Bên trên tàu sân bay hạt nhân duy nhất của châu Âu
Chủ nhật, 18/11/2018 14:50 (GMT+7)
14:50 18/11/2018
Hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle của Pháp có thể mang theo 40 máy bay các loại cùng 2 máy phóng hơi nước đem lại khả năng tác chiến vượt trội.
Hải quân Pháp là lực lượng duy nhất trên thế giới ngoài Hải quân Mỹ sở hữu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle (R91) hiện là kỳ hạm của Hải quân Pháp. Con tàu vừa trở lại hoạt động sau thời gian nâng cấp lớn giữa chu kỳ hoạt động.
Charles de Gaulle được hạ thủy vào năm 1994. Nó thực hiện chuyến đi biển đầu tiên vào năm 2001. Tàu có chiều dài 261 m, chiều rộng lớn nhất 64 m, mớn nước 9,4 m, lượng choán nước toàn tải 42.500 tấn, chỉ bằng một nửa so với tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ.
Tàu được trang bị 2 máy phóng hơi nước cho phép triển khai hoạt động máy bay cánh cố định tải trọng lớn. Tiêm kích trên hạm chủ lực của tàu là Rafale M, phiên bản được tối ưu hóa để hoạt động trên tàu chiến từ tiêm kích Rafale của Không quân Pháp.
Hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle có thể mang theo 40 máy bay các loại, gồm tiêm kích Rafale M, máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm E-2C Hawkeye, trực thăng SA365 Dauphin, EC725 Caracal và AS532 Cougar.
Tàu được vận hành bởi thủy thủ đoàn 1.950 người, gồm 600 nhân viên hàng không và 1.350 thủy thủ và sĩ quan. Thủy thủ đoàn trên tàu được đào tạo bài bản, đảm bảo cho cỗ máy chiến tranh chủ lực của Pháp luôn được vận hành trơn tru.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) cùng Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly và tướng Francois Lecointre, Tư lệnh quân đội Pháp, trên đài chỉ huy của tàu sân bay Charles de Gaulle. Pháp đang lên kế hoạch đóng mới thêm một tàu sân bay hạt nhân vào năm 2020.
Charles de Gaulle có lịch sử hoạt động khá ấn tượng và nó là một trong những tàu sân bay tham chiến nhiều nhất trên thế giới. Năm 2001, tàu lần đầu tham chiến trong Chiến dịch Tự do bền vững do Mỹ dẫn đầu chống lại Taliban. Trong đợt triển khai đầu tiên này, con tàu đã thực hiện 770 phi vụ chiến đấu.
Năm 2011, R91 được triển khai đến Địa Trung Hải để thực hiện thiết lập vùng cấm bay ở Libya theo nghị quyết của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc. Các máy bay chiến đấu trên tàu đã thực hiện 1.350 phi vụ chiến đấu trên bầu trời Libya.
Năm 2015, Charles de Gaulle được triển khai đến Vịnh Ba Tư để hỗ trợ chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Trung Đông. Trong thời gian triển khai kéo dài 2 tháng, mỗi ngày tàu thực hiện khoảng 10-15 phi vụ trinh sát và chiến đấu.
Tàu được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân Areva K15, công suất 150 MW mỗi lò, cung cấp năng lượng cho 2 tuabin hơi nước, tốc độ tối đa 27 hải lý/giờ, phạm vi hoạt động chỉ giới hạn bởi nhu yếu phẩm cho thủy thủ đoàn.
Rafale với thiết kế cánh tam giác độc đáo đem lại khả năng linh hoạt cao cùng hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, đưa nó trở thành một trong những tiêm kích hàng đầu thế giới.
Ông Trump hôm 22/12 tiết lộ “bản xem trước” về nhiệm kỳ thứ 2 thông qua bài phát biểu dài 90 phút, chủ yếu nhắc tới vấn đề nhập cư, biên giới, chủ nghĩa thức tỉnh và kênh đào Panama.