Song nhiều nguồn tin cho rằng đó chưa phải là mấu chốt dẫn đến quyết định đột ngột này.
Nhiều cuộc họp “rất căng thẳng”
Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, phía sau lá đơn xin từ chức của ông Hải còn ẩn khuất một vài lý do “khó bày tỏ” như trong quan hệ xử lý công tác lãnh đạo, phương pháp lãnh đạo, quản lý điều hành…
Nguồn tin này cho hay có một số cuộc họp tại quận 1 diễn ra rất căng thẳng, thậm chí có thành viên còn “đập bàn, đập ghế”.
Bên hành lang hội nghị triển khai công tác cải cách hành chính diễn ra ngày 9/1, trả lời câu hỏi của báo chí đề nghị đánh giá năng lực của ông Đoàn Ngọc Hải, Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận cho rằng việc đánh giá cán bộ là vào dịp kiểm điểm cuối năm. Về phía Ban Thường vụ quận uỷ cũng như thường trực UBND quận 1 cũng đã có cuộc họp theo quy định.
Ông Đoàn Ngọc Hải trong một lần xuống đường giành lại vỉa hè cho người đi bộ trên địa bàn Quận 1, TP.HCM. |
“Cũng có mặt được, mặt hạn chế trong nhiệm vụ của mình, còn bây giờ hỏi tôi thấy không phù hợp với câu chuyện này. Một cá nhân không thể đánh giá một cách tuỳ tiện như vậy, nhất là cách trao đổi như thế này. Cần thiết thì các nhà báo cứ đề xuất, chúng tôi sẽ tiếp, làm việc một cách đàng hoàng. Đánh giá cán bộ của mình mà qua một buổi trao đổi rất ngắn gọn như vầy thì không thể nói hết được”, ông Thuận nói.
Trao đổi với Tiền Phong chiều cùng ngày, nguyên Phó giám đốc Sở Nội vụ Lê Hoài Trung lưu ý còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ như việc từ chức là do làm không được hay do bất đồng quan điểm.
TSKH Trần Quang Thắng, Đại biểu HĐND TP.HCM nhận xét kể từ lúc lãnh đạo UBND quận 1 ngưng xuống đường, lòng lề đường bị tái chiếm trở lại, bầy hầy lại như trước. Nếu đã làm thì phải làm tới nơi tới chốn.
Ông Thắng đánh giá những việc ông Đoàn Ngọc Hải đã làm có một số mặt khá tốt. Tuy nhiên, cách thực hiện đôi khi hơi cứng nhắc nên dễ đụng chạm.
“Những khách sạn, nhà hàng họ có tiền, có quan hệ lớn. Những người buôn bán lấn chiếm lòng lề đường chống tới cùng, chỉ những người muốn TP.HCM có lối sống văn minh thì ủng hộ ông Hải. Không loại trừ việc dọn dẹp lòng lề đường, xoá các bãi giữ xe đã đụng đến lợi ích nhóm nhưng muốn xoá cần phải có lộ trình như phải có chỗ đậu xe thuận lợi cho người dân thì cách làm của ông Hải sẽ thành công hơn”, ông Thắng nói.
Vị đại biểu này cho rằng hiện nay cần có những cán bộ nếu làm không được thì xin từ chức. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cần phải xem xét thấu đáo trường hợp của ông Đoàn Ngọc Hải. Bổ nhiệm cán bộ vào vị trí nào đó mà không có bộ máy phối hợp, đồng bộ thì… chết người ta vì ngay cả cấp phường, cảnh sát khu vực cũng dính dáng đến quyền lợi từ vỉa hè. Đụng đến rất khó. Nói chung tất cả những vấn đề này, Sở Nội vụ, UBND TP.HCM và Thành ủy phải xem xét thấu đáo.
TSKH Trần Quang Thắng: Anh Hải là một người có tâm tốt
“Ông Hải là một người có tâm tốt nhưng làm gì cũng cần phải có một bộ máy giúp việc đồng bộ; cách làm việc phải thuyết phục. Việc làm đó gian khổ vì đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của các cá nhân, tổ chức. Mà các tổ chức thì đều có quyền lực của họ. Họ có tiền và bản thân nhiều tổ chức đó là cơ quan nhà nước.
Chính sách tốt thì không được gây những xung đột quá đột ngột. Một người đang có thu nhập ổn định mỗi tháng bao nhiêu tiền, bây giờ tự nhiên bị mất, người ta sẽ phản ứng, mặc dù phản ứng đó là thiếu tinh thần xây dựng. Vì vậy, việc thay đổi cần phải có một quá trình.
Văn hóa từ chức của ông Hải là điều đáng quý, nhất là khi mình có một tâm tốt. Thành phố cần tìm hiểu rõ ông Hải đang thực sự bức bách điều gì; do chưa làm được nhiệm vụ đến nơi đến chốn hay là do các tổ chức không có những nhận xét, đánh giá tốt về ông Hải và khiến ông ấy thất vọng.
Một lãnh đạo UBND TP.HCM (đề nghị không nêu tên) nói: Từ chức hay không là quyền của anh. Cho hay không là quyền của các cơ quan cấp trên. Anh vẫn là cán bộ, đảng viên, công việc hiện nay anh thấy không phù hợp, anh xin từ chức.
“Là cấp trên, có thể chúng tôi sẽ thuyết phục anh ở lại tiếp tục nhiệm vụ, có thể sẽ bố trí công việc khác. Thành phố sẽ xem xét xử lý phù hợp, thấu tình đạt lý”, người này nói.
Vị lãnh đạo này cũng đánh giá từ chức là một văn hoá. Và, bản thân người lãnh đạo, quản lý cán bộ đó cần phải xem lại quá trình quản lý điều hành có vấn đề gì không, lãnh đạo chỉ đạo như thế nào, có gây ức chế cho cấp dưới hay không.
“Thành phố sẽ gặp riêng, lắng nghe, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, nguyên nhân vì sao. Nguyên nhân không thuần về năng lực mà còn có những vấn đề khác; những mối quan hệ, phong cách, phương pháp làm việc, phương pháp lãnh đạo, quản lý của cấp trên, có khi không khoa học… để xử lý vấn đề của anh Hải hợp tình, hợp lý, khách quan, công tâm”, ông cho hay.