Theo WSJ, từ nhiều năm trước, các lãnh đạo Intel đã nhận thấy một vấn đề khá bi hài. Mỗi năm, tập đoàn này tạo ra hàng chục sản phẩm mới, từ các con chip đến nền tảng phần mềm. Tuy nhiên, Intel lại không có quy trình chính thức để lập danh mục và lưu trữ chúng.
Các sản phẩm thế hệ sau thường phát triển dựa trên đời trước, theo quy tắc “kế thừa công nghệ”. Việc này đòi hỏi các kỹ sư Intel phải có đầy đủ những chip đã từng được phát hành, phục vụ cho nghiên cứu bảo mật.
Tìm mua chip trên eBay
Một số thiết bị, chẳng hạn như bộ vi xử lý Sandy Bridge - được ra mắt vào năm 2011 và ngừng sản xuất sau đó 2 năm - khan hiếm đến mức các nhà nghiên cứu bảo mật của Intel đã phải tìm mua trên Internet.
Hàng nghìn thiết bị được lưu trữ trong nhà kho bí mật của Intel tại Costa Rica, phục vụ cho việc nghiên cứu bảo mật. Ảnh: Intel. |
“Chúng tôi phải thực sự truy cập eBay và tìm kiếm trên nền tảng này”, Mohsen Fazlian, trưởng bộ phận bảo mật và đảm bảo sản phẩm của Intel cho biết.
Vấn đề của Intel xuất phát từ một mối quan tâm lớn trong quy trình phát triển sản phẩm. Đó là công nghệ kế thừa có thể mang đến rủi ro về bảo mật.
Các công ty liên tục cải tiến sản phẩm của họ, tăng cường tốc độ và sức mạnh cho thiết bị, nhưng không phải lúc nào khách hàng cũng nâng cấp thường xuyên. Vì vậy, nhiều dòng chip cũ vẫn được sử dụng rộng rãi, có nguy cơ bị tấn công.
Giải pháp của Intel là tạo ra một nhà kho bí mật ở Costa Rica, nơi công ty đã có cơ sở nghiên cứu và phát triển, lưu trữ toàn bộ công nghệ của mình, nhằm cung cấp các thiết bị để thử nghiệm từ xa.
Sau khi lập kế hoạch từ giữa năm 2018, Long-Term Retention Lab của Intel đã bắt đầu hoạt động vào nửa cuối năm 2019.
Cơ sở này lưu trữ khoảng 3.000 phần cứng và phần mềm, được ra mắt trong vòng 10 năm qua. Intel có kế hoạch mở rộng vào năm tới, tăng gần gấp đôi không gian, từ khoảng 1.300 m2 lên 2.500 m2, cho phép chứa 6.000 bộ phận máy tính.
Các kỹ sư của Intel có thể yêu cầu máy tính với cấu hình do họ lựa chọn. Sau đó, một kỹ thuật viên sẽ lắp ráp và mở cổng truy cập thông qua các dịch vụ đám mây. Phòng thí nghiệm hoạt động 24h/ngày, 7 ngày mỗi tuần. Mọi ca trực đều có khoảng 25 kỹ sư làm việc liên tục.
Giữ vai trò quan trọng trong nghiên cứu bảo mật
Long-Term Retention Lab cung cấp cho những bộ phận khác của Intel một cơ sở tập trung, an toàn, để thực hiện các bài kiểm tra bảo mật từ mọi nơi trên thế giới. Việc ra vào tòa nhà được kiểm soát chặt chẽ và phải có sự phê duyệt của các quản lý cấp cao.
Camera giám sát đặt khắp mọi nơi, liên tục theo dõi các thiết bị. Ngay cả vị trí của chúng cũng là bí mật, đại diện của Intel từ chối đề cập đến thông tin này.
Intel sẽ mở rộng gấp đôi diện tích tại cơ sở, nâng sức chứa lên 6.000 thiết bị. Ảnh: Intel. |
Ông Fazlian nói rằng phòng thí nghiệm mang lại giá trị thương mại cho Intel. Nghiên cứu của công ty chỉ ra khách hàng có xu hướng mua công nghệ từ các nhà sản xuất chủ động thử nghiệm sản phẩm.
Theo Fawn Taylor, một lãnh đạo cấp cao của Intel, việc thành lập phòng thí nghiệm đòi hỏi phải đưa thiết bị khó tìm đến Costa Rica, thuê các kỹ sư và nhà khoa học máy tính có thể làm việc với thiết bị, đồng thời xây dựng quy trình hoạt động, bổ sung nhân sự quản lý.
Đôi khi, sự đóng góp đến từ các kỹ sư đã chuyển sang các dự án khác hoặc thậm chí rời công ty. Họ đã giúp tập hợp tài liệu kỹ thuật và trao đổi về những nội dung liên quan đến sản phẩm ra mắt từ nhiều năm trước, bà Taylor cho biết thêm.
Marcel Cortes Beer, một quản lý tại Long-Term Retention Lab, cho biết mỗi tháng họ nhận được khoảng 1.000 yêu cầu lắp ráp máy, phục vụ cho các bài kiểm tra bảo mật từ xa và nhận thêm 50 thiết bị mới hàng tuần.
Anders Fogh, kỹ sư cấp cao của Intel tại Đức, cho biết cơ sở này nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong công việc của ông, đặc biệt khi cố gắng tái tạo các lỗi bảo mật được những nhà nghiên cứu bên ngoài báo cáo về công ty.
“Tôi có thể tạo một bản sao chính xác của hệ thống mà các nhà nghiên cứu đã gửi đến. Cùng một CPU, phiên bản hệ điều hành, microcode, BIOS. Tất cả những điều này làm tăng cơ hội tái tạo sự cố”, Fogh nói thêm về vai trò của Long-Term Retention Lab.
Một cơ sở phần cứng độc lập cũng giúp cho các chuyên gia Intel tránh được nguy cơ hỏng hóc hệ thống và mất mát dữ liệu trong quá trình nghiên cứu lỗ hổng bảo mật.
Phòng thí nghiệm đã thay đổi quá trình phát triển sản phẩm của Intel. Tất cả công nghệ mới đều được phát triển kèm tài liệu và các điều kiện cho phép hỗ trợ tối đa 10 năm, sau đó gửi đến Long-Term Retention Lab trước khi phát hành ra bên ngoài.
“Hy vọng rằng tôi sẽ không bao giờ phải lên eBay để tìm phần cứng của Intel nữa”, Mohsen Fazlian cho biết.