Với kích thước tương đương ba sân bóng đá, Le Freeport có bốn khoang chứa vàng, không gian chứa 750.000 chai rượu và khoang hạ cánh sân bay được thiết kế cho xe bọc thép.
Tòa nhà bốn tầng được thiết kế trông giống như một hộp trang sức, với hàng rào dây thép gai và cổng kim loại bảo đảm sự kín đáo cho không gian bên trong.
Nội thất được cho là sang trọng, với các phòng cao cấp dành cho các khách hàng giàu có chiêm ngưỡng kho báu của họ giữa những bức tường dày.
Le Freeport được thiết kế trông giống như một hộp trang sức. Ảnh: CDCL. |
Theo Guardian, điểm thu hút các khách hàng siêu giàu là họ không phải trả thuế nhập khẩu, thuế VAT hoặc thuế trên thặng dư vốn đối với bất cứ thứ gì được lưu trữ hoặc bán ở kho.
Các nhà quảng bá nói rằng khách hàng được hưởng lợi từ phí bảo hiểm thấp hơn và dễ dàng truy cập vào đường băng sân bay.
Việc khai trương Le Freeport vào năm 2014 để tập trung tài sản an toàn hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính không được hoan nghênh ở Luxembourg.
Nghi ngờ nổi lên vào năm 2015 khi doanh nhân người Thụy Sĩ và cổ đông lớn ở Le Freeport, Yves Bouvier, bị bắt vì tội lừa gạt khách hàng bằng cách xuyên tạc giá trị của tác phẩm nghệ thuật.
Để đối phó với sự giận dữ, chính phủ Luxembourg đã siết chặt các biện pháp chống rửa tiền. Kể từ năm 2015, ba công ty hậu cần được cấp phép làm việc tại Le Freeport đã có nghĩa vụ lưu giữ hồ sơ của chủ sở hữu tài sản được lưu trữ trong kho. Nhân viên hải quan Luxembourg kiểm tra mọi thứ đi qua cửa.
Le Freeport ở Luxembourg là kho chứa các tác phẩm nghệ thuật, rượu vang và xe hơi cổ điển dành cho giới siêu giàu. Ảnh: Guardian. |
Nghị viện châu Âu cho rằng Le Freeport vẫn chứa đựng nguy cơ rửa tiền. Ana Gomes, cựu thành viên ủy ban đặc biệt của nghị viện, đã đến thăm Le Freeport vào tháng 2/2018 nhưng vẫn không bị thuyết phục bởi các biện pháp kiểm soát của nó.
Bà Gomes cho rằng cảnh sát và cơ quan thuế của Luxembourg không có quyền truy cập đầy đủ vào dữ liệu được thu thập bởi các công ty hậu cần làm việc tại Le Freeport. "Đây là một kế hoạch lớn để trốn thuế, để tránh các biện pháp kiểm soát rửa tiền", bà cáo buộc.
Sự ra đời bất ngờ của các quy tắc chống rửa tiền đã đưa Le Freeport vào thế "bất lợi cạnh tranh", một nhà điều hành hậu cần Freeport nói với nghị viện châu Âu.
"Các khách hàng thích sự riêng tư và do đó không muốn cung cấp dữ liệu của họ. Tương tự như vậy với các thương nhân và nhà buôn", nhà điều hành cảng nói và cho biết các quy tắc cứng rắn hơn của Luxembourg đã khiến họ mất hơn 30 khách hàng.
Có hàng chục cảng tự do trong Liên minh châu Âu (EU) nhưng tất cả đều phải tuân thủ luật pháp EU, bao gồm cả việc cập nhật các quy tắc chống rửa tiền có hiệu lực vào năm 2020, buộc các cảng tự do phải thực hiện hoạt động thẩm tra đối với khách hàng.