũng như không "bảo đảm hay thực hiện các chính sách bảo vệ động vật hoang dã".
Trang trại Van Dairy đang bị nhà chức trách quản lý sản phẩm từ sữa của Tasmania điều tra về nghi vấn xả chất thải ra môi trường.
"Cơ quan quản lý ngành sữa Tasmania đang tiếp tục làm với với công ty, cơ quan bảo vệ môi trường, và các cơ quan chính phủ khác để bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật", phát ngôn viên Cơ quan Quản lý ngành sữa Tasmania cho biết.