Bé P.P.T nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, hơi thở sặc sụa mùi dầu hỏa, ho nhiều. Các bác sĩ Khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai cho biết, khả năng bé bị hội chứng hít viêm phổi do hóa chất.
BS Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhi được gia đình đưa vào viện hôm 7/10 trong tình trạng ho khan nhiều, thở gắng sức, thở nhanh và có dấu hiệu viêm phổi.
Người nhà bé T. cho biết, bé vừa uống nhầm dầu hỏa được để trong chai lavie để thắp đèn dầu bàn thờ.
Trường hợp khác, bé trai 3,5 tuổi (Hải Hậu, Nam Định) thấy chai C2 để ngay dưới gầm bàn uống nước liền cần lên uống. Đến khi bé nôn mửa liên tục, gần như xỉu đi, người lớn chạy đến mới phát hiện bé uống nhầm chai axit người bác mua để đổ bình ác quy. Bé được chuyển lên bệnh viện Bạch Mai. Được biết, đây là loại axit loãng đổ bình ác quy, tính ăn mòn không cao nên cháu bé không bị loét, thủng thực quản.
Bệnh nhi P.P.T uống nhầm dầu hỏa. |
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Nam, chỉ trong 2 tuần, khoa Nhi BV Bạch Mai tiếp nhận 4 trường hợp trẻ uống nhầm dầu hỏa, axít loãng do người lớn bất cẩn, để những dung dịch này trong những chai lọ nước uống bắt mắt trẻ như nước C2, trà xanh…
Các bác sĩ khuyến cáo, việc đầu tiên khi bắt gặp trẻ ngộ độc là cần phải bình tĩnh, tránh hoảng loạn để xử lý được chính xác. Bởi vì khi gặp trường hợp trên mà sơ cứu không tốt sẽ khiến người bệnh càng đau đớn hơn, không kịp thời có thể để lại di chứng hoặc nguy hiểm đến tính mạng.
Việc đầu tiên, bất kể là đã uống nhầm loại gì thì cũng phải nhanh chóng gây nôn nhằm bằng cách móc họng, sau đó cho uống nhiều nước ấm, rồi lại tiếp tục móc họng gây nôn nhằm rửa sạch dạ dày và giải độc ra khỏi cơ thể, giảm bớt tác hại hóa chất.
Đặc biệt, người dân cần bỏ thói quen để những hóa chất, dung dịch nguy hiểm như dầu hỏa, cồn, axit, thuốc trừ sâu… vào những chai lọ nước uống trên. Những dung dịch này cũng phải để xa tầm với của trẻ, cất kỹ để phòng những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra với trẻ.