Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bế heo - nghề độc đáo chỉ dành cho phụ nữ

Nghề bế heo thuê là nghề “độc”, lạ, có một không hai ở Việt Nam, đã tồn tại ngót 50 năm tại chợ heo Bà Rén (thuộc xã Quế Xuân 1, Quế Sơn, Quảng Nam).

Nghề này gắn với sự nhớp nhúa, nặng nhọc và không kém phần hiểm nguy dành cho những phận đàn bà nơi miền quê nghèo. 

Nghề độc đáo chỉ dành cho phụ nữ

Có dịp xuôi con đường thiên lý Bắc - Nam ghé qua ngôi chợ heo đầu mối lâu đời và lớn nhất miền Trung nằm tả ngạn dòng sông Thu Bồn hiền hòa vào sáng sớm tinh mơ sẽ lắng nghe những câu chuyện vui:  “Ai về Bà Rén ghé chợ heo/ Vui tai, bắt mắt, chuyện tầm phèo/ Heo ré, người xung vung bao chuyện/ Trưa tan buổi chợ, đã lèo nhèo”. 

Từ gần 50 năm nay, chợ Bà Rén đã nổi tiếng gần xa về cung cấp heo giống cho cả nước.

Nghề chỉ dành cho phụ nữ.
Nghề chỉ dành cho phụ nữ.

Tầm 4h sáng, khi không gian im ắng vẫn còn “ngập” trong màn sương đêm mờ ảo, người người, nhà nhà vẫn đang chìm say trong giấc ngủ, là thời điểm những phận đàn bà đã thức dậy lục đục lót dạ trước khi bắt đầu cuộc hành trình mưu sinh cho một ngày mới. Hành trang họ “đèo bòng” là một chiếc nón cời, một bộ đồ đã sờn đôi vai và một đôi dép nhựa cùng một ca nước chè xanh.

Ngôi chợ “thọ” bao nhiêu tuổi thì thâm niên làm nghề của những phụ nữ nơi đây cũng thế. Cụ Liên năm nay  sắp bước sang tuổi 75, đã có hơn 40 năm  trong nghề. Giờ cụ đã về “nghỉ hưu” để nhường lại cho con cháu, nhưng thi thoảng sáng sáng như là thói quen thường nhật, vẫn chống gậy ra chợ tìm niềm vui mới tuổi già.  

"Cụ đã gắn trọn đời với những phiên chợ heo này, giờ dẫu đã tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn còn máu nghề lắm”- cụ bộc bạch.

Cụ Liên cho biết thêm, đây là một nghề cực nhọc, vất vả và phải có sức khỏe mới làm được. Ngày trước có hẳn một đội, đa phần là phụ nữ tuổi từ 35- 45. Theo nhiều người làm nghề này, những chị em chưa đạt độ tuổi này sẽ không có độ chín chắn, vốn sống và kinh nghiệm để làm “sứ mệnh” đem may mắn đến cho gia chủ.

Chẳng có nghề nào cực nhọc hơn…

Khi những chuyến xe chở heo tập kết về chợ, các chị chạy nhanh ra khiêng từng rọ heo to đặt xuống đất. Sau đó, họ cần mẫn đưa hai tay vào rọ rồi lồng xuống bụng heo để “ẵm” vào người di chuyển sang những rọ heo to hơn để chờ giờ xuất “bến”.

 Khung cảnh vui nhộn, sầm uất của ngôi chợ heo đầu mối lớn nhất nhì Việt Nam.
Khung cảnh vui nhộn, sầm uất của ngôi chợ heo đầu mối lớn nhất nhì Việt Nam.

Công việc đòi hỏi ở những người phụ nữ phải biết chịu đựng sự dơ bẩn và có đôi tay khỏe để ôm và giữ heo cho chắc. Có nhiều rọ heo nặng đến cả hơn 1 tạ, phải có hai chị em khiêng xuống đất, rồi di chuyển một khoảng cách khá xa.

Giá cả đã định sẵn, không cần mặc cả: Heo con thì bế mỗi con từ 1.000- 2.000 đồng, còn heo lớn thì gia chủ hay lái buôn thưởng thêm một chút. Theo đó, trung bình một ngày các chị cũng kiếm được 30.000- 50.000 đồng. So với trước, hiện nay số chị em còn gắn bó với nghề khá khiêm tốn.

Ngôi chợ nay chỉ còn có khoảng 10 chị còn bám níu cái nghề nặng nhọc, vất vả này. Người lớn nhất cũng có thâm niên 40 năm, ít nhất cũng đã hơn 10 năm trong nghề. Họ đa phần là những người phụ nữ nghèo “chân lấm tay bùn” của địa phương hoặc đến từ các vùng nông thôn phụ cận như Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên. Để kiếm thêm đồng rau đồng cà, họ chấp nhận dãi nắng dầm mưa.

Như bà Mập đã có hơn 20 năm làm nghề, biết rất rõ chị em như thế nào. Chính cái nghèo, cái khổ đã đưa chị em đến với nhau và giúp chị em hiểu nhau hơn. Lỡ hôm nào có ai sức khỏe không đảm bảo thì chị em mỗi người một tay phụ nhau khuân vác giúp.

“Nói chung là chị em coi nhau như một nhà. Có ai ở vài hôm sẽ hiểu tình cảm mà họ dành cho nhau. Ngó rứa nhưng ở cái chợ ni cũng có niềm vui riêng”, bà Mập hồ hởi chia sẻ.

Sự nguy hiểm, cực nhọc của nghề này cũng có, khi làm việc mùi phân heo luôn xông vào tận mũi, trong khi đó, chị em hầu như không được trang bị những vật dụng bảo hộ lao động. Vào mùa mưa, chợ so với đường lộ ẩm thấp nên nước  dồn về, phải lội nước, phân heo trôi nổi, chị em phải cùng chung số phận giẫm đạp lên để mưu sinh.

Rồi trời nắng, mồ hôi người nhễ nhại, mùi khét của phân heo và bao nhiêu thứ hôi hám như rơm rạ, nước đái heo,…cũng phải ráng chịu và nó cứ xông thẳng vào tận mũi. Có lẽ làm riết cũng quen mùi rồi nên không sao.

 Với mỗi con heo phải bồng đi xa vài trăm mét, được trả công .
Với mỗi con heo phải bồng đi xa vài trăm mét, được trả công .

Nhìn cảnh những chị em với bộ quần áo tả tơi, lấm lem, hôi hám vì phân heo đang ráng sức bồng những chú heo con vào lòng để đứng lên đưa đến bàn cân rồi cho vào rọ mới thấy sự khó nhọc và cái giá mà họ phải đánh đổi để kiếm được đồng tiền từ lao động chân chính. Nhưng cũng chính nhờ cái nghề này mà biết bao chị em đã trụ vững, nuôi con ăn học trưởng thành và lần lượt vào đại học.

Trời bắt đầu ngả trưa cũng là thời điểm chợ heo Bà Rén thưa thớt dần, từng chuyến xe tải ra Bắc, vào Nam, chỉ còn lại những dáng người liêu xiêu nơi góc chợ ngồi gom lại trong bị quần, túi áo những đồng bạc lẻ cả  một buổi sáng lam lũ mưu sinh, rồi sau đó lại lặng lẽ trở về mái ấm của mình với bao nỗi buồn, vui lẫn lộn.

Rời chợ Bà Rén, chia tay chị em, chúng tôi càng thấy trân trọng những đồng tiền mà chính bằng “mồ hôi nước mắt” họ làm ra cả một ngày và chợt thấy chạnh lòng xót xa… về cái “nghiệp” mà họ đã trót “trao thân gửi phận”, chợt thấy trân trọng những gì mình đang có.

http://baophapluat.vn/viec-lam/nhung-nu-cuu-van-chuyen-nghe-doc-be-heo-197285.html

Theo Hà Kiều/Pháp luật Việt Nam

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm