Giáo sư Park Huyn từng là người rất khoẻ mạnh nhờ duy trì lối sống khoa học. Khi nghe tin về dịch Covid-19, giảng viên 48 tuổi tin rằng mình không thuộc nhóm dễ nhiễm bệnh nên mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.
Thành phố Busan (Hàn Quốc), nơi ông sinh sống, ghi nhận những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên hôm 21/2. Cùng ngày, giảng viên Park cảm thấy đau họng và bắt đầu ho khan.
Chỉ vài ngày sau, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng tới mức ông Park ngất xỉu trong lúc đợi kết quả xét nghiệm. Sau khi được xác nhận dương tính với virus corona, ông Park nhập viện và trải qua nhiều cơn đau “chết đi sống lại”.
Tôi từng nghĩ bệnh tật sẽ chừa mình ra
“Tôi cảm giác ngực mình bị hàng trăm mũi kim đâm mạnh, kèm theo đó là những cơn đau bụng hoặc sốt nhẹ. Tôi không chắc đây là tác dụng phụ của thuốc hay là ảnh hưởng của virus corona. Thật kinh khủng”, ông Park hồi tưởng.
Sau 8 ngày điều trị tích cực và 2 lần xét nghiệm âm tính, ông Park được xuất viện. Dù tình trạng sức khoẻ đã cải thiện, ông vẫn chưa hoàn hồn khỏi trải nghiệm kinh khủng vừa qua.
Giáo sư Park Huyn khi đang điều trị Covid-19. Ảnh: Facebook. |
Một mình với nỗi đau
Bác sĩ Fabio Biferali trải qua 8 ngày điều trị tích cực ở bệnh viện Policlinico Umberto, Rome (Italy) sau khi nhiễm Covid-19. Ông chia sẻ với AFP rằng quá trình này rất đau đớn và ông luôn bị cái chết ám ảnh. Vị bác sĩ lo sợ sẽ phải ra đi mà không kịp nói lời từ biệt với người thân.
“Tôi cảm thấy những cơn đau bất thường. Với kinh nghiệm của một bác sĩ, tôi biết đó là bệnh viêm phổi. Tôi luôn bật khóc khi nhớ về trải nghiệm này”. Ông Biferali từng chứng kiến nhiều bệnh nhân Covid-19 khóc lớn trong tuyệt vọng và hét lên “Đủ rồi, đủ rồi”.
Theo ông, điều trị bằng liệu pháp oxy rất đau đớn với quá trình tìm động mạch xuyên tâm khó khăn. “Điều tồi tệ hơn cả là vào ban đêm, chúng tôi không ngủ được, lòng tràn đầy âu lo. Tôi gặp ác mộng thường xuyên và cảm giác cái chết đang rình rập”, ông chia sẻ.
Các nhân viên y tế chỉ để lộ ánh mắt “trìu mến” dưới lớp quần áo bảo hộ kín mít. “Có nhiều bác sĩ tuyến đầu rất trẻ. Đó là khoảnh khắc của hy vọng”, ông Biferali hồi tưởng.
Quay về từ cửa tử
“Cánh cổng địa ngục” mang tên Covid-19 đã thay đổi cách nhìn nhận cuộc sống của anh Wan Chunhui. Anh Wan trải qua 17 ngày điều trị tại bệnh viện Hoả Thần Sơn, thành phố Hồ Bắc - nơi khởi phát đại dịch.
“Sau khi quay về từ cửa tử, tôi cảm thấy bình tĩnh hơn trước mọi sự. Tôi đã chứng kiến nhiều bệnh nhân khác ra đi, điều này ảnh hưởng sâu sắc tới tôi”, anh Wan chia sẻ.
Anh Wan tự giác cách ly và đến bệnh viện kiểm tra ngay khi thấy mình bị sốt. Do bệnh viện quá tải, anh được chỉ định uống thuốc kháng sinh và cảm cúm đồng thời theo dõi sức khoẻ tại nhà.
“Lúc đầu tôi khá hoang mang. Thế rồi tôi lại suy nghĩ tích cực vì lo lắng cũng chẳng để làm gì. Tôi quay về nhà, tự cách ly và ghi lại tình trạng sức khoẻ mỗi ngày”, AFP dẫn chia sẻ của anh Wan.
Các triệu chứng nghiêm trọng hơn khiến anh phải nhập viện. Theo anh Wan, các nhân viên y tế không được trang bị đồ bảo hộ đầy đủ. Nhiều người phải dùng túi rác để trùm quanh người.
Nhân viên y tế trong một bệnh viện ở Trung Quốc. Ảnh: China Daily. |
Giữ vững niềm tin
Bà Song Myung-hee, 72 tuổi, dương tính với virus corona sau khi tham gia một sự kiện tại nhà thờ của giáo phái Tân Thiên Địa. Đây cũng chính là địa điểm gây bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng tại thành phố Daegu (Hàn Quốc).
Sau vài ngày tự cách ly, bà Song bắt đầu có những cơn ho dữ dội. “Tôi không thể ngủ được vì cơn ho kéo dài liên tục. Mặt tôi bắt đầu sưng lên và tôi lo sợ sẽ phải chết một mình”.
Khi ấy, các bệnh viện tại Daegu đều ở trong tình trạng quá tải do dịch bệnh bùng phát. Bà Song được chuyển tới một bệnh viện ở Seongnam, cách đó 220 km. “Tôi cảm thấy may mắn vì được nhập viện”.
Người đứng đầu giáo phái Tân Thiên Địa từng xin lỗi trên truyền hình vì tổ chức các hoạt động góp phần lây lan dịch bệnh. Sau đó, gia đình bà Song nài nỉ bà từ bỏ giáo phái nhưng bà Song kiên quyết: “Tôi không quan tâm người ta nói gì. Tôi sẽ không bao giờ quay lưng với đức tin”.
Duy trì cuộc sống thường nhật
Bà Djemila Kerrouche cho biết điều tồi tệ nhất là không thể cùng các con vượt qua giai đoạn khó khăn này. Hiện bà sống cùng 3 người con tại Pháp.
Sau khi có triệu chứng nhiễm Covid-19, bà Kerrouche luôn đeo găng tay và khẩu trang khi ở trong nhà. Bà cố gắng không chạm vào đồ ăn và luôn giữ khoảng cách với các con dù có hai bé đã bắt đầu ho.
“Các con của tôi rất chăm học. Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng giáo viên vẫn giao nhiều bài tập như thường”, bà chia sẻ về các con. “Đứa lớn nhất đang chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp. Tôi thấy con bé khóc vì áp lực học hành mà không thể đến ôm và dỗ dành con”.
Bệnh tật không chừa ai
Marisol San Roman, một sinh viên ở Argentina, cảm thấy bất ngờ khi bị nhiễm Covid-19. “Tôi mới 25 tuổi, còn rất trẻ và khoẻ. Thật điên rồ”, Marisol cảm thán.
Cô cho biết mình từng trải qua nhiều ngày cô độc, một mình đối mặt với bệnh tật. Cô đã được điều trị nhiễm trùng phổi và theo dõi độ bão hoà oxy trong máu. Hàng ngày, người thân trong gia đình để thức ăn cho cô ở cửa phòng.
“Đây là một căn bệnh làm cho bệnh nhân bị cô lập”. Marisol còn cho biết nhiều người chỉ trích cô mang mầm bệnh từ nước ngoài về.
Trên tài khoản Instagram, Marisol chia sẻ: “Đây không phải là một trò đùa, bạn còn trẻ không có nghĩa là bạn miễn nhiễm với mọi loại bệnh tật. Virus corona không đơn giản như cảm cúm thông thường đâu”.
Nhân viên y tế cấp cứu cho một bệnh nhân ở Đức hôm 26/3. Ảnh: AP. |
Hãy luôn yêu thương những người mắc bệnh
Julia và Megan muốn chia sẻ về hành trình vượt qua bệnh tật của họ để truyền thêm nghị lực cho nhiều bệnh nhân khác. Hai doanh nhân trẻ nằm trong 50 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Nam Phi.
Họ nhiễm virus corona sau một chuyến đi trượt tuyết ở Thụy Sĩ. Trong thời gian điều trị, mỗi người biểu hiện những triệu chứng bệnh khác nhau.
Đưa ra lời khuyên thông qua tài khoản Instagram, Megan cho hay: “Căng thẳng, lo lắng và hoảng loạn là những phản ứng thường thấy khi bạn biết mình nhiễm virus gây ra đại dịch toàn cầu. Vậy nên hãy yêu thương những người mắc bệnh. Họ cần tình yêu và sự trấn an từ cộng đồng”.
Bệnh nhân số 0
Dì của Lorena là bệnh nhân số 0, thuật ngữ chỉ bệnh nhân đầu tiên mang mầm bệnh, tại Ecuador. Sau khi nhiễm Covid-19 từ Tây Ban Nha, bệnh nhân này trở về nhà và tham gia một bữa tiệc gia đình gồm 30 người.
“Từ lúc về nhà, bà ấy đã cảm thấy không khoẻ rồi. Bà còn kể rằng nhiều người trong chuyến đi ấy cũng bị ho”, Lorena cho biết. Dì của cô được điều trị tại một bệnh viện ở Guayaquil, tâm dịch của Ecuador.
Bệnh nhân số 0 đã tử vong trong khi 12 người tham gia bữa tiệc gia đình nhiễm bệnh. Lorena là một trong số người nhiễm dù cô này đã phục hồi.