Tần Thành là nơi giam giữ các phạm nhân từng là quan chức cấp cao của Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
Tiếng ho quen thuộc từ một phòng giam bên cạnh mà Yan Mingfu không thể nhìn thấy đã dày vò ông trong vài ngày đen tối nhất của quãng thời gian lĩnh án 7 năm ở nhà tù khét tiếng Tần Thành.
Âm thanh bị bóp nghẹt ở nơi cách Yan chỉ vài mét khiến người đàn ông lẽ ra trở thành quan chức đứng đầu của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất nhớ tới cha.
Do các tù nhân tại Tần Thành đều được giam ở buồng riêng biệt, Yan tự an ủi cha của ông - người đã về hưu - khó có thể bị bắt giữ trong cuộc cách mạng văn hóa.
Tuy nhiên, nghi nghờ của Yan cuối cùng lại là sự thật. Cha của ông qua đời chỉ vài ngày sau hôm tù nhân nghe thấy tiếng ho ở phòng bên cạnh. Yan chỉ biết điều đó sau khi được thả tự do vào năm 1975.
Nhiều thập kỷ trôi qua kể từ khi hai cha con ông Yan bị giam cầm, Tần Thành vẫn đầy bí ẩn. Đây là nhà tù có an ninh nghiêm ngặt để bảo đảm cho việc giam giữ những người từng là các quan chức cao cấp.
Nhiều chính tri gia nổi tiếng của Trung Quốc từng bị giam giữ tại đây, gồm bà Giang Thanh - vợ của cố chủ tịch Mao Trạch Đông, bà Vương Quang Mỹ - vợ cố chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, ông Bào Đồng - cựu trợ lý của cố tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc Triệu Tử Dương, ông Bạc Nhất Ba - người cha quá cố của Bạc Hy Lai và có thể là cả Bạc.
Cựu cảnh sát trưởng thành phố Trùng Khánh, từng là trợ lý của Bạc, cũng được cho là đang bị giam tại Tần Thành.
Chu Vĩnh Khang, cựu bộ trưởng công an đồng thời là ủy viên thường trực Bộ chính trị, có thể cũng dành phần đời còn lại của ông ta ở nhà tù này.
Nhà tù bí ẩn
Cổng chính của Tần Thành. Ảnh: SCMP |
Thông tin về Tần Thành - nơi giam giữ các quan chức cấp bộ trở lên - luôn được giữ bí mật. Không giống như nhiều trại giam khác nằm dưới sự giám sát của Bộ Tư pháp, Tần Thành chịu quản lý của Bộ Công an, theo South China Morning Post.
“Đây là nhà tù bí ẩn nhất Trung Quốc nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của đảng”, Wang Zhiliang, giáo sư tại Viện Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, nói.
Nhà tù nằm cách trung tâm Trường Bình, Bắc Kinh khoảng 30 km. Nó được xây dựng vào năm 1958 với sự giúp đỡ của Liên Xô.
Ngày nay, Tần Thành không có biển báo bên ngoài cổng chính hay dây thép gai trên các bức tường, nhưng có máy giám sát quanh sân. Bảo vệ sẽ xuất hiện ngay lập tức nếu thấy phóng viên lái xe xung quanh trại giam để quay phim.
Khi chiến dịch chống tham nhũng được đẩy mạnh, Tần Thành trở nên bận rộn nhất từ trước tới nay. “Có thể Tần Thành đang hoạt động hết công suất do chiến dịch chống tham nhũng. Thậm chí nếu đúng là như vậy, Bộ Công an có dư nguồn lực để giải quyết”, Wang nói.
Theo China Daily, gần 34.000 cán bộ đã đến thăm "nhà tù Bắc Kinh" kể từ khi hoạt động chống tham nhũng bắt đầu vào năm 2008.
Nằm trên sườn núi phủ sương, những chiếc cổng màu đỏ của nó được bao quanh bởi tường thấp và những cây bạch dương cao chót vót.
Khi ông Yan còn ở Tần Thành, các tù nhân chỉ được tắm một lần mỗi tháng, dưới sự giám sát của quản ngục. Đây cũng là cơ hội duy nhất để họ cắt tóc và móng tay. Mỗi phòng giam đều có một bồn cầu tự hoại, một chậu rửa và một lỗ trên cửa để các nhân viên có thể nhìn qua đó khi nói chuyện với tù nhân. Đồ ăn sẽ được chuyển qua một khe hẹp dưới cái lỗ ấy.
Yan cũng nhớ lại việc van xin quản ngục để được nhiều đồ ăn hơn và cảm thấy biết ơn những lần đó.
Tần Thành ngày nay có nhiều thay đổi. Nhà tù bây giờ có những khu vực đặc biệt dành cho tù nhân “VIP”.
Tù nhân được đối xử theo cấp
Máy quay gắn trên tường của nhà tù. Ảnh: SCMP |
Cựu giám đốc của phòng giám sát trại giam He Diankui - người đã làm việc tại Tần Thành hơn 40 năm - cho biết các tù nhân được đối xử theo cấp bậc. Ông nhớ rằng một số tù nhân được phục vụ món súp vây cá mập do bếp trưởng khách sạn 5 sao ở Bắc Kinh chuẩn bị.
Một bài báo đăng trên China Newsweek cho hay, hầu hết các tù nhân "ưu tú" được hưởng những bữa ăn dinh dưỡng, chăn ấm nệm êm vào mùa đông, ngay cả trong những thời kỳ khó khăn.
Sidney Rittenberg, người Mỹ đầu tiên gia nhập đảng cộng sản Trung Quốc bị giam tại Tần Thành từ năm 1968-1977 sau khi bị cáo buộc là gián điệp.
"Tôi là tù nhân 6832", ông nhớ lại. "Không dùng tên thật là một phần thói quen tại Tần Thành. Hầu hết tù nhân tại đây đều có quyền thế lớn. Mục đích của việc không dùng tên thật là nhằm hạ bệ và cho thấy rằng họ chẳng là gì ở đây".
Rittenberg nói rằng phòng giam của ông dài 6 bước chân, rộng 3 bước. Những chấn song kim loại gắn trên các cửa sổ nhỏ trên tường cao, có hai bóng đèn trên trần dùng riêng cho ban ngày và đêm. Giường gỗ của ông được đặt trên hai giá cưa. Cai ngục giám sát tù nhân qua lỗ trên cửa sắt. Các bữa ăn gồm cháo loãng và súp, thường không có thịt hay dầu mỡ, kèm với bánh mì.