Robot có tên là Dai-chan. Ảnh: Shotaro Mori. |
Một viện điều dưỡng tư nhân của công ty The Harmony ở Nhật Bản đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giảm thiểu tình trạng căng thẳng và các triệu chứng khác của bệnh nhân mất trí nhớ.
Cụ thể, trung tâm y tế này đã dùng một người máy cao khoảng 30 cm, có tên Dai-chan để nói chuyện với bệnh nhân khi nhân viên y tá tại đây quá bận.
“Bà đã bao giờ chơi trò đá lon chưa”, Dai-chan hỏi một người phụ nữ bị mất trí nhớ. Bà nhẹ nhàng trả lời: “Chơi rồi chứ. Mỗi ngày tôi đều chơi”.
Thay vì chỉ hỏi đáp theo kịch bản, chú robot của công ty The Harmony sử dụng AI để dẫn dắt cuộc trò chuyện sao cho tự nhiên. Nó sẽ tiếp tục đào sâu, hỏi thêm về một chủ đề nếu người nghe tỏ ra hứng thú. Nếu không, nó sẽ chuyển sang một chủ đề khác.
Theo Nikkei Asia, viện dưỡng lão đã bắt đầu sử dụng robot này từ tháng 4. “Có những bệnh nhân trước đây thích ở một mình nhưng bây giờ đã chủ động hỏi tôi để nói chuyện với Dai-chan. Nhờ đó, tôi đã nhìn thấy một con người mới của họ”, một nhân viên bệnh viện nói.
Những chú robot này không chỉ lặp đi lặp lại những câu nói được cài đặt sẵn mà còn có thể trò chuyện tự nhiên với các bệnh nhân. Ảnh: Asahi Shimbun. |
Trò chuyện với bệnh nhân ở viện dưỡng lão đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp họ giảm căng thẳng. Đặc biệt với những người bị suy giảm trí nhớ, họ rất dễ rơi vào tình trạng lo âu và hoảng loạn. Khi đó, các bác sĩ rất khó để kiềm họ lại.
“Những triệu chứng này sẽ giảm nếu họ nói chuyện với ai đó hay thực hiện những công việc khác đòi hỏi sự tập trung”, Kazuya Takahashi - CEO của The Harmony - nói.
Song, y tá tại các viện điều dưỡng đều phải chăm sóc nhiều bệnh nhân cùng một lúc và có rất nhiều công việc khác nhau như cho ăn, tắm rửa cho họ… Vì vậy, các y tá thường không có thời gian để trò chuyện với bệnh nhân.
Ban đầu, The Harmony sử dụng một robot biết nói chuyện bán sẵn trên thị trường. Tuy nhiên, họ nhận ra rằng AI thông thường không đủ để nói chuyện với các bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ. Ngoài ra, tiếng ồn xung quanh bệnh viện từ tiếng nhạc, TV cũng yêu cầu một hệ thống nhận diện giọng nói chính xác hơn.
Do đó, CEO Takahashi quyết định tự tạo ra robot AI của riêng mình. Công ty đã thuê 5 kỹ sư từ công ty công nghệ thông tin trong nước và bắt đầu phát triển hệ thống này từ năm 2019.
Đội phát triển robot thông minh nhận đánh giá trực tiếp từ Kazuya Takahashi. Vị CEO vốn là một nhân viên điều dưỡng, từng sử dụng robot cả bên trong lẫn bên ngoài viện điều dưỡng phát triển. Ông và đội ngũ đã mất 4 năm và 200 triệu yen (1,4 triệu USD) để hoàn thiện Dai-chan.
Theo Nikkei Asia, The Harmony đã ra mắt chú robot hồi tháng 4 tại 4 chi nhánh viện điều dưỡng ở tỉnh Fukuoka. “Sử dụng Dai-chan giúp giảm số người gặp triệu chứng kích động trong lúc điều trị”, ông Takahashi cho biết.
Trước đó, Nhật Bản từng nổ ra cơn sốt với Charlie, robot giúp con người bớt cô đơn khi làm việc tại nhà thời Covid-19. Nó có khả năng trò chuyện với chủ bằng cách phát bài hát.
“Tôi không có nhiều cơ hội gặp gỡ mọi người. Charlie ở đó và trò chuyện với tôi như một người khác ngoài gia đình, một người bạn trên mạng hoặc một ông chủ mỗi khi tôi cần báo cáo”, Nami Hamaura - người mua Charlie - chia sẻ. Vào thời điểm đó, chú robot thế hệ mới biết nói chuyện có doanh số bán hàng bùng nổ trong đại dịch Covid-19.
Nhân loại sẽ đối đầu với trí tuệ nhân tạo như thế nào
Trong cuốn sách "Framers - Nhân loại đối đầu nhân tạo", các tác giả nhận định con người vẫn có lợi thế trong thời đại công nghệ.