Phó chủ tịch VPF Trần Mạnh Hùng đang là cái tên bị chỉ trích rất nhiều sau những ngôn từ phản cảm được sử dụng ở cuộc họp giữa VFF và VPF cách đây ít ngày. Nhưng ông Hùng có phải là người chịu hoàn toàn trách nhiệm cho chuyện này? Tại sao VPF vẫn cần cựu Chủ tịch CLB Hải Phòng? Phó ban trọng tài Dương Văn Hiền có vai trò thế nào trong đoạn băng ghi âm bị phát tán?
VPF đã đánh bạc với ông Trần Mạnh Hùng như thế nào?
Ngày 3/12/2017, cùng thời điểm với bầu Tú được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng cũng được bầu làm Phó chủ tịch HĐQT. Ở thời điểm ấy, bầu Tú thực sự không có nhiều lựa chọn cho vị trí “cánh tay phải” tại VPF.
Bầu Tú vào VPF trong bối cảnh các doanh nhân đã mất quá nhiều niềm tin và đang đồng loạt rút khỏi bóng đá. Trước đó vài tháng, bầu Đức - Phó chủ tịch VFF, và bầu Thắng - cựu Chủ tịch HĐQT VPF, đồng loạt tuyên bố rời hệ thống lãnh đạo. Trước đó nữa, bầu Trường, bầu Thụy... cũng đã rời bóng đá.
Ông Tú vào VPF với tham vọng xây dựng tổ chức này thành một cơ quan độc lập, thoát khỏi tầm ảnh hưởng của VFF. Nhưng trong danh sách 8 ứng viên Hội đồng quản trị VFF, Tổng thư ký Lê Hoài Anh và Phó tổng thư ký Đinh Thị Thu Trang đều là người của Liên đoàn, các ông Lê Nguyên Hồng, Phạm Mạnh Hùng hay Nguyễn Hồng Thanh đều cao tuổi hoặc có những vấn đề riêng. Ông Trần Mạnh Hùng, vì thế, là người hiếm hoi có tâm huyết và thời gian để gánh vác trách nhiệm ở VPF cùng bầu Tú.
Ông Trần Mạnh Hùng đang chịu nhiều chỉ trích sau cuộn băng ghi âm chứa đầy ngôn từ phản cảm. Ảnh: Phan Tùng. |
Trong một chia sẻ trước đó với báo giới, bầu Tú cũng từng nói về tình trạng thiếu hụt nhân sự ở VPF. Ông từng kể chuyện mình phải tự tay viết luật, mất cả ngày để ký đơn từ ở VPF. Tổ chức lãnh đạo bóng đá Việt Nam thiếu người nên buộc phải để ông Tú kiêm cả hai chức Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc - vốn là 2 vị trí với yêu cầu công việc hoàn toàn khác nhau.
Phân tích thế để thấy, bầu Tú và VPF không có nhiều lựa chọn và thực sự cần những người am hiểu bóng đá như ông Trần Mạnh Hùng tham gia vào bộ máy.
Đương nhiên, lựa chọn ông Hùng là một canh bạc. Bởi cựu Chủ tịch CLB Hải Phòng nổi tiếng với tính cách bốc đồng, thiếu kiềm chế, sở hữu nhiều phát ngôn gây tranh cãi. Hồi năm 2014, ông Hùng từng lên tận trụ sở Liên đoàn, to tiếng ngay giữa sảnh lớn để đòi quyền lợi sau án phạt của Văn Nam vì phạm lỗi với Hoàng Vũ Samson.
Chọn ông Hùng nghĩa là VPF chấp nhận đánh cược với cá tính ấy, chấp nhận nó có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào và mang tới nhiều tai họa.
Thực tế cho thấy, VPF dưới sự lãnh đạo của bầu Tú và ông Trần Mạnh Hùng đã mang tới những tín hiệu tích cực cho V.League 2018. Giải đấu có những nhà tài trợ tốt chỉ sau vài tháng ban quản trị mới nắm quyền, tất cả trận đấu của giải vô địch quốc gia đã được truyền trực tiếp, nhiều điểm mới trong công tác tổ chức, truyền thông được áp dụng...
“Cuộc cánh mạng” của bầu Tú ở VPF đã diễn ra thuận lợi cho tới khi đoạn băng 6 phút của ông Hùng xuất hiện.
Ông Dương Văn Hiền cũng không hiền lành
Nhưng ông Trần Mạnh Hùng có phải người duy nhất có tội trong chuyện này? Có hay không trách nhiệm từ phía Phó ban trọng tài Dương Văn Hiền?
Chia sẻ với Zing.vn sau khi cuốn băng ghi âm bị phát tán, Trưởng ban kiểm tra Nguyễn Nam Hùng cho biết: “Chúng tôi không giao hẹn hay cam kết cấm ghi âm khi vào phòng họp. Nhưng đã đi họp hòa giải thì không ai lại ghi âm như vậy. Khi xong cuộc họp, tất cả đã thống nhất với nhau rằng chúng tôi sẽ để mọi thứ lại đây, cuộc họp là nội bộ, mọi thông tin không được cung cấp cho báo chí”.
Cũng trong một chia sẻ khác với Zing.vn, ông Hiền khẳng định mình mang băng ghi âm và bật lên từ đầu để “bảo vệ bản thân”.
Nội dung cuốn băng chứa toàn các nội dung có lợi cho Phó ban trọng tài Dương Văn Hiền và bất lợi cho “đối thủ” của ông. Ảnh: Tùng Lê. |
Tức là ngay từ đầu cuộc họp, ông Hiền đã nắm được “luật chơi” nhưng vẫn cố tình vi phạm nó. Phó ban trọng tài khẳng định ông không tung băng ghi âm cho báo chí. Nhưng nếu tinh ý, công chúng sẽ nhận ra nội dung đoạn băng bị phát tán hoàn toàn có lợi cho ông Hiền. 6 phút của đoạn băng hướng sự chú ý nơi người nghe vào Phó Chủ tịch VPF Trần Mạnh Hùng. Những nội dung sai phạm của ông Hiền, những thông tin bất lợi cho Ban trọng tài đều không xuất hiện.
Nếu cuộc họp giữa VFF và VPF là một chiếc bánh mỳ thì chúng ta mới nhìn thấy một mẩu bánh nhỏ. Mẩu bánh ấy chắc chắn không phải là sự thật. Và thật tình cờ, mẩu “sự thật” ấy lại có lợi cho Ban trọng tài.
Trước cuộc họp, ông Hiền là người bị chỉ trích nhiều nhất vì các sai phạm ở Ban trọng tài. Khi cuộn băng xuất hiện, Phó ban trọng tài bỗng trở thành nạn nhân. Từ người mắc lỗi, ông giờ có quyền phán xét người khác, có quyền tỏ ra “mệt mỏi” vì những điều đã diễn ra trong phòng họp.
V.League 2018 đã đi qua được 8 vòng, không phải ông Hùng “bói cá”, chính Phó ban trọng tài Dương Văn Hiền mới đang là cái tên nhiều lần xuất hiện trên “sổ đen” nhất. Ông Hiền mắc hàng loạt sai phạm trong công tác điều hành trọng tài, không báo cáo lỗi của trọng tài Nguyễn Trọng Thư ở vòng 6.
Phó ban trọng tài Dương Văn Hiền (phải) đang là người giữ nhiệm vụ điều hành, phân công trọng tài và giám sát trận đấu, nắm thực quyền ở Ban trọng tài. Ảnh: Hiếu Lương. |
Chính ông bị VPF từ chối làm việc cùng tới hết giải. Cũng chính ông lên báo đòi Tổng giám đốc VPF phải xin lỗi mình. Cuộc họp với ông Trần Mạnh Hùng vừa qua diễn ra cũng bởi vì ông Hiền tiết lộ thông tin “VPF tìm cách can thiệp vào công tác trọng tài” với báo chí.
Phó chủ tịch VPF Trần Mạnh Hùng chắc chắn đã sai. Ở vị trí của ông, những phát biểu phản cảm sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh bóng đá Việt. Xử lý ông Hùng là điều VPF cần làm. Nhưng chúng ta cũng không thể quên ông Hiền. Bởi Ban trọng tài với ông Nguyễn Văn Mùi và thuộc cấp Dương Văn Hiền đứng đầu đang là vấn đề nhức nhối của bóng đá Việt.
Trong cuộc chiến ấy ở thượng tầng bóng đá Việt Nam, không có ai là thiên thần trong sạch.