Bến xe miền Đông mới sẽ phục vụ như... sân bay
Bến xe miền Đông mới sẽ có nhà ga chính cao tầng, gồm các phòng điều hành, phòng bán vé… Nhà ga này được xây dựng hiện đại với hệ thống nhà chờ và hệ thống thông tin về giờ xe khởi hành phục vụ hành khách theo kiểu sân bay.
Ngày 19/4, ông Lê Văn Pha - phó tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) cho biết UBND TP.HCM đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ di dời giải tỏa để trong quí III/2013 khởi công xây dựng bến xe miền Đông mới hứa hẹn sẽ phục vụ khách như ở sân bay.
Bến xe miền Đông mới hứa hẹn sẽ không còn cảnh hành khách chen lấn chờ mua vé như thế này. |
Bến xe mới có diện tích 16ha tại P.Long Bình, Q.9 và P.Đình Thắng, thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Theo Samco, hiện có 31 hộ dân và 5 doanh nghiệp nhà nước nằm trong diện đền bù giải tỏa với tổng kinh phí khoảng 890 tỷ đồng. Theo kế hoạch, tỉnh Bình Dương sẽ hoàn thành đền bù giải tỏa mặt bằng có diện tích 3,7ha trong tháng 5/2013 và Q.9 sẽ bàn giao mặt bằng có diện tích 12,3 ha vào cuối năm 2013.
Ông Nguyễn Hồng Anh - Tổng giám đốc Samco, cho biết việc xây dựng bến xe miền Đông mới tại đây nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đi các tuyến về các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Đồng thời, nhằm di dời một phần hoạt động của bến xe miền Đông ở Q.Bình Thạnh - nằm trong khu vực nội đô thường xuyên bị ùn tắc giao thông trên tuyến đường Quốc lộ 13 (Q.Bình Thạnh, Q.Thủ Đức).
Bến xe mới sẽ có nhà ga chính cao tầng, gồm các phòng điều hành, phòng bán vé… Nhà ga này được xây dựng hiện đại với hệ thống nhà chờ và hệ thống thông tin về giờ xe khởi hành phục vụ hành khách theo kiểu sân bay. Các doanh nghiệp vận tải được bố trí trong nhà ga để điều hành hoạt động xe chở khách; nắm bắt và xử lý kịp thời nhu cầu hành khách đi lại thay vì thuê văn phòng xung quanh bến xe như hiện nay. Trong khu vực bến xe mới sẽ bố trí các cây xăng, siêu thị, các dịch vụ vận chuyển hàng hóa…và có cả trung tâm đăng kiểm xe ôtô, phục vụ không chỉ hành khách đi xe mà cả cư dân ở khu vực.
Bến xe miền Đông mới cũng đã được tính toán kết nối với các tuyến xe buýt, đặc biệt là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Theo đó, hành khách từ các tỉnh về đến bến xe này có thể lựa chọn các loại phương tiện công cộng, mêtro để vào trung tâm TP hoặc về các quận, huyện vùng ven.
Trong khi đó, tỉnh Bình Dương đang xem xét dự án xây dựng tuyến metro chạy dọc đường cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn, kết nối điểm đầu là thành phố mới Bình Dương (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) và khu Suối Tiên (Q.9, TP.HCM) - nghĩa là kết nối với tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP.HCM. Tổng vốn đầu tư xây dựng bến xe miền Đông mới là 960 tỷ đồng, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2016 trước lúc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đưa vào hoạt động vào năm 2017.
Theo ông Nguyễn Hồng Anh, bến xe miền Đông hiện hữu ở Q.Bình Thạnh có diện tích 6,2ha, TP có chủ trương bán đấu giá 3,1ha đất (tương ứng 50 % diện tích bến xe) để lấy tiền hoàn trả ngân sách TP đã tạm ứng cho Samco chi tiền đền bù giải tỏa xây dựng bến xe miền Đông mới. Với diện tích 3,1ha đất đấu giá, Sở Quy hoạch và kiến trúc TP đang trình quy hoạch chỉ cho phép xây dựng trung tâm thương mại, dịch vụ, không cho phép xây dựng khu dân cư trong mặt bằng này. Như vậy, 50% diện tích bến xe còn lại làm bến xe buýt và bến xe đò liên tỉnh chỉ phục vụ hành khách đi các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông như Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông… |
Theo Tuổi Trẻ