Biên giới Trung Quốc hiện vẫn kiểm soát nghiêm ngặt phòng dịch Covid-19, ngay cả khi gần như mọi quốc gia đã mở cửa trở lại trong năm qua. Điều này khiến lượng lớn xe tải và trái cây ùn ứ tại một số trạm kiểm soát ở biên giới nước này.
Biên giới dài 1.389 km của Nepal với Trung Quốc - gồm hai cửa khẩu chính tại Rasuwagadhi - Gyirong và Tatopani - Zhangmu - đã đóng cửa suốt 2 năm qua, mặc dù một lượng nhỏ hàng hóa Trung Quốc vẫn được phép lưu thông theo hướng khác.
Hầu hết mặt hàng xuất khẩu của Nepal là sang Ấn Độ, do đó thị trường Trung Quốc không đóng vai trò quá quan trọng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những hạn chế ở biên giới đã làm gián đoạn nghiêm trọng thương mại song phương, gây bất ổn cho hoạt động kinh doanh, làm ảnh hưởng tới thu nhập của cộng đồng bản địa và nông dân sống dựa vào thương mại xuyên biên giới, theo South China Morning Post.
Hàng chất đống tại cửa khẩu
“Trước khi Covid-19 xuất hiện, có tới 80-90 container đến Nepal. Nhưng bây giờ ở Rasuwagadhi, con số là 3-7 chiếc trong một ngày và không thể quá 14”, Vijay Kant Karna - cựu Đại sứ Nepal tại Đan Mạch - nói.
Tại trạm kiểm soát Tatopani, mỗi ngày có 5-10 container được phép vào Nepal, theo ông Karna. Ông Karna đã đến thăm ngôi làng hai tuần trước và nói chuyện với các nhân viên hải quan.
Mọi thứ còn tệ hơn với các nhà xuất khẩu của Nepal khi hoạt động tại biên giới bị hạn chế. Năm 2018, giá trị lô hàng của Nepal đến Trung Quốc là 2,4 tỷ rupee Nepal (18,8 triệu USD). Vào cuối năm ngoái, con số này đã giảm xuống còn 994 triệu rupee Nepal, theo Cổng thông tin Thương mại Nepal.
Thị phần Trung Quốc trong xuất khẩu của Nepal giảm từ 2,84% trong năm tài chính 2017-2018 xuống 0,5% trong năm 2021-2022.
Các thương nhân Nepal chờ container hàng đến từ Gyirong (Tây Tạng) tại Rasuwagadhi hồi năm 2019. Ảnh: Kyodo. |
Posh Raj Pandey - nhà kinh tế học và Chủ tịch Tổ chức Giám sát Kinh tế Thương mại và Môi trường Nam Á - cho biết khoảng 50% hàng hóa xuất khẩu của Nepal sang Trung Quốc vượt qua biên giới Rasuwagadhi trong giai đoạn 2017-2018. Con số này giờ bằng không, ông nói thêm.
Trong khi đó, theo số liệu của chính phủ, xuất khẩu của Trung Quốc vào Nepal tăng từ 190 tỷ rupee Nepal vào năm 2018 lên khoảng 282 tỷ rupee Nepal vào năm 2021. Số liệu này đã làm trầm trọng thêm thâm hụt thương mại giữa Nepal và nước láng giềng.
Đầu tháng này, Kathmandu cho biết Bắc Kinh đã đồng ý mở các trạm kiểm soát quan trọng Rasuwagadhi và Tatopani cho thương mại hai chiều, sau khi bộ trưởng Ngoại giao 2 nước gặp nhau tại Thanh Đảo. Tuy nhiên, tuyên bố sau đó của Bắc Kinh lại không đi kèm thông tin này.
Kể từ đó, Trung Quốc đóng cửa hai trạm kiểm soát này do một đợt bùng phát dịch Covid-19 ở khu tự trị Tây Tạng, giáp với Nepal.
Theo ông Pandey và ông Karna, hiện có khoảng 200 container vận chuyển đến Nepal đang bị mắc kẹt ở phía bên kia biên giới Trung Quốc ở thành phố Lhasa (Tây Tạng) và Nyalam. Ông Pandey - người đã nói chuyện với các doanh nhân Nepal - cho biết giá trị của lô hàng ước tính là 2,5 tỷ rupee Nepal.
"Thành phố chết"
Việc đóng cửa trạm kiểm soát diễn ra trong khoảng thời gian Nepal có hai lễ hội tôn giáo Hindu lớn nhất - Dashain và Tihar - được tổ chức từ tháng 9-11.
Vào khoảng thời gian này, các thương nhân thường nhập thực phẩm, quần áo và các mặt hàng phục vụ cho lễ hội từ Trung Quốc do giá rẻ, theo Chủ tịch Hiệp hội Ngoại thương Nepal Sunil Kumar Dhanuka.
“Toàn bộ số container này hiện vẫn chất đống bên kia biên giới. Điều này là vấn đề lớn với chúng tôi", ông Dhanuka nói.
Ông Pandey cho biết các thương nhân ngày càng cảm thấy lung lay với việc làm ăn với Trung Quốc: "Trung Quốc vẫn đang kiên trì với chiến lược Zero Covid-19 nên không ai có thể nói trước khi nào các điểm hải quan sẽ mở cửa. Các thương nhân cảm thấy không chắc chắn khi nhập khẩu từ Trung Quốc”.
Ông Pandey cho biết thị phần Trung Quốc trong tổng nhập khẩu của Nepal giảm từ 15,2% trong giai đoạn 2018-2019 xuống còn 13,8% trong giai đoạn 2021-2022.
Nhiều người đã di cư đến các thành phố như thủ đô Kathmandu để tìm việc khi hoạt động thương mại ở biên giới sụt giảm. Ảnh: Bloomberg. |
Các thương nhân Nepal đã chuyển hướng chuyến hàng tới Trung Quốc qua các cảng Ấn Độ ở thành phố ven biển Kolkata. Điều này không chỉ mất thời gian, tăng chi phí mà còn dẫn đến một số trường hợp mất mát hàng hóa dễ hư hỏng, ông Karna nói.
Ở Tatopani - mới mở cửa lại thương mại biên giới vào tháng 5/2019 sau bốn năm chịu ảnh hưởng động đất, cộng đồng bản địa có truyền thống xuất khẩu các loại thảo mộc và cây thuốc sang Tây Tạng. Tuy nhiên, giờ họ không thể làm vậy được nữa.
"Hàng nghìn người mất việc làm. Người vận chuyển, người lao động, người bản địa, nhà hàng, khách sạn địa phương, mọi thứ đều bị ảnh hưởng”, ông Karna nói.
Nam giới lại bắt đầu di cư đến các thành phố như thủ đô Kathmandu để tìm việc làm sau khi hoạt động buôn bán ở biên giới sụt giảm.
“Trước đó nơi đây là một thành phố sôi động. Trong chuyến thăm gần đây, tôi nghĩ nơi đây là một thành phố chết. Không có gì ở đó cả", ông Karna nói thêm.