Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bên Campuchia, nhà tôi nằm ngay tâm dịch'

Dù quen cảnh không về quê ăn Tết cổ truyền, chưa bao giờ Pich Visal và Thun Senghong phải trải qua những ngày Tết bồn chồn như năm nay, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Campuchia.

Từ khi dịch bệnh ở Campuchia bùng phát, Pich Visal, sinh viên người Campuchia đang học tập tại Đại học Nông Lâm (TP.HCM), ngày nào cũng gọi điện về nhà. Visal theo dõi tin tức thường xuyên trên cả mạng xã hội lẫn báo đài địa phương.

“Nhà tôi ở ngay khu vực bùng dịch nghiêm trọng nhất: thủ đô Phnom Penh”, Visal nói với Zing.

Visal cho biết đã 3,4 năm anh không về nhà ăn Tết Chol Chnam Thmay, vì Tết truyền thống thường rơi vào giữa học kỳ. Dẫu vậy, những năm trước, anh cũng không quá buồn rầu vì biết gia đình và người thân của mình ở quê hương vẫn bình an đón năm mới.

Tết Chol Chnam Thmay năm nay, tâm trạng của Visal không thôi bồn chồn. Anh lo lắng theo từng bản tin trên báo, dù gia đình đã xác nhận nhiều lần rằng họ không sao.

sinh vien Campuchia o Viet Nam anh 1

Người dân không được phép ra, vào Phnom Penh trong thời gian phong tỏa. Ảnh: Reuters.

"Mọi người không đồng lòng, dịch sẽ càng lây lan"

“Qua báo chí và mạng xã hội, tôi thấy có nhiều người vẫn còn tụ tập tiệc tùng, hoặc tìm cách ra ngoài. Để khắc phục tình trạng, công an Campuchia thường xuyên tuần tra, đôi khi họ còn đánh đuổi người dân về nhà. Nghe vậy tôi đau lòng lắm”, Visal kể.

“Chính phủ Campuchia có phân phát lương thực để hỗ trợ người dân tại các khu vực phong tỏa, đặc biệt là cho người nghèo và công nhân. Thế nhưng, nhiều người lại từ chối, đề xuất chính phủ phát tiền thay vì phát lương thực”.

Visal lo nếu mọi người cứ không đồng lòng như vậy, dịch bệnh sẽ càng nghiêm trọng hơn. "Tỷ lệ người nghèo ở Campuchia vẫn còn cao, nên mỗi lần bùng dịch, chính phủ đều rất khó kiểm soát”.

“Tôi muốn nhắn nhủ người dân Campuchia rằng mọi người hãy cố chịu đựng một chút rồi mọi chuyện sẽ qua. Giữ gìn sức khỏe mới là điều quan trọng nhất, đừng vì tiền mà khiến sức khỏe bản thân, gia đình và người thân bị tổn hại”, anh nói.

sinh vien Campuchia o Viet Nam anh 2

Đường phố Phnom Penh vắng vẻ vì phong tỏa. Ảnh: Reuters.

“Vẫn còn may mắn”

Thun Senghong, sinh viên tại Đại học Kinh tế TP.HCM, chia sẻ với Zing rằng anh cảm thấy rất lo lắng khi nghe tin dịch bệnh bùng phát ở Campuchia.

Gia đình Senghong ở tỉnh Prey Veng, cách thủ đô Phnom Penh 90 km. Tuy nhà không nằm ở vùng bị phong tỏa, việc dịch bệnh diễn biến ngày một nghiêm trọng khiến Senghong bất an cho gia đình.

Thế nhưng khi thăm hỏi bạn bè ở quê hương, tôi cảm thấy mình vẫn còn may mắn.

“Bạn bè tôi ở thủ đô Phnom Penh kể rằng họ sợ Covid-19, nhưng cũng sợ phong tỏa. Vì kinh tế không khá giả nên nếu nghỉ lâu, các bạn và gia đình sẽ không có tiền để đóng tiền nhà, tiền điện, tiền nước. Chưa kể, nhiều hàng quán tại thủ đô nâng giá bán khiến cuộc sống càng chật vật hơn”, Veng chia sẻ. “Tôi rất lấy làm tiếc cho các bạn và cũng cảm thấy gia đình mình may mắn hơn vì không phải gặp tình trạng như vậy”.

sinh vien Campuchia o Viet Nam anh 3

Nhiều người dân vẫn tìm cách ra, vào thành phố bất chấp lệnh phong tỏa. Ảnh: Reuters.

Pich Visal cũng có suy nghĩ tương tự. Tuy gặp nhiều bất lợi do phong tỏa, gia đình Visal vẫn có một khoảng đất có trồng rau sau nhà. Điều kiện kinh tế gia đình ổn định.

“Nhiều gia đình khác không có điều kiện như nhà tôi thì lại khổ, chịu nhiều gánh nặng từ đợt phong tỏa này. Thực tế là dịch bệnh cũng đã kéo dài khá lâu, và ít nhiều ảnh hưởng đến thu nhập thường ngày của mọi người. Vậy nên, khi phong tỏa như vậy, thu nhập của các gia đình này còn xuống dốc hơn nữa”, anh nói.

Cả Visal và Senghong đều nói họ có một cái Tết ấm cúng dù ở Việt Nam. Hai em kể Tổng lãnh sự quán Campuchia tại Việt Nam năm nay đã tổ chức lễ Chol Chnam Thmey rất lớn, với nhiều trò chơi dân gian truyền thống, khiến mọi người cảm nhận được hương vị quê hương.

“Con ở đây rất khỏe và rất an toàn”, Visal nhắn với gia đình.

Cảnh chợ hiu hắt những ngày phong tỏa ở Phnom Penh

Lệnh phong tỏa thủ đô Phnom Penh, Campuchia trong 2 tuần khiến chợ Phsar Doeum Kor trở nên đìu hiu, trái ngược hẳn với cảnh nhộn nhịp trong ngày thường.

Bộ trưởng Campuchia yêu cầu dừng quất roi người trốn lệnh phong tỏa

Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng nhắc nhở cảnh sát không sử dụng bạo lực hoặc ngôn từ lăng mạ người dân trong quá trình giám sát việc chấp hành các biện pháp phong tỏa.

Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm