Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh viện nào cũng ngán côn đồ

Câu chuyện “ớn lạnh” được Phó giám đốc BV 115, kể lại. Cho đến giờ, vẫn chưa ai biết nhóm côn đồ đã xông vào BV 115 có phải chính là nhóm đã gây ra vụ bao vây phòng cấp cứu ở BV Nhân dân Gia Định sau đó hay không.

Ngày 22/9, trước vụ côn đồ bao vây phòng cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định (TP.HCM) vài giờ, các bác sĩ, bệnh nhân ở phòng cấp cứu BV 115 cũng bị một phen hú vía khi một nhóm côn đồ xách hung khí bất ngờ xông vào.

Tại đây, nhóm côn đồ này hung hăng lùng sục tìm ai đó, khi bảo vệ kịp có mặt thì một tên trong nhóm hô lớn: “Lộn rồi, lộn rồi. Nó cấp cứu bên Gia Định...”. Sau đó cả bọn lên xe phóng đi.

Phòng cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) luôn có bảo vệ túc trực, đề phòng côn đồ gây rối.

Không biết khi nào tới lượt mình

Câu chuyện “ớn lạnh” trên được TS. BS Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc BV 115, kể lại. Cho đến giờ, vẫn chưa ai biết nhóm côn đồ đã xông vào BV 115 có phải chính là nhóm đã gây ra vụ bao vây phòng cấp cứu ở BV Nhân dân Gia Định sau đó hay không.

Tạm giữ Lê Hoàng Anh Tuấn

Chiều 26/9, Công an TP.HCM cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Lê Hoàng Anh Tuấn (còn gọi là Hai Đen, 21 tuổi) để điều tra về hành vi giết người. Nhiều người có liên quan khác đã bị triệu tập để phục vụ công tác điều tra.

Trước đó ngày 25/9, Công an TP đã có cuộc họp với Công an Q.Bình Thạnh, BV Nhân dân Gia Định để nắm lại toàn bộ vụ việc và nghe báo cáo kết quả điều tra ban đầu. Theo Công an Q.Bình Thạnh, vụ việc xảy ra tại BV chỉ là nhóm người của gia đình ông Nguyễn Văn Đức (53 tuổi) tới tìm Tuấn nhưng không gặp, đã la hét, gây áp lực để các bác sĩ chỉ nơi Tuấn đang nằm điều trị chứ không mang theo hung khí, không truy sát các y bác sĩ.

Tuy nhiên, bác sĩ Phú nói: “Chuyện giang hồ kéo vào BV không phải là chuyện lạ. BV đã lên phương án đề phòng từ xa, nhưng ngăn cản là chuyện không dễ”.

Bác sĩ Phú cho biết năm 2012 từng có một bệnh nhân cấp cứu rút dây nịt tấn công loạn xạ. Rất may bảo vệ ngăn chặn kịp thời và chỉ có một bác sĩ bị sây sát nhẹ. Còn chuyện bệnh nhân hoặc người nhà là dân “anh chị” gây rối thì thỉnh thoảng vẫn xảy ra và đều được bảo vệ ngăn chặn.

Nỗi âu lo của BV 115 có thể gặp ở nhiều phòng cấp cứu của BV khác. Ở BV Chợ Rẫy, chỉ trong chưa đầy 10 phút chiều 25/9 đã có tới sáu xe cấp cứu nối nhau chạy vào. Bởi thế lối vào phòng cấp cứu ở BV Chợ Rẫy luôn phải rộng và thoáng.

Nhưng đó cũng là điểm khó khăn trong việc ngăn chặn những kẻ côn đồ có ý định xông vào phòng cấp cứu. Bác sĩ Lê Ngọc Huy, Khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy, cho biết căng thẳng nhất là từ 22h trở đi, BV thường xuyên phải cấp cứu cho những nạn nhân sau các vụ đâm chém, loạn đả, trong người có hơi men.

Thông thường kéo theo sau nạn nhân là đồng bọn hoặc đối thủ trong trận loạn đả, sẵn sàng gây rối, tạo áp lực, thậm chí đe dọa bác sĩ để đòi hỏi những yêu sách vô cớ. Nhờ lực lượng bảo vệ đông, kịp thời ngăn từ xa nên BV Chợ Rẫy chưa xảy ra vụ việc nào như BV Nhân dân Gia Định.

Tuy nhiên, bác sĩ Phạm Trí Dũng, Trưởng khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy, vẫn rất âu lo: “Nếu giang hồ xông vào như bên Gia Định thì chắc đỡ không kịp. Không biết khi nào sẽ tới lượt mình”.

Bị động

Bác sĩ Nguyễn Đình Phú nói với lực lượng và công cụ hỗ trợ như hiện tại, các bảo vệ hết sức vất vả để ngăn chặn côn đồ. Theo bác sĩ Phú, côn đồ vào BV bao giờ cũng mang máu liều, hung hăng và tất nhiên luôn có hung khí. Tuy nhiên, BV chỉ có thể phân công tối đa 2-3 bảo vệ trực tại phòng cấp cứu, khi cần thiết mới huy động thêm lực lượng nhưng lại không có công cụ hỗ trợ cần thiết.

BV 115 đã có công văn đề nghị Công an TP cho phép BV trang bị tay chắn, roi điện, súng bắn đạn cao su để trấn áp côn đồ. Và một dụng cụ đặc biệt theo sáng kiến riêng của BV là... lưới, nhằm ngăn chặn ngay đối tượng gây rối.

“Không thể vì sự lộng hành của bọn côn đồ mà chúng ta làm hẹp lại cánh cửa phòng cấp cứu. Muốn vậy dứt khoát phải trang bị đầy đủ công cụ trấn áp cho bảo vệ”, bác sĩ Nguyễn Đình Phú nói.

Bác sĩ Cao Thanh Trúc, Trưởng khoa cấp cứu BV Chấn thương chỉnh hình, cho biết ngay sau vụ việc ở BV Nhân dân Gia Định, khoa đã đề xuất với ban giám đốc xin thêm bảo vệ, lắp thêm camera để bảo đảm an ninh. Tuy nhiên, bác sĩ Trúc cũng đánh giá BV khó có thể chống đỡ tình huống tương tự như đã xảy ra ở BV Nhân dân Gia Định.

Công an xuống nhanh cũng khó kịp

Thượng tá Phạm Thanh Bội, Phó trưởng Công an Q.5, cho biết theo quy định của Bộ Công an, các cơ quan, đơn vị phải có lực lượng bảo vệ để tự bảo vệ cơ quan, đơn vị mình, chỉ khi có tình huống phức tạp lực lượng chức năng mới có mặt để xử lý chứ không thể có lực lượng công an trực 24/24 giờ tại các cơ quan như BV được.

Tại Q.5, Công an quận và 15 BV lớn nhỏ đóng trên địa bàn đều đã có quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự và trật tự đô thị, ở các phường có kế hoạch phối hợp rất cụ thể.

Cũng theo ông Bội, lãnh đạo các BV và công an quận, công an các phường đều có liên lạc thường xuyên, khi nhận được tin báo là lực lượng chức năng có mặt ngay.

Chỉ trong vòng năm phút từ khi các đơn vị như BV gọi tới, lực lượng công an phường sẽ có mặt để xử lý, trong tình huống phải huy động lực lượng, tối đa cũng chỉ trong 10 phút. Tại BV Chợ Rẫy, nơi có hàng chục ngàn người ra vào mỗi ngày, công an quận có lực lượng bí mật túc trực, nếu có diễn biến phức tạp thì chưa cần BV báo, lực lượng công an đã có mặt ngay. Nhiều trường hợp khi công an quận có mặt, lực lượng của TP cũng đồng thời xuất hiện.

Lãnh đạo công an các quận 1, 10, Bình Thạnh, Bình Tân đều cho biết đã ký kết quy chế phối hợp với các BV. Tuy nhiên đại tá Phạm Ngọc Khương, trưởng Công an Q.10, thừa nhận lực lượng công an quận không đủ biên chế để điều đến các BV túc trực 24/24 giờ nhằm giữ gìn an ninh trật tự.

Đại úy Nguyễn Trần Ngọc Hòa, đội trưởng đội tham mưu tổng hợp Phòng cảnh sát phản ứng nhanh (113) Công an TP.HCM, cho biết trong mọi tình huống liên quan tới an ninh trật tự, người dân nên gọi cảnh sát 113.

“Không phải tin báo nào chúng tôi cũng cử lực lượng tới, nhưng việc xử lý tin báo, thông tin cho công an phường, xã, quận, huyện để xử lý theo thẩm quyền đều rất nhanh chóng và được giám sát bằng máy móc hiện đại nên chắc chắn không có chuyện “báo mà làm ngơ” được.

Về vụ việc tại BV Nhân dân Gia Định, chúng tôi chỉ nhận được một cuộc gọi duy nhất vào lúc vụ việc gần như đã kết thúc, do một nhân viên BV gọi. Chúng tôi đã cử lực lượng tới hiện trường, khi đó công an địa phương đã xử lý xong, chỉ còn tụ tập đông người nhưng không ai có hung khí, không ai đe dọa gì nữa”.

Bác sĩ Cao Thanh Trúc cho rằng nếu nhanh nhất cũng phải 4-5 phút công an mới có mặt. Tuy nhiên, bác sĩ Trúc nói ngay cả khi công an kịp có mặt trong thời gian “mơ ước” này thì bọn côn đồ cũng đã thực hiện xong hành vi và tẩu thoát. Trong khi đó, một số lãnh đạo BV lớn tại Q.10 và Q.5 thừa nhận rất khó để gọi công an kịp có mặt sớm như vậy.

 

Công an có mặt sớm, bảo vệ đối tượng?

Liên quan tới thông tin lực lượng công an chậm có mặt trong vụ việc tại BV Nhân dân Gia Định, thượng tá Nguyễn Viết Thái, Phó trưởng Công an Q.Bình Thạnh, cho biết: “Nhận được tin báo lúc 23h31 ngày 22/9, ngay khi đó tôi liên lạc với chỉ huy đội hình sự và cử lực lượng hình sự đặc nhiệm đang làm nhiệm vụ cách đó chưa đầy 200m tới phối hợp công an phường xử lý.

Khi lực lượng hình sự có mặt, nhóm người phía gia đình ông Nguyễn Văn Đức (còn gọi là Lắm, 53 tuổi, nạn nhân tử vong sau vụ đâm chém) đã phát hiện nơi Lê Hoàng Anh Tuấn (nghi can đâm chết ông Đức) nằm, định truy sát.

Tôi đã chỉ đạo anh em phải đưa được Tuấn qua nơi khác, nếu không phải chốt giữ bảo vệ chứ không để bị giết và anh em đã đưa Tuấn vào một phòng kín rồi chốt bên ngoài bảo vệ. Nếu không có lực lượng hình sự bảo vệ, trước khoảng 30 đối tượng là dân giang hồ đang hăng máu truy sát, liệu Tuấn có còn sống được? Khi lực lượng hình sự có mặt, các bác sĩ đều đã tránh né đi nơi khác. Thêm vào đó lực lượng hình sự mặc thường phục nên các y, bác sĩ không nhận ra, cho rằng công an không có mặt kịp thời, dẫn tới thông tin không chính xác trong vài ngày qua”.

 

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm