Sáng 15/5 tại bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, vừa bế bé Huy (18 tháng tuổi) để cho uống sữa, chị Lành (27 tuổi, ở Tiền Giang) kể ban đầu bé có biểu hiện sốt, nhưng gia đình cứ tưởng do thời tiết. Nhưng sau sốt, Huy bị phát ban ở tay và chân.
“Lo ngại con bị sởi nên tôi đưa bé lên bệnh viện khám thì bác sĩ bảo bé bị tay chân miệng (TCM)”, chị Lành cho biết.
Tại bệnh viện này, nhiều phụ huynh bế các bé ra nằm ngoài hành lang vì không khí ngột ngạt trong phòng, do lượng bệnh nhi điều trị quá đông.
Chỉ vào những chỗ phát ban trên người của bé Thanh (15 tháng tuổi), chị Vi cho hay con nhập viện đã được 4 ngày, các nốt ban bắt đầu lặn dần. Trước đó, vì thấy Thanh bị sốt và nổi ban ở lòng bàn tay, khóe miệng nên chị đưa đi khám. Bác sĩ kết luận bé bị bệnh TCM và khuyên nhập viện điều trị.
Số trẻ điều trị TCM tại TP.HCM tăng mạnh. |
Tính từ đầu năm cho đến nay, bệnh viện Nhi Đồng 1 đã điều trị cho hơn 2.000 trẻ mắc bệnh TCM.
Bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, phó trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết bệnh TCM bắt đầu gia tăng từ đầu tháng 4/2014. Mỗi ngày có 7 - 8 ca mới mắc bệnh nhập viện.
Trong khi đó, theo thống kê của bệnh viện Nhi Đồng 2, đã tiếp nhận khám cho hơn 8.600 trẻ mắc TCM từ đầu tháng 4/2014, trong đó số trẻ nhập viện hơn 470, tăng gấp 2 lần so với tháng 3.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, số mắc TCM nhập viện trên địa bàn từ đầu năm đến nay đã hơn 3.370 ca, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước.
Theo các bác sĩ, bệnh TCM nguy hiểm hơn sởi và thủy đậu vì chưa có vắc-xin phòng bệnh. Biến chứng của bệnh không nhiều như nhưng rất nguy hiểm.