* Bài viết của Kaitlyn Tiffany từ trang Vox về cách thức Tinder hoạt động và những gì bạn cần làm để có được "nửa kia" bằng thao tác quẹt phải trên smartphone.
Tôi chẳng phải một bậc thầy về tình yêu để đủ biết rằng người không hề yêu đương thường có tuổi thọ thấp hơn hẳn bình thường. Trong thời đại kỹ thuật số, học về cách vận hành thuật toán của Tinder trở thành vấn đề sống còn, cấp bách.
Theo Pew Research Center, đa số công dân Mỹ xem việc hẹn hò qua các ứng dụng là điều hiển nhiên. Vào tháng 2/2016, lúc Pew Research Center thực hiện khảo sát, chỉ có 15% người Mỹ thực sự dùng ứng dụng kiểu này. Điều này có nghĩa việc chấp nhận sản phẩm và ý thức sử dụng ứng dụng trở thành hai vấn đề hoàn toàn tách biệt.
Thuật toán của Tinder có cơ chế tính điểm Elo như cờ vua. Ảnh: Vox. |
Hơn thế nữa, chỉ có khoảng 5% cặp đôi kết hôn hoặc thiết lập mối quan hệ thông qua app hẹn hò. Trên thế giới có khoảng 57 triệu người dùng Tinder, tại sao lại có sự chênh lệch lớn đến thế. Liệu họ có biết bản thân đang làm gì?
Đầu tiên, người dùng cần phải hiểu rằng Tinder luôn xếp hạng các lựa chọn. Thuật toán của app không thể tìm kiếm sự tương đồng về ngoại hình, địa lý giữa hai đối tượng.
Tiếp theo, bạn không match (kết nối) được với ai không phải do bạn tệ hại. Các nhà khoa học đã chứng minh sự cuốn hút giữa cá thể này với cá thể khác là do các phản ứng hóa học trong não, chúng sẽ kích hoạt khi gặp đúng điều kiện. Cuối cùng, hãy nghe theo lời khuyên của Helen Fisher, nhà nhân chủng sinh học tại Học viện Kinsley, hãy chăm chút kĩ lưỡng cho profile của bạn.
Tinder hoạt động như thế nào?
Austin Carr, phóng viên của Fast Company có cơ hội được quan sát “danh sách đánh giá nội bộ Tinder”. Austin cho rằng ứng dụng sử dụng hệ thống chấm điểm Elo, cùng một hệ thống đánh giá kỳ thủ cờ vua làm cốt lõi. Người dùng thăng cấp Elo nhờ vào những lượt quẹt phải (thích). Tuy nhiên, hệ thống còn xem xét giá trị của những người thực hiện quẹt phải. Người có Elo càng cao, giá trị của cú quẹt phải đó càng lớn.
Tiếp theo, Tinder sẽ xếp những người cùng điểm Elo vào các nhóm, hệ thống tự cho rằng hợp nhau nghĩa là có cùng một ý kiến. Đương nhiên, người dùng thuộc nhóm thấp kém sẽ chẳng bao giờ được cấp cao hơn quẹt phải, hoặc xuất hiện trên newfeed.
Tinder cho rằng sức thu hút đồng nghĩa với ngoại hình. Vì thế, ứng dụng cho phép người dùng đăng càng nhiều hình ảnh lên profile cá nhân, ảnh luôn để ở cỡ lớn, lấn át các phần thông tin khác. Điều này vô tình làm cho người dùng không hề muốn thêm nội dung ở phần “giới thiệu bản thân”. Thay vào đó, tính năng liên kết với Spotify và Instagram sẽ làm phần việc còn lại.
Quẹt phải quá nhiều làm bạn "mất điểm" trong mắt các đối tượng khác. Ảnh: Gizmodo. |
Bên cạnh đó, thuật toán của Tinder sẽ xem xét hai yếu tố quan trọng của một profile là nơi chốn và tên tuổi, nhằm cho ra những kết quả tốt hơn. Giờ đây, Tinder còn tích hợp khả năng kết nối 2 người thông qua những lượt thích/ghét trước đó. Ví dụ, nếu tôi quẹt phải hàng tá người mà được “thích” bởi nhiều người phụ nữ khác. Lựa chọn của chúng tôi sẽ giao nhau, tôi chắc chắn sẽ match không ít thì nhiều những đối tượng ấy.
Trường hợp danh sách ứng viên của người dùng cạn dần, thuật toán tự động quay trở lại những lựa chọn mà bạn đã bỏ qua. Cơ chế này còn hoạt động với những người mà bạn đã unmatched (ngắt kết nối). Theo Nick Saretzky, giám đốc OkCupid, một nền tảng hẹn hò trực tuyến bạn càng sử dụng app hẹn hò nhiều, chất lượng mà đối tượng bạn tìm được càng cải thiện
“Theo lý thuyết, người dùng chịu quẹt phải hàng nghìn đối tượng, họ sẽ có khả năng kết nối với bất kì ai. Chúng tôi ghi lại từng câu nói, từng hành vi người dùng và cố gắng sắp xếp những kết quả khả quan lên trước. Tinder, OkCupid đều có tính năng làm mới, bạn sẽ có cơ hội gặp lại đối tượng bản thân đã từ chối”, Nick Saretzky nói.
Cơ chế bí mật của "Super Like"
Super Like, cơ chế trả phí cho phép người dùng “thích” công khai một đối tượng. Thông thường, Tinder sẽ kết nối 2 người cùng “thích” lẫn nhau, nhưng không một ai biết rằng họ được quẹt phải bởi người khác. Super Like cho phép cả 2 biết danh tính của nhau trước khi được match. Profile của người dùng trả phí được đánh dấu bằng ngôi sao màu xanh, nổi bật.
Mỗi tuần, người dùng sẽ có một lượt Super Like miễn phí hoặc bỏ ra 1 USD để mua về. Tinder còn giới thiệu các gói dịch vụ Tinder Plus (9,99 USD/tháng) và Tinder Gold (14,99 USD/tháng) với 5 lượt Super Like cho cả ngày.
Tinder tuyên bố Super Like nhân ba cơ hội được "match" cho người dùng. Chúng ta không có cách nào có thể kiểm chứng độ hiệu quả của tính năng trên.
Tuy nhiên, khi ta sử dụng Super Like, Tinder tự động ưu tiên profile của ta và đẩy nó lên gần với những ứng viên tiềm tàng khác, đảm bảo rằng bạn sẽ được chọn. Nhưng, điều này không làm bạn được match ngay, Super Like chỉ cố gắng đưa bạn lên phân khúc những profile có Elo cao.
Trả phí sử dụng Tinder không đảm bảo một mối quan hệ vững chắc như bạn vẫn tưởng. Ảnh: Vox. |
Mặt khác, thuật toán của Tinder sẽ có lợi đối với những người dùng khó tính và ít khi quẹt phải vô tội vạ. Để chắc chắn rằng người dùng quan tâm nhiều hơn đến profile của đối phương hay quá dễ dãi trong việc chọn lựa, mỗi ngày Tinder chỉ cho phép tối đa 100 lượt quẹt phải.
Đương nhiên, việc thiết lập các kết nối là điều quan trọng nhưng Tinder muốn hướng tới sự chân thực trong sản phẩm của họ. Đặc biệt, kết quả hướng đến các cuộc hẹn ngoài đời luôn được đặt lên hàng đầu. Tinder theo dõi những kết nối có trao đổi số điện thoại và dự đoán những khả năng của mối quan hệ đó sẽ đi đến đâu, trở thành cặp hay chỉ thỏa mãn ý muốn quẹt vô tội vạ. Chẳng hạn, nếu bạn quẹt phải quá nhiều, lượt match đến profile của bạn sẽ bị giảm hẳn.
Thuật toán có quyết định được tình yêu?
Trước khi Tinder ra đời, các nền tảng hẹn hò trực tuyến như Match, OkCupid thực hiện việc ghép đôi kỹ lưỡng hơn, thông qua các câu hỏi. Khi tạo cho mình một profile, người dùng phải trả lời mọi thứ từ tôn giáo, xu hướng tình dục, chính trị, phong cách sống cùng nhiều chủ đề cực kỳ riêng tư khác.
Cuộc đời quăng quật chúng ta khắp muôn nơi. Hy vọng rằng, cả hai sẽ va vào nhau lúc bão tố nhất. Chỉ khi một mối quan hệ bắt đầu, ta mới biết được nó có kết thúc hay không
- Eli J.Finkel, chuyên gia tại Đại học Northwestern
Tuy nhiên, thuật toán ghép đôi càng phức tạp không có nghĩa rằng nền tảng ấy sẽ gặt hái nhiều thành công.
“OkCupid hay bất kì nền tảng hẹn hò nào khác có quyền tự hào về thuật toán của mình. Nhưng, tỷ lệ ghép đôi cao không đồng nghĩa với việc thành hình một mối quan hệ vẹn toàn. Độc quyền thị trường là nhân tố mà những nền tảng này nhắm đến”, Kevin Lewis, nhà xã hội học trả lời trên JStor vào năm 2016.
Năm 2012, một đội ngũ chuyên gia tại Đại học Northwestern thực hiện nghiên cứu về những kỳ vọng mà app hẹn hò mang lại. Đầu tiên, app hẹn hò thực sự giúp người dùng kết nối với nhiều người hơn và đơn giản hóa giao tiếp giữa người với người. Bên cạnh đó, Eli J.Finkel, đầu não của đội ngũ này cho rằng chẳng có một app nào làm người ta phải lòng nhau tốt hơn sự ngẫu nhiên của cuộc sống.
Thuật toán chỉ giúp người dùng giảm thiểu các rủi ro và tiết kiệm thời gian. Ảnh: Gizmodo. |
“Ứng dụng hẹn hò giúp tiết kiệm nhiều thời gian và công sức cho người dùng. Chúng ta không nên đánh giá cao các thuật toán”, Eli J.Finkel viết.
Theo nghiên cứu trên, sự thành bại của một mối quan hệ không thể dự đoán bởi những con số hay dữ liệu. Sự thấu hiểu và khoan dung của 2 đối tượng mới là điều quan trọng nhất. Hơn nữa, dự đoán rõ rệt nhất sức sống của một cặp đôi đến từ việc họ cùng nhau giải quyết những sự việc bất ngờ hay khó khăn ra sao.
“Sóng gió cuộc đời quăng quật chúng ta khắp muôn nơi. Hy vọng rằng, cả hai sẽ va vào nhau tại thời điểm bão tố nhất. Chỉ khi một mối quan hệ bắt đầu, ta mới biết được nó có kết thúc hay không”, Eli J.Finkel miêu tả.
Năm 2015, trả lời trên NY Times, Finkel cho rằng Tinder là một ứng dụng hời hợt. Việc làm quen và tiến đến mối quan hệ diễn ra quá nhanh, tuổi thọ của các mối quan hệ càng lúc càng bị rút ngắn. Tuy nhiên, Tinder có thuật toán giúp loại bỏ những sai lầm tiềm tàng mà nhiều nền tảng hẹn hò khác để lại.
Bỏ nhiều thời gian sử dụng Tinder, vị thế của bạn sẽ được gia tăng?. Ảnh: Gizmodo. |
“Tinder không cho phép người dùng tự thân lướt các profile tìm người phù hợp. Thuật toán của ứng dụng chẳng hề đảm bảo kiếm được cho bạn người ưng ý, nhưng ít ra nó trung thực, giúp người dùng giảm thiểu những rủi ro”, Finkel nói.
Theo Helen Fisher, thuật toán của Tinder hay các nền tảng hẹn hò khác không thể quyết định thay các phản ứng hóa học trong não bộ. Mặt khác, Tinder chỉ nên là một công cụ phụ trợ, một sàng lọc để bạn sẵn sàng và tự tin trong nhiều mối quan hệ tương lai.
“Vấn đề lớn nhất mà con người gặp phải là bội thực thông tin. Bộ não chúng ta không hề được thiết kế để chọn lựa hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ứng viên. 9 sự lựa chọn trong một ngày khi dùng Tinder đã là quá đủ”, Helen Fisher khuyên nhủ về cách sử dụng Tinder thông minh.