Lễ tang nhà vua Bhumibol Adulyadej của Thái Lan là một sự kiện được lên kế hoạch tỉ mỉ và cầu kỳ kéo dài trong 5 ngày. Các nghi thức và lễ rước sẽ mang đậm dấu ấn Phật giáo, truyền thống và lịch sử nhưng đồng thời cũng mang những nét hiện đại và dấu ấn cá nhân của nhà vua.
Đài hóa thân được giản tiện
Đài hóa thân tượng trưng cho Núi Meru huyền bí, nơi các vị thần cư ngụ theo truyền thuyết Phật giáo và Hindu giáo, có lẽ sẽ là công trình điêu khắc tinh xảo nhất mà phần lớn người Thái được nhìn thấy trong đời tại đất nước mình.
Tuy nhiên, tổ tiên của họ có thể đã chứng kiến những công trình hoành tráng hơn, chẳng hạn đài hóa thân cao gần 103 m dành cho Vua Borommakot của Vương quốc Ayutthaya năm 1759.
Đài hóa thân cao 50 m và khu phức hợp nơi tổ chức lễ tang hoàng gia cho cố quốc vương Bhumibol Adulyadej được xây dựng ở Bangkok, Thái Lan, ngày 12/9. Ảnh: AP. |
Đến thế kỷ 19, Vua Chulalongkorn, người nổi tiếng với những nỗ lực hiện đại hóa đất nước, cho rằng đã đến lúc cần giản tiện.
“Đó là sự lãng phí của cải và sức người. Làm những việc như vậy là không phù hợp với những thay đổi của đất nước. Việc này không làm chúng ta danh giá hơn và cũng chẳng đem lại lợi ích cho bất cứ ai”, Vua Chulalongkorn từng nói.
Bình di cốt không đựng thi hài
Theo truyền thống, thi hài của thành viên hoàng gia sẽ được đặt thẳng đứng trong bình đựng di cốt. Tuy nhiên, Vua Bhumibol cũng như mẹ và chị gái quá cố của ông, những người từng sống nhiều năm ở phương Tây, đã chọn đặt hài cốt của họ trong quan tài và vẫn để bình đựng di cốt bên cạnh như tục lệ.
Khi thi hài Vua Bhumibol được quàn tại Cung điện Lớn trong một năm sau khi ông qua đời, chiếc bình di cốt trống rỗng được đặt trên bệ phía trước quan tài. Quan tài của nhà vua được làm bằng gỗ tếch lâu năm, được mạ vàng nguyên chất và lót bằng lụa màu ngà.
Năm 2000, một chiếc bình đựng di cốt mạ vàng với hoa văn chạm khắc truyền thống hoàng gia đã được tạo tác để thay cho chiếc bình cũ được làm từ năm 1900 dưới thời Chulalongkorn.
Bình di cốt hoàng gia được làm từ gỗ đàn hương sẽ được sử dụng trong tang lễ Vua Bhumibol. Ảnh: AP. |
Chiếc bình mới được sử dụng lần đầu trong tang lễ Công chúa Galyani Vadhana, chị gái của nhà vua, và cũng là chiếc bình được dùng cho Vua Bhumibol.
Mặc dù vậy, tục lệ lưu giữ thi hài trong bình đựng di cốt không hoàn toàn mất đi. Thi hài Công chúa Bejaratana Rajasuda, người con duy nhất của Vua Vajiravudh, từng được lưu giữ trong bình đựng di cốt trong tang lễ năm 2012.
Tượng các con chó nhà vua yêu quý
Những bức tượng điêu khắc các con chó yêu thích của Vua Bhumibol được đặt ở vị trí trang trọng trong số 500 bức tượng mô phỏng động vật, thần linh và các sinh vật thần thoại trang trí cho đài hóa thân cao 50 m. Các bức tượng cao 70 cm của Tongdaeng và Jo Cho nằm trên tầng cao nhất, gần quan tài hoàng gia.
Tongdaeng, con chó hoang được nhà vua nhận nuôi năm 1998, trở nên nổi tiếng sau khi ông viết cuốn sách ngắn “Câu chuyện của Tongdaeng” năm 2002. Đây được xem là một dẫn chứng thể hiện quan điểm của quốc vương về cách người Thái nên tiếp tục tuân theo truyền thống trong thế giới toàn cầu hóa của thế kỷ 21.
Ảnh chụp bức tượng Tongdaeng, con chó được Vua Bhumibol yêu quý, ở Bangkok, Thái Lan, ngày 9/9. Ảnh: AP. |
“Tongdaeng là con chó ngoan ngoãn với cư xử đúng mực; cô ả khiêm tốn và biết phép tắc”, nhà vua viết. “Cô ả luôn ngồi thấp hơn trẫm; ngay cả khi được bế lên để ẵm, Tondaeng sẽ hạ mình xuống sàn, đôi tai cụp xuống như muốn nói ‘Thần không dám’”.
Logo Facebook trên tượng chim thần gây phẫn nộ
Nghệ nhân Pitak Chalermlao là người phụ trách tạo tác bức tượng cao 2 m của Garuda cho đài hóa thân. Đây là sinh vật nửa người nửa chim trong thần thoại Hindu giáo và Phật giáo.
Để thể hiện rằng Vua Bhumibol là con người của thời đại, đưa đất nước tiến lên cùng công nghệ hiện đại, ông đã chạm khắc logo Apple và Google trên mỗi cánh của Garuda và logo Facebook trên đai lưng của bức tượng.
Tự hào về ý tưởng của mình, ông đã đăng ảnh chụp tác phẩm này lên Facebook. Đó là lúc nghệ nhân Chalermlao bắt đầu hứng chịu búa rìu dư luận, trước hết là cộng đồng mạng, những người nhận thấy ý tưởng này không phù hợp, nếu không muốn nói là xúc phạm.
Pitak Chalermlao tạo tác tượng Garuda cho lễ hỏa táng Vua Bhumibol, ngày 20/4. Ảnh: AP. |
Cục Mỹ thuật, cơ quan giám sát công trình đài hóa thân, cũng không hài lòng và đã ra lệnh bỏ các logo mạng xã hội với lý do chúng không phù hợp để tôn vinh truyền thống và tinh thần của sự kiện.
Nhà điêu khắc đã bối rối xin lỗi và nói rằng ông chỉ muốn thể hiện Vua Bhumibol là con người vừa hiện đại vừa truyền thống.
Gỗ đàn hương và hoa giấy
Ngay sau khi Vua Bhumibol qua đời, Hoàng Cung đã cử đội ngũ bao gồm một giáo sĩ Bà La Môn tới chọn các cây đàn hương phù hợp để lấy gỗ dùng làm quan tài và giàn hỏa thiêu hoàng gia.
Bốn trong 19 loại cây đã được chọn lựa từ Vườn Quốc gia Kui Buri ở tỉnh Prachuap Khiri Khan. Chúng được ban phước trước khi chặt hạ và vận chuyển tới Bangkok trong lễ rước long trọng.
Gỗ thơm có ý nghĩa quan trọng trong lễ tang của Hindu giáo và Phật giáo. Đây được xem là vật liệu thích hợp cho hỏa thiêu.
Trong lễ hỏa táng của nhà vua, các quan chức cấp cao và chức sắc được mời tới chính điện sẽ xếp hoa giả làm từ gỗ đàn hương thành chồng xung quanh bình đựng di cốt.
Người dân được khuyến khích thể hiện lòng tận tụy với hoàng gia bằng cách tự làm hoa giấy rồi đem tới đặt ở bất kỳ đâu trong hàng trăm địa điểm được chọn như đền thờ, trường học, trung tâm mua sắm và bệnh viện. Chính quyền Bangkok dự kiến nhận được khoảng 3 triệu hoa giấy.
Sự tham gia của công chúng không dừng lại ở đó. Bản sao của đài hóa thân Sanam Luang đã được dựng lên ở tất cả 76 tỉnh của cả nước, nơi mọi người có thể tới tỏ lòng thành kính với cố quốc vương.