Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh sởi xuất hiện tại nhiều quốc gia

Bộ Y tế Philippines xác nhận hàng nghìn ca mắc sởi trong hai tháng đầu năm với 23 người tử vong. Bệnh cũng tấn công người dân tại Singapore, Mỹ và Canada.

Báo cáo của Trung tâm Dịch tễ quốc gia thuộc Bộ Y tế Philippines (DOH) cho thấy giới chức xác nhận 3.734 ca nhiễm sởi tại quốc đảo này trong giai đoạn cao điểm từ 1/1 tới 22/2. Trong số đó, 23 ca tử vong do các biến chứng như viêm phổi do virus gây nên.

Chính quyền Manila xác nhận 1.792 ca mắc sởi trong thành phố. Trước đó, Bộ Y tế đã thực hiện chiến dịch tiêm vaccine khi số lượng ca nhiễm bệnh có dấu hiệu tăng mạnh trên khắp lãnh thổ, đặc biệt tại Manila và các tỉnh lân cận, Inquirerđưa tin.

Trong tháng 3, Bộ Y tế Philippines tiếp nhận 5 triệu liều vaccine phòng sởi -rubella từ xứ Wales (Anh). Họ phối hợp cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để thực hiện các chiến dịch tiêm phòng cho 13 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn Philippines từ tháng 9 tới.

Một em nhỏ mắc bệnh sởi ở Việt Nam. Ảnh: Lê Hiếu

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Philippines - ông Enrique Ona - trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. 

“Mục tiêu của chúng tôi là kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh và ngăn những ca tử vong. Tuy nhiên, mục tiêu chủ yếu là tiêm hai liều vaccine cho toàn bộ trẻ em dưới 5 tuổi trên khắp cả nước”, ông Ona cho biết.

Sởi là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, do một loại virus gây ra với các triệu chứng giống cúm như ho, sổ mũi, sốt. Ở giai đoạn cuối, đặc trưng của người mắc sởi là các vết ban xuất hiện tuần tự từ cổ, mặt, ngực, thân, chân tay kèm theo sốt cao. Trẻ em, thai phụ và những người hệ miễn dịch yếu có nguy cơ nhiễm virus cao nhất. 

"Trong số nhiều bệnh do virus gây nên, sởi có thể lây dễ dàng nhất. Nếu một người mắc cúm chỉ truyền virus sang ba người thì bệnh nhân sởi có thể lây bệnh tới 18 người, thậm chí trước khi các nốt ban xuất hiện. Một người bước vào căn phòng mà một bệnh nhân sởi vừa ra khỏi đó vẫn có thể nhiễm bệnh, vì virus sởi có thể tồn tại đến hai giờ bên ngoài chủ thể ",  bác sĩ Eric Tayag, phát ngôn viên Bộ Y tế Philippines, cho biết.

Thực tế cho thấy sởi đang tiếp tục xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới. Ngày 5/4, tại Singapore, Bộ Y tế xác nhận 80 ca nhiễm sởi, trong đó 23 bệnh nhân từng tới Philippines để du lịch. Họ mang theo virus sởi khi về nước. Trẻ em không tiêm vaccine chiếm một nửa trong tổng số 49 bệnh nhân nhiễm bệnh trong phạm vi lãnh thổ Singapore.

Theo Bộ Y tế Singapore, đa số người dân nước này có khả năng miễn dịch tốt nhờ tiêm phòng đầy đủ nên nguy cơ bùng phát dịch rất thấp. Tuy nhiên, Bộ vẫn yêu cầu các bậc phụ huynh tiêm phòng cho con. Họ cũng khuyên các cá nhân từng đến Philippines hoặc sắp từ Philippines về nước tiêm phòng vaccine. 

Tỷ lệ người Mỹ nhiễm bệnh sởi thường ở mức khá thấp. Tuy nhiên, trong năm 2014, giới y tế Mỹ ghi nhận ít nhất 108 ca nhiễm bệnh. Tại bang California, Mỹ giới chức thống kê 49 ca nhiễm sởi trong vài tuần gần đây, tăng cao so với chỉ 4 trường hợp trong cùng kỳ năm ngoái. Một số bệnh nhân cố tình không tiêm phòng, song nhiều người từng tiêm vaccine vẫn mắc bệnh.

Từ đầu năm 2014, tại Canada, số lượng người nhiễm sởi tăng bất thường so với mọi năm. Bộ Y tế Canada đang kêu gọi phụ huynh tiêm phòng cho trẻ em sau khi ít nhất 320 ca xuất hiện tại đây.

Ở Việt Nam, từ đầu năm 2014 đến nay, các bệnh viện trên cả nước tiếp nhận 6.611 người sốt phát ban dạng sởi. Các cơ sở y tế lấy gần 4.400 mẫu để kiểm tra và kết quả cho thấy 53% người trong số đó dương tính với sởi.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm