Xưởng gia công ghe biển tại TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang là nơi cho ra đời những chiếc chân vịt siêu to, với trọng lượng lên đến hơn 2 tấn mỗi chiếc.
|
Xưởng gia công chân vịt đặt trên đường Lâm Quang Ky của TP Rạch Giá. Xưởng này được hình thành hơn 10 năm nay, là nơi gia công chân vịt cho các loại ghe tàu nói chung của tỉnh Kiên Giang. Đặc biệt, thế mạnh của xưởng là chế tạo hoặc gia công những chiếc chân vịt to tướng dành cho ghe đánh bắt thủy, hải sản. |
|
Những chiếc chân vịt đang được thợ gia công. Những chiếc to nhất có trọng lượng lên đến hơn 2 tấn/chiếc, đường kính 3,5 mét. |
|
Người thợ làm trải qua khá nhiều công đoạn như: đúc chân vịt theo khuôn, đục lỗ chân vịt, hàn tiện và kết nối chân vịt với trục láp, mài nhẵn bề mặt chân vịt... Mỗi chiếc chân vịt như thế được làm hoàn thiện trong 5-7 ngày, với 5 thợ. |
|
Những chiếc chân vịt có trọng lượng lên đến hàng tấn, nên người thợ phải dùng hệ thống ròng rọc, cẩu xích để di chuyển chân vịt trong quá trình thi công. |
|
Việc này đòi hỏi những người có nhiều kinh nghiệm mới có thể dịch chuyển được chân vịt theo ý, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc như rơi, vỡ chân vịt. |
|
Nhờ dùng cẩu xích và ròng rọc chịu lực để nâng chân vịt mà khối lượng công việc của người thợ làm chân vịt giảm đáng kể so với thời điểm hơn 10 năm trước. Nhiều người làm chân vịt nói rằng, thời điểm đó cẩu xích chưa được trang bị đủ dùng, họ phải hiệp sức di chuyển chân vịt trong quá trình làm việc. |
|
Những người thợ đang di chuyển chân vịt vào vị trí đục lỗ và làm răng cho chân vịt kết nối với trục láp. Công đoạn này đỏi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác cao, để khi hoàn thành, chân vịt dễ dàng kết nối với trục láp. |
|
Xưởng chân vịt gia công nhiều loại chân vịt với kích cỡ khác nhau. Có những chân vịt bé nhỏ dùng cho vỏ máy thông thường, cũng có những chân vịt to dùng cho ghe biển có tải trọng lên đến hàng chục tấn, thậm chí hàng trăm tấn. Kiên Giang là tỉnh có hàng chục nghìn tàu cá, nên nghề gia công chân vịt từ lâu đã là một nghề khá "hot", sản phẩm chân vịt cũng rất đắt hàng. Tuy nhiên, vì độ khó nên rất ít người có thể làm được nghề này. |
|
Anh Lê Thanh Điền, người có hơn 10 năm làm nghề gia công chân vịt, cho biết nghề này khá vất vả bởi thường xuyên làm việc trong môi trường nhiều bụi, tiếng ồn. Làm nghề này đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe tốt, đồng thời phải có tính cẩn thận, tỉ mỉ. Mỗi ngày làm việc 8 giờ, tiền công của anh được trả khoảng 200.000-250.000 đồng. |
|
Những người thợ làm chân vịt cho biết, có không ít trường hợp những người mới làm nghề vì yếu kinh nghiệm, thực hiện đục lỗ chân vịt bị cong vênh, không ăn khớp với trục láp. Việc sửa chữa sau đó trở nên khó khăn hơn rất nhiều, thậm chí hỏng cả chân vịt. |
|
Chân vịt khi hoàn thành được bán với giá ứng với khối lượng của chúng (tính theo đơn vị kg). Hiện, 1 kg chân vịt bằng đồng thau có giá khoảng 150.000 đồng, 1 kg chân vịt bằng nhôm có giá khoảng 120.000 đồng. Như vậy, 1 chiếc chân vịt có trọng lượng từ 1 tấn đến hơn 2 tấn sẽ có giá giao động từ khoảng 100 - 200 triệu đồng. |
|
Thông thường nếu không gặp sự số như chặt vào đá ngầm, những chiếc chân vịt này có thể dùng tốt từ 5-7 năm, có trường hợp dùng được đến 10 năm. |
Xưởng gia công chân vịt ghe biển ở Kiên Giang
Kiên Giang
miền Tây
chân vịt siêu to
chân vịt ghe biển
đánh bắt cá
tàu cá
kiên giang