Hà Tinh Tinh, 12 tuổi, sống tại một ngôi làng ở vùng núi tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc. Cha mẹ em ly dị từ khi em còn nhỏ và người mẹ đi làm xa nhà, mỗi năm chỉ về vào dịp Tết Nguyên Đán.
Tháng trước, sau khi nhìn thấy một người bạn gọi video cho mẹ, Tinh Tinh đã quyết định bán đi mái tóc dài của em với giá 300 nhân dân tệ (48 USD). Em muốn dùng số tiền này để mua một chiếc điện thoại thông minh có thể giúp em nhìn thấy mẹ thường xuyên hơn.
"Mẹ ở xa. Mẹ không có nhiều tiền để gọi điện thoại nên em và mẹ cũng không thể nói chuyện quá lâu", Tinh Tinh nói trong cuộc phỏng vấn của đài truyền hình Giang Tô.
"Em cũng không thể nhìn thấy khuôn mặt của mẹ. Tốt hơn là không gọi".
Cô bé phụ giúp ông bà trồng rau. Ảnh cắt từ video. |
Cô bé nói em cảm thấy ghen tị với cậu bạn hàng xóm vì mỗi lần sang chơi đều nhìn thấy cậu bé gọi video cho mẹ.
"Bạn em còn có thể chụp ảnh với mẹ cậu ấy nữa, rồi giữ chúng trong điện thoại", Tinh Tinh nói. Bức ảnh duy nhất chụp cô bé và mẹ mình cùng nhau là khi em còn là trẻ sơ sinh.
Chia sẻ về lý do bán tóc, cô bé nói tóc của mình dài đến ngang hông và có thể bán được nhiều tiền. "Đó là số tiền lớn nhất mà em có thể đóng góp cho gia đình mình".
Tinh Tinh sống với ông bà ngoại. Thu nhập của họ đến từ đàn gà và vườn rau dược liệu trên sườn đồi. Họ kiếm được khoảng 7.000 nhân dân tệ mỗi năm.
Câu chuyện của em chỉ là mảnh ghép nhỏ trong bức tranh lớn là 68 triệu trẻ em "bị bỏ lại" ở Trung Quốc. Đây là những đứa trẻ có cha mẹ đi làm xa nhà và phải sống với người thân, họ hàng, thường là ông bà lớn tuổi trong điều kiện thiếu thốn tình thương cũng như vật chất.
Cô bé đem sách vở ra ngoài học vì trong nhà thiếu sáng. Ảnh cắt từ video. |
Dù vậy, Tinh Tinh là một cô bé lạc quan và chăm chỉ. Mùa đông, khi ngôi nhà thiếu ánh sáng để đọc, viết, cô bé thường mang sách vở ra ngoài học. Khi không có bài vở, cô bé giúp đỡ ông bà chăm đàn gà và vườn rau.
"Nếu nó thực sự học giỏi và đỗ đại học nhưng tôi lại không có đủ tiền đóng học phí, tôi phải làm gì đây?", bà ngoại của bé nói. Bà cũng chia sẻ rằng bà thường ngồi khóc một mình mỗi khi nghĩ đến cảnh không có tiền cho cháu gái vào đại học.
"Tôi gạt nước mắt khi nó về nhà. Tôi không muốn thêm áp lực cho nó", bà nói.
Hồi giữa tháng 1, Tinh Tinh và bà ngoại thức dậy từ tờ mờ sáng, cuốc bộ hơn một tiếng dưới trời tuyết để đi bán gà ở chợ gần nhất. Tại đây, Tinh Tinh, vốn là cô bé nhút nhát, tỏ ra là người bán hàng nhiệt tình.
"Gà nhà cháu thực sự rất đẹp. Không mắc đâu ạ", phóng sự của đài Giang Tô ghi lại cảnh cô bé mời khách. Hôm đó, hai bà cháu bán được 2 con gà với giá 162 nhân dân tệ.
Bà ngoại thưởng cho Tinh Tinh 10 tệ. Cô bé muốn mua một đôi găng tay nhưng sau khi xem một đôi được bán với giá 5 tệ, cô bé quyết định không mua vì "quá mắc".