Khi tham gia lĩnh vực tiền mã hóa, người dùng cần có ví để lưu trữ. Hiện nay, có 2 loại ví tiền mã hóa phổ biến là ví nóng và ví lạnh. Cả hai đều có những ưu, nhược điểm khác nhau.
Sự khác biệt chính là ví nóng được kết nối với Internet, trong khi ví lạnh thì không. Do đó, ví lạnh được xem là một lựa chọn lưu trữ an toàn hơn cho các tài sản kỹ thuật số. Tuy nhiên, người dùng cần chi khoản tiền lớn để mua phần cứng.
Ví nóng dễ sử dụng nhưng tiềm ẩn nguy cơ về bảo mật
Hot Wallet (ví nóng) là loại ví tiền số phổ biến nhất vì chúng dễ khởi tạo và sử dụng. Khi người dùng tạo tài khoản trên sàn giao dịch bất kỳ hay tải xuống ví trên di động hoặc máy tính thì đây đều là ví nóng.
Theo CoinMarketCap, ví nóng thường dành cho các nhà đầu tư giao dịch coin hàng ngày vì chúng dễ thao tác và được kết nối với Internet. Hiện có nhiều loại ví nóng trên thị trường, đơn cử như Coin98 Wallet, Trust Wallet, SafePal, Metamask và các ví được tích hợp trực tiếp trên sàn giao dịch.
Các sàn giao dịch hàng đầu thường lưu trữ phần lớn số coin của người dùng trong ví lạnh để tăng tính bảo mật. Ví nóng trên trên web hoặc thiết bị di động thường không có tính năng này.
Các loại ví nóng được nhiều nhà đầu sử dụng. |
Trả lời Zing, ông Nguyễn Thế Vinh, CEO và đồng sáng lập Coin98 Finance cho biết ưu điểm của ví nóng là miễn phí, người dùng không cần trả bất cứ khoản tiền nào để khởi tạo.
“Ví nóng hoàn toàn miễn phí. Đồng thời, người dùng có thể dễ tương tác với tài sản số khi sử dụng ví nóng”, ông Vinh cho biết.
Vì được kết nối với Internet, việc sử dụng ví nóng khá tiện lợi. Người dùng có thể kết nối trực tiếp với các sàn phi tập trung, DApps để tham gia stake, swap token… Đồng thời, với ví multichain (đa chuỗi), nhà đầu tư có thể lưu trữ bất kỳ loại coin hay token nào trên các blockchain tương ứng.
Ngược lại, nhược điểm của các loại ví nóng thường xoay quanh vấn đề bảo mật. Theo CoinMarketCap, việc lưu trữ tiền số trên ví nóng tiềm ẩn rủi ro bị tin tặc tấn công và chiếm đoạt tài sản.
Gần đây, trong các hội nhóm đầu tư tiền số xuất hiện nhiều trường hợp bị mất tài sản do kết nối ví vào các trang giả mạo sàn giao dịch, dự án để trao đổi coin. Kẻ gian thường tạo lập các trang này để thu thập khóa bảo mật ví (passphrase).
Vì vậy, người dùng cần kiểm tra kỹ website và các thông tin có liên quan trước khi thực hiện một giao dịch bất kỳ để tránh trở thành nạn nhân của trò lừa đảo. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần bảo mật mã khóa ở nơi an toàn, tốt nhất là tách rời Internet.
Ví lạnh an toàn nhưng tốn kém
Theo CoinMarketCap, ví lạnh được xem là giải pháp lưu trữ tiền số an toàn vì chúng được tách rời khỏi Internet. Người dùng chỉ kết nối ví với mạng khi cần giao dịch.
Ví giấy và ví phần cứng đều được xếp vào nhóm ví lạnh. Tuy nhiên, ví phần cứng phổ biến hơn vì có phần mềm riêng biệt và đi kèm với dịch vụ hỗ trợ khách hàng do nhà sản xuất cung cấp.
Ví phần cứng là một phương tiện vật lý, có hình dạng tương tự một chiếc USB. Để lưu trữ tiền số trong ví phần cứng, người dùng cần chuyển tài sản từ ví nóng sang ví phần cứng thông qua địa chỉ tương ứng.
Ví phần cứng có hình dạng như một USB. Ảnh: CryptoAst. |
Ngược lại, khi muốn gửi hay giao dịch, người dùng cần kết nối ví với Internet thông qua phần mềm chuyên dụng và xác nhận giao dịch bằng mã khóa cá nhân.
Ví giấy hoạt động tương tự ví phần cứng. Tuy nhiên, đây chỉ là một mảnh giấy có chứa địa chỉ ví công khai và khóa cá nhân. Do đó, khi sử dụng loại ví này, người dùng cần cất giữ ở nơi an toàn, tránh bị trộm.
Trả lời Zing, ông Nguyễn Thế Vinh cho biết nhược điểm ví lạnh là hỗ trợ giới hạn loại token và có giá cao.
"Ví lạnh có giá khá cao và cách sử dụng phức tạp. Tuy nhiên, người dùng không phải tương tác trực tiếp với mã bảo mật của ví nên an toàn hơn", ông Vinh nói.
Hiện có nhiều loại ví phần cứng được rao bán trên thị trường, giá dao động khoảng 1,6 - 4 triệu đồng. Ledger Nano X, Trazor Model T, CoolWallet Pro, KeepKey là những mẫu ví lạnh được đánh giá tốt nhất năm 2021.