Sau một thời gian dài điều tra, nguyên nhân khiến 21 nhà ngoại giao Mỹ tại đại sứ quán ở Cuba, đột ngột ngã bệnh vẫn chưa được công bố rõ ràng với công chúng. Triệu chứng của những nạn nhân rất đa dạng, từ việc bị mất thính lực cho đến tổn thương não. Các bác sĩ, nhà khoa học và giới tình báo đều được huy động vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân.
Chính quyền Mỹ đến nay vẫn thận trọng khi phát ngôn về vụ việc. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gọi đây là “vụ tấn công sức khoẻ”, trong khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Heather Naeurt sử dụng từ “sự cố”.
Khách sạn Capri là nơi những nhà ngoại giao Mỹ đột ngột phát bệnh sau khi nghỉ tại đây. Ảnh: AP. |
Những đầu mối điều tra
Theo AP, các điều tra viên Mỹ đang theo đuổi rất nhiều giả thuyết, từ khả năng 21 viên chức Mỹ bị tấn công bằng vũ khí siêu thanh, vũ khí điện từ hoặc một thiết bị do thám mới... Mỗi đầu mối đều có vài phần phù hợp với diễn biến đã xảy ra, nhưng cũng xung khắc với các nhận định khoa học.
Hiện tại, mối nghi ngờ chính vẫn dồn về phía Cuba. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin từ cuộc điều tra cho biết phía Mỹ vẫn kiểm chứng những tình tiết khác, như khả năng có nước thứ 3 (có thể là Nga, Trung Quốc...) liên quan, hoặc nhiều nguyên nhân kết hợp đã gây ra vụ việc.
Đến nay, câu hỏi lớn nhất là vì sao triệu chứng của 21 bệnh nhân rất khác nhau, không ai giống ai. Một số người bị mất khả năng nghe vĩnh viễn nhưng một số khác chỉ bị ù tai, vài người bị nôn mửa, đau đầu. Một số người bỗng bị mất năng lực nhận biết ngôn ngữ, hoặc nghe thấy âm thanh lớn trong phòng…
“Không có triệu chứng nào cụ thể cả. Do vậy rất khó xác định chính xác chuyện gì đã xảy ra”, Bác sĩ H. Jeffrey Kim, chuyên gia về rối loạn thính giác tại bệnh viện MedStar Georgetown, nói với AP. Bác sĩ Kim không tham gia vào cuộc điều tra.
Để giải mã bí ẩn này, các điều tra viên đã phân loại triệu chứng thành nhóm, chủ yếu là triệu chứng về thính giác và hệ thần kinh. Một số triệu chứng rất khó nắm bắt, nên họ cũng sắp xếp trình tự vụ việc theo mốc thời gian để giúp xâu chuỗi các đầu mối có thể giúp làm sáng tỏ vấn đề.
Vũ khí siêu thanh
Những triệu chứng đầu tiên của các bệnh nhân đều dẫn đến kết luận đây có thể là một vụ tấn công bằng vũ khí siêu thanh, nhưng phía Mỹ chưa thể xác định chính xác là loại gì.
Sóng siêu âm có thể dùng là vũ khí để tấn công con người. Ảnh: Wired. |
Một số nạn nhân nghe thấy tiếng động lạ, có nghĩa âm thanh này có tần số dưới mức mà tai người nghe được. Các tiếng động lớn thường gây nguy hại đến thính giác, có thể khiến ù tai hoặc dẫn đến mất khả năng nghe vĩnh viễn.
Tuy nhiên, một số người khác báo rằng họ không nghe thấy gì nhưng vẫn ngã bệnh. Do vậy, cơ quan điều tra đang cân nhắc hai khả năng, là sóng hạ âm (mức sóng dưới ngưỡng nghe được của con người) hoặc sóng siêu âm.
Sóng hạ âm thường gây ra cảm giác chấn động, phù hợp với lời trình của một số nạn nhân. Dù loại sóng này thường là không thể nghe được, một số người vẫn có thể cảm nhận nếu sóng đủ mạnh. Chẳng hạn, những người sống gần khu vực có các tuốc-bin điện gió tạo ra sóng hạ âm thường cảm nhận những âm thanh rung động khiến họ chóng mặt, buồn nôn hoặc ngủ chập chờn.
Sóng hạ âm cũng củng cố cho những triệu chứng của các nạn nhân là đột ngột mất khả năng giữ cân bằng, do nó có khả năng tác động vào các tế bào trong hệ tiền đình vốn có chức năng kiểm soát thăng bằng.
Tuy nhiên, rất ít bằng chứng thực nghiệm cho thấy sóng hạ âm có thể gây ra tổn thương lâu dài sau khi nguồn âm thanh đã ngắt. Hơn nữa, sóng hạ âm cũng lan toả nhiều phía thay vì nhắm chính xác vào một mục tiêu cụ thể.
“Rất khó sử dụng sóng hạ âm như một vũ khí”, Mario Svirsky, chuyên gia về rối loạn thính giác và khoa học thần kinh tại Đại học New York, nói.
Vậy nếu không phải sóng hạ âm, liệu có phải là sóng siêu âm?
Với cường độ cao, sóng siêu âm có thể phá huỷ mô tế bào. Đó là lý do các bác sĩ sử dụng nó trong việc điều trị u xơ tử cung và một số khối u khác.
Tuy nhiên, sử dụng sóng siêu âm cần khoảng cách gần giữa thiết bị và cơ thể người. “Bạn không thể cảm nhận sóng siêu âm ở khoảng cách xa”, Svirsky nói. Trong khi không nạn nhân nào cho biết họ phát hiện một dụng cụ lạ xung quanh.
Cả hai loại sóng này cũng không giúp lý giải triệu chứng chấn động, choáng váng của một số nạn nhân. Đây thường là triệu chứng nếu một người bị đập vào đầu hoặc ở gần hiện trường một vụ nổ.
“Tôi chưa từng biết một hiệu ứng âm thanh nào có thể gây tổn thương não hoặc để lại triệu chứng chấn động”, Juergen Altmann, chuyên gia về vũ khí âm thanh và vật lý tại Đại học Công nghệ Dortmund, Đức, nói.
Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Havana, Cuba. Ảnh: AP. |
Vũ khí điện từ
Phổ điện từ bao gồm những sóng điện từ phát ra từ các thiết bị như điện thoại di động, lò vi sóng hoặc thậm chí là bóng đèn. Các nguồn phát hoàn toàn có thể dễ dàng xác định, như tia laser. Những sóng này có thể đi xuyên tường, nên một vụ tấn công điện từ có thể được thực hiện bí mật từ xa.
Sự việc này đã có tiền lệ, khi quân đội Liên Xô từng tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Moscow bằng loại sóng cực ngắn (vi sóng) trong nhiều năm trước thập niên 1970.
Những xung vi sóng khiến con người “nghe thấy” các âm thanh vo ve. Một công trình của Không quân Mỹ cho biết quân đội từng nghiên cứu về khả năng loại sóng này có thể “bơm” vào đầu người các loại âm thanh hay không.
Tuy nhiên, việc sử dụng sóng điện từ sẽ gây ra tổn thương vật lý, khi nó khiến mô cơ thể bị nóng lên. Trong khi đó, không nhà ngoại giao nào ở Cuba có triệu chứng hay cảm nhận bị bỏng.
Một số quan chức Mỹ cho rằng, hung thủ thực sự của vụ tấn công có thể không hoàn toàn muốn như vậy. Sự việc có thể là diễn biến phát sinh từ việc sử dụng một công nghệ do thám mới chưa qua kiểm nghiệm và nó vô tình gây tổn hại đến các nhà ngoại giao Mỹ.
Bí ẩn Cuba
Chính quyền Cuba phủ nhận cáo buộc liên quan đến vụ việc, khi nó được phát hiện vào cuối tháng 11/2016. Một số quan chức Mỹ thừa nhận họ ngạc nhiên khi thấy Havana sốt sắng hợp tác tìm hiểu nguyên nhân vụ việc, thậm chí mời cả FBI đến Havana.
Tuy nhiên, “anh đang ở trên lãnh thổ nước ngoài, nên chất lượng thông tin và bằng chứng mà anh thu thập sẽ bị hạn chế từ việc chính phủ đó cho phép anh thấy, nghe và làm được tới đâu”, David Rubincam, cựu đặc vụ FBI từng hoạt động ở Moscow, nói.
Trong những tháng cuối cùng của năm 2016, tranh thủ thời gian ít ỏi trước khi Tổng thống Obama mãn nhiệm, Cuba đã nỗ lực hợp tác với Mỹ để xử lý những vấn đề như việc truy cập Internet hoặc luật di trú.
Do vậy, nếu Cuba thực sự đứng sau vụ việc thì các nhà điều tra Mỹ băn khoăn nguyên nhân gì khiến nước này có thể bất chấp tất cả để tiến hành vụ tấn công sẽ huỷ diệt mối quan hệ chỉ mới tái dựng.
Ngoài ra, một số nhà ngoại giao Canada ở Cuba cũng mắc triệu chứng tương tự những đồng nghiệp Mỹ. Dựa trên mối quan hệ lâu dài giữa Cuba và Canada, Havana có rất ít lý do tấn công và nhận rắc rối về mình.
Tuy nhiên, Cuba giám sát các nhà ngoại giao Mỹ ở Havana rất chặt chẽ, từ việc đi lại cho đến họ trò chuyện với những ai. Rất khó có khả năng những người Mỹ này bị tấn công mà các điệp viên Cuba lại không hay biết gì.