Dưới cái nắng gắt những ngày tháng 10, Sathit Jantarangsri với đôi tay gân guốc, hai chi duy nhất còn khỏe mạnh của ông, lăn chiếc xe lăn từ Phitsanulok tới Bangkok. Để đi hết quãng đường dài hơn 350 km, Sathit phải khởi hành từ hôm 15/10, với hy vọng kịp đến dự lễ hóa thân Vua Bhumibol Adulyadej.
Sathit bị liệt bán thân năm 2004 sau một vụ tai nạn lao động. Tổn thương hệ thần kinh khiến người đàn ông khi đó mới 42 tuổi mất đi hoàn toàn đôi chân cùng khả năng đi lại như bình thường.
Không có ai nương tựa, Sathit viết thư gửi tới Vua Bhumibol, khi đó đang trị vì Thái Lan, cầu xin sự trợ giúp. Đáp lại lời khẩn cầu của ông, vị quốc vương Thái Lan bảo trợ cho Sathit được hưởng chữa trị y tế tại bệnh viện Rajavithi ở Bangkok, đồng thời tặng ông chiếc xe lăn để phục vụ cuộc sống tật nguyền sau này.
13 năm kể từ ngày rời khỏi bệnh viện Rajavithi, Sathit nay trên chính chiếc xe lăn, ân tình từ Vua Bhumibol, đi về Sanam Luang, nơi tổ chức lễ hóa thân vị cố quốc vương.
"Đây có lẽ là lần cuối cùng tôi có thể tôn vinh ngài ấy, đức vua của tôi, vị vua vĩ đại nhất tôi biết đến", Sathit nói với Bangkok Post.
Vị vua chiến đấu cho người nghèo
Bhumibol Adulyadej (Vua Rama IX) sinh ngày 5/12/1927 tại bệnh viện Cambridge, tiểu bang Massachusetts, Mỹ. Bhumibol kế vị ngôi quân chủ Thái Lan ngày 9/6/1946 sau khi anh trai ông, Vua Ananda Mahidol, qua đời trong một tai nạn.
"Trong suốt cuộc đời mình, tôi cũng như nhiều người khác đã thấy cách ngài ấy làm việc chăm chỉ và cống hiến mọi điều có thể cho nhân dân", Poonchai Kanjanaroi, luật sư 58 tuổi làm việc ở Bangkok, nói với Zing.
Vua Bhumibol Adulyadej (phải) với bản đồ và máy ảnh trong chuyến khảo sát đất đai nông nghiệp năm 1981. Ảnh: NVCC. |
Poonchai chia sẻ một tấm hình thời còn trẻ của Vua Bhumibol. Vị quân vương tối cao với trang phục giản dị, trên tay là tấm bản đồ và máy ảnh, tập trung giải quyết những thách thức về nông nghiệp, nguồn sống của 70% người dân Thái Lan.
Trong hơn 70 năm trị vì, Vua Bhumibol đã khởi động hơn 3.000 đề án với mục tiêu cải thiện đời sống người dân tại những vùng nghèo nhất của Thái Lan. Những đề án này bao gồm nghiên cứu nông nghiệp, phát triển hệ thống thủy lợi, điền địa, đào tạo nghề, hay thậm chí là bảo tồn âm nhạc truyền thống.
"Có lẽ sẽ cần tới nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để kể hết những đóng góp của đức vua cho đất nước", Tossapol Chaisamritpol, phóng viên đang làm việc ở Bangkok, trả lời Zing.
Tossapol không hề phóng đại. Những cánh đồng lúa rộng lớn thẳng cánh cò bay tại vùng nông thôn miền Bắc, những nhà máy chế biến thủy hải sản hiện đại tại ven biển miền Nam, hệ thống kênh mương thủy lợi đồ sộ tại biên giới Thái Lan - Lào, tất cả đều mang đậm dấu ấn của Vua Bhumibol.
Người Cha của quốc dân
"Ngài ấy không bao giờ cư xử như người bề trên. Ngài ấy luôn rất gần gũi, đi bộ cùng người dân, ăn uống cùng người dân", Poonchai nói.
Đối với hàng triệu người Thái, cái tên Bhumibol Adulyadej luôn đi cùng hình ảnh một vị vua nhân từ và đáng kính. Những bài phát biểu, bài viết của vị quốc vương luôn tìm được cách tiếp cận với trái tim của quốc dân và dạy cho họ những bài học về cách làm người.
Giống như cách Vua Bhumibol giúp đỡ một Sathit tàn tật, ông truyền cảm hứng cho những người sống dưới triều đại của mình, đặc biệt là thanh niên, thôi thúc họ trở thành một người Thái yêu nước và một công dân tử tế.
"Cách ông ấy dạy chúng tôi về lòng nhân ái, biết trao tặng, đóng góp cho xã hội hay niềm vui khi lao động. Đó là những điều lớn lao tôi học được từ Vua Bhumibol", Tossapol chia sẻ.
Cố quốc vương Bhumibol Adulyadej. Ảnh: AP. |
Những người cao tuổi ở Thái Lan thừa nhận xã hội Thái nay rất khác so với những năm đầu tiên dưới triều đại Vua Bhumibol. Một sự đổi khác "tích cực", nhất là về cách sống của con người.
Thời gian trị vì hơn 70 năm của Vua Bhumibol tương đương với độ dài một đời người. Có những người sinh ra, lớn lên và sống gần trọn cuộc đời dưới triều đại Vua Bhumibol. Với họ, ông là vị vua vĩ đại nhất, và có lẽ, là vị vua duy nhất mà họ biết đến.
"Tôi không chắc liệu đâu là quốc gia tuyệt vời nhất, nhưng tôi biết ai là vị vua vĩ đại nhất. Đó là Vua Bhumibol của chúng tôi. Người Cha của đất nước", Poonchai nói.
Ngày bi thương của đất nước
"Nhà vua đã băng hà trong thanh thản tại bệnh viện Siriraj lúc 15h52".
Thông báo về sự ra đi của Vua Bhumibol hôm 13/10/2016 đã đẩy gần 70 triệu dân Thái Lan vào giây phút được miêu tả là "bi thương nhất của quốc gia" trong nhiều thập kỷ.
"Ngài ấy hiện diện mọi nơi trong cuộc sống của chúng tôi. Khi nhà vua qua đời, cảm giác như mất đi một người cha vậy. Cảm xúc ấy thật khó miêu tả", Tossapol nói.
"Sự ra đi của nhà vua là một mất mát to lớn đối với mọi người dân Thái Lan, hay ít nhất là đối với tất cả mọi người mà tôi biết", Nopporn Udomdech, sinh viên 25 tuổi người Bangkok, trả lời Zing.
Người Thái Lan ra đường với trang phục màu đen. Các tờ báo chuyển trang nhất sang hai màu đen trắng. Mọi chương trình giải trí ngừng phát sóng.
Tính tới ngày ông qua đời, Bhumibol Adulyadej đứng đầu hoàng gia trong 70 năm 126 ngày, là vị quân vương trị vì lâu nhất thế giới. Nhiều vị lãnh đạo có thể xuất hiện ồn ào và ra đi lặng lẽ không mấy ai lưu tâm, nhưng rõ ràng Vua Bhumibol của Thái Lan là một ngoại lệ.
Vị vua sống mãi
Một năm sau ngày nhà vua băng hà, Thái Lan đang trong những ngày cử hành lễ hóa thân cho Vua Bhumibol.
Chân dung vị cố quốc vương xuất hiện khắp nơi trong cuộc sống người Thái. Các kênh truyền hình chiếu lại những thước phim về cuộc đời và những công lao của Vua Bhumibol.
Các tình nguyện viên, đủ mọi lứa tuổi, xuất hiện nhiều hơn trên đường phố, giúp đỡ những người đang gặp khó khăn. Đối với du khách nước ngoài, họ lịch sự trao đi những nụ cười nhẹ, thân thiện nhưng đúng mực.
Đó là cách người Thái tôn vinh và tưởng nhớ Vua Bhumibol.
Người Thái Lan tham gia buổi lễ hóa thân Vua Bhumibol hôm 26/10. Ảnh: AFP. |
Theo ước tính, khoảng 300.000 người đã tham gia lễ hóa thân Vua Bhumibol bắt đầu hôm 26/10. Trước đó, hàng triệu người đã đến viếng trước linh cữu nhà vua tại Đại điện hoàng gia.
"Một biển người trong trang phục tối màu xếp hàng, cầu nguyện và bày tỏ sự kính ngưỡng dành cho nhà vua", Nopporn miêu tả khung cảnh người dân tham dự sự kiện ngày 26/10.
Nỗi buồn và niềm tiếc thương hiện rõ trên khuôn mặt hàng trăm nghìn người tham dự buổi lễ hóa thân hoàng gia tại Sanam Luang. Những giọt nước mắt vẫn tuôn rơi. Nhưng so với khung cảnh của một năm trước, rõ ràng, người Thái đã bình tĩnh và tỉnh táo hơn khi đối diện với sự ra đi của nhà vua.
"Thái bình và thịnh vượng của Thái Lan hôm nay một phần đến từ đóng góp không biết mệt mỏi của Vua Bhumibol. Và chúng tôi biết phải làm gì để xứng đáng với nhà vua", Poonchai nói.
Người đàn ông 58 tuổi khoát tay về phía những con phố sầm uất của Bangkok. Di sản của Vua Bhumibol không nằm ở đâu xa, nó hiện diện trong từng hơi thở cuộc sống của người Thái.
"Vĩnh biệt nhà vua. Thần điểu Garuda có thể đưa linh hồn ngài lên thiên đường, nhưng Ngài sẽ sống mãi trong tim của chúng con", Poonchai chia sẻ trên mạng xã hội Twitter khi linh cữu Vua Bhumibol được đưa tới đài hóa thân hoàng gia.