Đại diện Tổ chức y tế Pan American giới thiệu trang phục bảo hộ cần thiết trong điều trị bệnh nhân Ebola. Ảnh: Reuters |
Bệnh nhân Duncan, 42 tuổi, là một người Liberia tới bang Texas ngày 20/9 để thăm người thân, đã nhập viện hôm 28/9 sau khi xuất hiện các triệu chứng mắc Ebola. Tình trạng bệnh nhân đã xấu hơn từ hôm 5/10.
Trường hợp của Duncan cho thấy “chúng ta không được phép phạm sai lầm. Nếu không tuân theo các quy trình đã đặt ra, chúng ta sẽ đặt mọi người trong cộng đồng vào nguy hiểm”, tổng thống Barack Obama phát biểu sau thông báo của bệnh viện Dallas.
Trước đó, ông Mỹ đã siết chặt việc kiểm tra tại các cửa ngõ hàng không để ngăn dịch Ebola vào Mỹ, bắt đầu tại năm sân bay lớn là JFK ở New York, Newark ở New Jersey, Washington Dulles ở Virginia, O'Hare ở Chicago và Hartsfield-Jackson ở Atlanta.
Ngoài việc đo nhiệt độ, các hành khách còn phải điền bảng câu hỏi để kiểm tra. Những hành khách bị sốt hoặc trả lời “có” trong một số câu hỏi nhất định sẽ bị nhân viên Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch kiểm tra.
Mỗi ngày, khoảng 160 hành khách từ Sierra Leone, Liberia và Guinea đến Mỹ.
Trước khi nhập viện, Duncan đã tiếp xúc trực tiếp với khoảng 12 tới 18 người. Sau đó, những người đó lại tiếp xúc với rất nhiều người khác.
Giới chức Mỹ vẫn đang theo dõi sát 100 người có thể đã phơi nhiễm Ebola do từng tiếp xúc với Duncan. Tuy vậy, hiện chưa ai trong số 100 người mà giới chức theo dõi có biểu hiện nhiễm virus Ebola, trong đó có 14 người đã được xác định âm tính với virus.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, số ca tử vong do nhiễm chủng virus nguy hiểm này đã vượt quá con số 3.400 người trên tổng số gần 7.500 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó, Liberia là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.