Cảm thấy bị sốt và yếu, An Jianhua đợi trong 7 tiếng bên ngoài bệnh viện, trong cái lạnh, hy vọng được xét nghiệm virus corona, mà các bác sĩ đã nghi bà bị nhiễm.
Để nhập viện điều trị, bà An, 67 tuổi, cần được chẩn đoán chính thức, nhưng hai bệnh viện mà bà và con trai tìm đến đều đã hết chỗ, thậm chí không thể xét nghiệm cho bà. Cuối cùng, hai mẹ con chỉ được truyền dịch nhằm hạ sốt.
Kể từ đó, bà An đã tự cách ly ở nhà. Bà và con trai ăn riêng, đeo khẩu trang, và tẩy trùng căn hộ thường xuyên. Nhưng sức khỏe của bà An giảm nhanh chóng, thậm chí uống nước cũng khó khăn.
“Tôi không thể để mẹ chết ở nhà được”, con trai bà, He Jun, nói với New York Times. “Mỗi ngày tôi muốn khóc, nhưng khóc tôi cũng chẳng có nước mắt. Không có chút hy vọng nào”.
Bệnh nhân đợi khám ở một bệnh viện ở Vũ Hán tuần trước. Ảnh: New York Times. |
Trong khi các bệnh viện và chính quyền trên khắp Trung Quốc cũng như trên thế giới gấp rút đối phó hoặc chuẩn bị cho đại dịch virus corona, nhiều người dân Vũ Hán cũng đang quằn quại chống chọi mỗi ngày với căn bệnh lạ đã lây cho hơn 4.000 người và làm tử vong hơn 220 người tính riêng thành phố của họ.
Trước Tết, Vũ Hán bị phong tỏa, hầu như toàn bộ phương tiện công cộng và phương tiện cá nhân ra vào thành phố đều bị cấm, trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Giờ đây, nhiều người dân thành phố kể lại câu chuyện đi khám “khó hơn lên trời” dù có biểu hiện nhiễm virus corona, theo New York Times.
Bệnh nhân ngồi đợi trong một bệnh viện ở Vũ Hán. Thiếu hút thiết bị xét nghiệm đang cản trở nỗ lực phòng chống dịch. Ảnh: AFP. |
“Nhiều người không đi khám được đã chết ở nhà”
Các bác sĩ cũng bức xúc về sự thiếu hụt các thiết bị y tế, xét nghiệm, và không rõ tại sao vẫn chưa có thêm thiết bị. Lệnh cấm đi lại buộc nhiều người Vũ Hán phải đi bộ nhiều giờ để đến bệnh viện - nếu họ còn đủ sức mà đi.
Tầng tầng lớp lớp các thủ tục, ban bệ đứng giữa người dân và bệnh viện. Hàng dài người đứng đợi để chẩn đoán, điều trị bên ngoài bệnh viện cho thấy số người mắc bệnh có thể đang vượt xa con số thống kê chính thức, theo New York Times.
Xe cứu thương cũng khó gọi, theo một số người dân. Những ngày gần đây, nhiều người đã gọi 120, số điện thoại dành cho tình huống khẩn cấp, để rồi được báo là đang có hàng trăm người trong hàng đợi.
Những người tới được viện lại phải ngồi hàng giờ trong phòng chờ chật chội, nơi virus có thể lây lan dễ dàng. Nhưng tình trạng khan hiếm thiết bị buộc họ phải về nhà tự cách ly, với nguy cơ lây nhiễm bệnh cho gia đình, làm phức tạp thêm dịch bệnh.
Nhiều bác sĩ và người dân đang đặt hy vọng vào hai bệnh viện dã chiến mà Trung Quốc đã gấp rút xây dựng trong vòng 8 ngày. Bệnh viện đầu tiên, mang tên Hỏa Thần Sơn, đi vào hoạt động ngày 3/2, có quy mô 1.000 giường, rộng khoảng 25.000 m2, theo China Daily. 1.400 nhân viên quân y sẽ được điều tới bệnh viện này, giảm đáng kể gánh nặng cho đội ngũ y tế đang ở Vũ Hán.
Sau lệnh phong tỏa Vũ Hán, cây cầu bắc qua sông Dương Tử trở nên hoang vắng. Ảnh: Getty Images. |
Hơn một tuần sau khi Vũ Hán bị phong tỏa, nhiều người dân tin rằng virus corona đã lây lan rộng hơn nhiều so với con số thống kê chính thức, theo New York Times.
“Tình hình mà chúng tôi thấy tệ hơn nhiều so với những thống kê chính thức”, Long Jian, 32 tuổi, nói với New York Times ở ngoài một bệnh viện nơi cha anh đang điều trị. Long cho biết cha anh đã phải tới 6 bệnh viện, đợi 7 ngày chỉ để được xét nghiệm virus corona.
Cách đó không xa, một người đang được truyền nước bên trong một chiếc xe hơi. Nhìn vào phòng cấp cứu trong viện, có thể thấy những giường bệnh nối nhau ở hai bên một hành lang hẹp.
“Những người được chẩn đoán và điều trị là những người may mắn”, Long nói. “Ở quanh khu tôi, nhiều người không đi khám được cuối cùng đã chết ở nhà”.
Một người đàn ông ngã gục trên đường và tử vong ngày 30/1 gần một bệnh viện ở Vũ Hán. Không rõ có phải do virus corona hay không. Ảnh: AFP. |
“Như thể là gần chết mới được nhập viện”
Để được khám ở bệnh viện, có nhiều bước mà người có biểu hiện virus corona phải vượt qua. Theo hướng dẫn chính thức, các bệnh nhân được khuyến cáo hãy tới bệnh viện địa phương trước để đánh giá ban đầu, có thể kê đơn thuốc.
Sau đó, kết quả được chuyển cho một ủy ban của địa phương, có nhiệm vụ liên hệ với bệnh viện và điều phối việc điều trị các hộ dân trong khu vực của họ. Có khoảng 1.000 ủy ban địa phương như vậy ở Vũ Hán, chịu trách nhiệm cho 11 triệu người.
Các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ được yêu cầu ở nhà, tự cách ly, theo thông báo ngày 24/1 của thành phố. Nếu triệu chứng nặng hơn, các ủy ban sẽ gọi xe cứu thương đưa tới một trong hơn 20 bệnh viện được chỉ định để điều trị bệnh nhân virus corona.
Nhưng trên thực thế, các bệnh nhân và người nhà cho biết quá trình này thường quá lâu, và tiêu chuẩn “triệu chứng nặng” được đưa đi viện thường quá cao - do vậy họ không chờ nữa hoặc tự đến bệnh viện và đợi hàng dài.
Amy Hu nói mẹ của cô, 64 tuổi, đi khám sau khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở và tiêu chảy trong khoảng 10 ngày. Đánh giá ban đầu, bác sĩ nói mẹ của cô bị nhiễm virus corona. Nhưng không có đủ dụng cụ xét nghiệm để xác nhận ca nhiễm. Chưa có xác nhận là nhiễm virus corona, bà không thể nhập viện.
Kể từ đó, họ phải ở nhà đợi bệnh viện thông báo khi nào bà cụ có thể tới xét nghiệm. Trong những ngày gần đây, Amy Hu phải đề phòng, và cùng hai con nhỏ ra ở nhà nghỉ.
“Tôi rất thất vọng với chính quyền”, cô nói với New York Times. “Như thể là chỉ khi gần chết thì người bệnh mới được nhập viện”.
Đưa bệnh nhân vào bệnh viện ngày 30/1 ở Vũ Hán. Một số người ở nhà vì nếu tới viện phải đợi quá lâu. Ảnh: AFP. |
Không đủ thiết bị, người bệnh phải đợi quá lâu
Tong Yixuan, 31 tuổi, cho biết anh phát hoảng vào tuần trước khi nhận ra cơn cảm lạnh của cha anh trong vài ngày đã chuyển thành cơn ốm nặng, mà bác sĩ tin chắc là virus corona.
Nhưng cả cha anh, đang sốt 40 độ và liên tục bất tỉnh, hay mẹ anh, bắt đầu có triệu chứng tương tự, đều không thể xét nghiệm. Bệnh viện nói không có chỗ, và cho rằng triệu chứng của họ chưa đủ nặng, Tong kể lại với New York Times. Cha mẹ của anh được yêu cầu về nhà tự cách ly.
Tong không giúp được gì, vì anh ở tận Huangshi, cách cha mẹ 60 km, nơi cũng đã bị phong tỏa cùng với hàng loạt thành phố khác ở tỉnh Hồ Bắc. Đường ra khỏi Huangshi và đi vào Vũ Hán đều đã bị chặn, và Tong mắc kẹt trong nhiều ngày.
Chỉ sau rất nhiều giờ thương lượng với các quan chức địa phương, Tong mới có thể về thăm cha mẹ. Kể từ đó, cha mẹ anh đã được xét nghiệm virus corona, và cha anh được nhập viện. Quá trình đó mất tận 10 ngày.
“Tất cả những gì tôi muốn làm là chăm sóc cho cha mẹ”, Tong nói. “Bị nhiễm bệnh tôi cũng không quan tâm”.
Rất ít người ra ngoài đường những ngày này ở Vũ Hán. Ảnh: Getty Images. |
Nhưng đối với Gan Hanjiang, các thủ tục là quá dài, và bệnh viện dã chiến đã đến quá muộn.
Tháng trước, cha anh bị sốt và ho nặng. Ông được xét nghiệm virus corona, với kết quả âm tính. Nhưng 10 ngày sau khi biểu hiện các triệu chứng, cha của Gan qua đời.
Bệnh viện chỉ ghi nguyên nhân là “viêm phổi nặng”, Gan nói với New York Times, nhưng anh tin nguyên nhân là virus corona. Các chuyên gia gần đây thừa nhận rằng có thể cần nhiều vòng xét nghiệm để chẩn đoán chính xác virus corona.
Trong ngày mà cha qua đời, Gan cũng bắt đầu có triệu chứng tương tự. Nhưng không có xe hơi, anh chưa thể tới một trong các bệnh viện chuyên xét nghiệm virus corona.
“Đi khám quá khó”, anh nói thều thào qua điện thoại từ một bệnh viện nhỏ gần nhà, nơi anh đang được điều trị như một bệnh nhân viêm phổi. “Chúng tôi không được nhập viện, và không có đủ thuốc men”.