Một nhóm nhân quyền của trẻ em có đã yêu cầu cảnh sát Ấn Độ bắt giữ cha mẹ của một bé gái 13 tuổi sau khi họ bắt em nhịn ăn 68 ngày theo một tục lệ tôn giáo.
Bé gái có tên là Aradhana Samdhariya đã qua đời vào ngày 3/10, một ngày sau khi gia đình tổ chức đám rước ăn mừng việc kết thúc nhịn ăn ở thành phố Hyderabad, Ấn Độ. Trong lễ đó, Aradhana ngồi trên xe rước cùng với bố mẹ của mình.
Trong đơn khiếu nại, tổ chức Balala Hakkula Sangham khẳng định bố mẹ của Aradhana đã bắt cô bé tham gia vào nghi lễ tôn giáo hà khắc trong năm thứ hai liên tiếp.
Aradhana Samdhariya cùng cha mẹ trong đám rước kết thúc 68 ngày nhịn ăn. Ảnh: Express. |
Thảm kịch của cô bé 13 tuổi nhanh chóng trở thành tiêu điểm trong dư luận Ấn Độ trong những ngày qua. Vấn đề được đưa ra là việc tuân thủ hay chịu đựng những truyền thống tôn giáo của nước này liệu có dẫn đến những nguy hại đối với đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội hay không.
Họ hàng của cô bé đã lo ngại về khả năng Aradhana có thể nhịn ăn trong khoảng thời gian là 68 ngày. Cảnh sát cho biết những người này nói rằng họ từng phản đối chuyện nhịn ăn nhưng cô bé vẫn muốn tiếp tục quá trình đó.
Reuters dẫn lời Achyuta Rao, chủ tịch danh dự của nhóm nhân quyền, nói việc ép buộc đã được lên kế hoạch và là hành vi giết người tàn nhẫn. Họ yêu cầu cảnh sát bắt giữ cha mẹ của em cũng như vị thầy tu thực hiện nghi lễ đó.
Cảnh sát Hyderabad đã triệu tập cha và ông nội của Aradhana để thẩm vấn vào ngày 8/10, mở đầu cuộc điều tra đối với vụ việc này.
Các thành viên trong gia đình Aradhana công khai phủ nhận việc ép buộc em tham gia lễ nhịn ăn trong dịp lễ thiêng Chaumasa của cộng đồng theo đạo Jaina từ hồi tháng 7.
"Chúng tôi không giấu giếm bất cứ điều gì. Mọi người đều biết Aradhana đã nhịn ăn. Họ đến và chụp ảnh với con bé. Bây giờ thì một số người đang chĩa ngón tay vào chúng tôi vì để nó nhịn ăn trong 68 ngày", Manekchand Samdhariya, ông nội của cô bé, nói với kênh NDTV.
Đạo Jaina là một tôn giáo cổ xưa với giáo lý trung tâm là không bạo lực và lan tỏa tình yêu cho tất cả chúng sinh. Người theo tôn giáo này chiếm khoảng 0,4% dân số và phải tuân theo một chế độ nhịn ăn hà khắc.