Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh viện lớn hết giường, Bangkok như 'quả bom sắp nổ'

Biến thể Delta (lần đầu tiên phát hiện ở Ấn Độ) đang lan rộng và có thể gây quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Thái Lan, buộc nhà chức trách cân nhắc giải pháp cách ly tại nhà.

Nhà chức trách Thái Lan đang nỗ lực đối phó với các chùm ca bệnh xuất hiện trên cả nước. Riêng ngày 26/6, Thái Lan ghi nhận 4.161 trường hợp mắc mới, trong khi số ca tử vong đạt mức kỷ lục với 51 trường hợp.

Tại thủ đô Bangkok, một trong những địa phương được kiểm soát nghiêm ngặt nhất, số ca dương tính vẫn tăng nhanh.

Một số bệnh viện công lớn như Ramathibodi và Chulalongkorn, cùng với nhiều đại học y khoa hàng đầu tại Bangkok cũng đã ngừng xét nghiệm bệnh nhân Covid-19 do tình trạng hết giường bệnh, theo Nikkei Asia.

Covid-19 tai Thai Lan anh 1

Người dân Thái Lan đi xét nghiệm nhanh Covid-19 do các ca bệnh gần đây ở Bangkok. Ảnh: Reuters.

Trước đây, Thái Lan từng là điểm sáng chống dịch khi có thể duy trì số ca mắc mới mỗi ngày ở mức hai con số. Dù vậy, trong thời điểm hiện tại, mỗi ngày có từ 2.000 đến 4.000 trường hợp dương tính, riêng hôm 28/6 là 5.406 trường hợp. Số ca bình phục khoảng 1.500 người mỗi ngày.

Tính đến ngày 28/6, tổng số ca dương tính với Covid-19 trên cả nước là 220.990 người, số ca đã bình phục là 174.845 người.

Hiện tại, có khoảng hơn 46.000 người đang nằm viện, trong khi các giường bệnh của Thái Lan chỉ có thể đáp ứng 40.500 bệnh nhân một lúc.

Không chỉ vậy, mỗi ngày các bệnh viện Thái Lan có thể phải tiếp nhận khoảng 1.000 ca bệnh mới. Thậm chí, nhiều ca còn cần đến phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) dù số lượng cũng không còn nhiều.

Trong bối cảnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ như hiện tại, chính phủ Thái Lan khó có thể giữ tình hình trong tầm kiểm soát, Nikkei Asia nhận định.

Ông Adune Ratanawichtrasin, chuyên gia tại Bệnh viện Siriraj thuộc Đại học Mahidol, cho biết: “Tình hình ở Bangkok giống như một quả bom sắp phát nổ".

Dù vậy, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul không đồng ý với ý kiến trên.

"Bộ sẽ không để hệ thống y tế sụp đổ. Không ai được nhắc đến điều đó", ông Anutin khẳng định.

Ông Anutin nói rằng trong ngành y tế, các bên liên quan cần hợp tác chặt chẽ với nhau để cải thiện tình hình. Chính phủ sẵn sàng khai thác mọi nguồn lực để giải quyết vấn đề cấp bách, ông Anutin nói thêm.

Covid-19 tai Thai Lan anh 2

Một bệnh viện dã chiến được thành lập ở Thái Lan để đối phó với khó khăn trước mắt. Ảnh: Reuters.

Dù vậy, chính phủ Thái Lan cũng đang đối mặt với làn sóng phản đối từ các lực lượng chính trị trong nước. Cuối tuần qua, nhiều cuộc biểu tình đã được tổ chức, dấy lên lo ngại về khả năng lây lan các ca nhiễm mới.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã phải ra lệnh phong tỏa một phần ở Bangkok để ngăn chặn các cuộc tụ tập đông người.

Khi tình hình tiếp tục xấu đi, nhà chức trách Thái Lan đã khuyến cáo bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng nên cách ly tại nhà.

Bệnh nhân sẽ được cung cấp một nhiệt kế và máy đo nồng độ oxy để theo dõi tình hình sức khỏe. Trong trường hợp cần thiết, những người này có thể dùng thuốc favipiravir, hay còn gọi là Avigan, để chống lại virus SARS-CoV-2.

Dù vậy, giải pháp trên khó có thể xoa dịu một bộ phận công chúng, khi xuất hiện ngày càng nhiều ghi nhận về số ca tử vong do Covid-19 tại nhà do các bệnh nhân không thể đến các bệnh viện ở Thái Lan.

Các nước phân cấp khu vực nguy cơ để chống dịch như thế nào?

Thái Lan và Campuchia áp dụng công thức chia các khu vực theo màu tương ứng với nguy cơ lây lan dịch bệnh, và có những mức độ hạn chế phòng dịch riêng cho từng nơi.

Bất chấp rủi ro, Thái Lan đẩy nhanh kế hoạch mở cửa trong 120 ngày

Trong khi giới chức Thái Lan lên kế hoạch mở cửa trở lại, một số người đặt câu hỏi chính quyền đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho mục tiêu đầy tham vọng này hay chưa?

Kỳ Sơn

Bạn có thể quan tâm