Renaudot, một trong những giải thưởng văn học Pháp danh giá nhất, có thể thay đổi sự nghiệp của nhà văn chỉ trong một đêm. Người thắng giải ngay lập tức lọt vào danh sách tác giả bán chạy nhất, còn nhà xuất bản thì tự hào vì mình có quyền xuất bản tác phẩm ở một đất nước xem văn học là thứ không thể thiếu trong cuộc sống.
Tuy nhiên, một tác giả thắng giải Renaudot giờ đây lại được nhớ đến vì ấu dâm. Gabriel Matzneff, người có sự nghiệp được giải Renaudot vực dậy vào năm 2013, đang phải đối mặt với các cuộc điều tra của cảnh sát sau khi một phụ nữ kể lại việc quan hệ tình dục với ông khi người này chưa đủ tuổi.
Ông Gabriel Matzneff đang phải đối mặt với các cuộc điều tra vì tội ấu dâm. Ảnh: New York Times. |
Vụ việc này cũng cho thấy cách giới tinh hoa Paris từ lâu đã bảo vệ, chúc mừng và để những hành vi ấu dâm của ông Matzneff diễn ra, New York Times nhận định. Ít nhất một ban giám khảo Renaudot bầu chọn cho ông Matzneff đã biết về chuyện ấu dâm.
Chiến thắng của ông Matzneff được những người bạn quyền lực của tác giả này, các biên tập viên và nhà phê bình trong ban giám khảo giải Renaudot, tạo nên.
“Chúng tôi nghĩ ông ấy quá nghèo, ông ấy cũng ốm yếu. Giải thưởng này sẽ làm ông ấy cảm thấy tốt hơn”, Frédéric Beigbeder, người bạn thân của ông Matzneff và là giám khảo Renaudot từ năm 2011, cho biết.
Frédéric Beigbeder, một trong những tác giả bán chạy nhất ở Pháp. Ảnh: Shutterstock. |
Những vụ việc liên quan đến quấy rối tình dục nối tiếp câu chuyện của ông Matzneff đã làm chia rẽ những nhà hoạt động nữ quyền và đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của một phó thị trưởng Paris. Tuy nhiên, thế giới nhục dục của những người thống trị văn đàn Pháp vẫn không hề bị tổn hại. Điều này cho thấy sự cổ hủ và bất trị của giới tinh hoa văn học Pháp.
Cổ hủ và chống lại sự thay đổi
Renaudot là bằng chứng cho nhận định này. Ngoại trừ một giám khảo, mọi nhân vật có quyền quyết định trao giải này cho tác giả nào vào ngày 30/11 là những người từng ca tụng ông Matzneff vào năm 2013.
Việc Renaudot, giải thưởng văn học lớn thứ hai ở Pháp, có thể phủi sạch sự liên quan với vụ bê bối của ông Matzneff, cho thấy quyền lực và khả năng tránh khỏi chỉ trích của giới tinh hoa nước này.
Cho dù là trong trường học, công ty hay chính phủ, quyền lực thường chỉ nằm trong tay một nhóm nhỏ - đa số là những người đàn ông lớn tuổi da trắng. Họ tưởng thưởng những người chung chí hướng và chặn đường người đến sau.
Salon Renaudot ở nhà hàng Drouant tại Paris, nơi người thắng giải Renaudot được xướng tên. Ảnh: New York Times. |
Trong hệ thống giải thưởng văn học Pháp, các giám khảo sẽ làm ở vị trí đó trọn đời, và chính họ sẽ chọn ra thành viên mới. Vì vậy, họ thường trao giải cho bạn bè, đồng nghiệp và cả bạn tình.
Chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra ở giải văn học Anh Booker hay Pulitzer của Mỹ vì ban giám khảo đổi mới mỗi năm và giám khảo thường từ chối tham gia nếu có nguy cơ xung đột lợi ích.
Ông Beigbeder chế nhạo những yêu cầu thay đổi là ảnh hưởng đến từ Mỹ trong việc tìm kiếm sự “trong sạch và hoàn hảo”. Trên thực tế, những lời kêu gọi cải cách đang lớn dần từ bên trong nước Pháp.
Đầu năm nay, sau vụ bê bối của ông Matzneff, báo chí và người dùng mạng xã hội bình luận rằng Renaudot là hiện thân của điểm yếu trong văn học Pháp.
Jérôme Garcin, giám khảo Renaudot từ năm 2011, đã từ bỏ vị trí vào tháng 3, một động thái hiếm hoi. Ông Garcin cũng kêu gọi những giám khảo khác giải quyết “điểm bất cập” của Renaudot bằng việc chọn một phụ nữ thay thế mình.
Trong 10 giám khảo hiện tại của giải này, chỉ có một phụ nữ.
Ông Garcin cho biết ông cũng hy vọng có thể “khiến tất cả ban giám khảo từ chức và để giải thưởng xây dựng lại từ nền tảng mới”.
6 trên 9 giám khảo Renaudot đồng ý phỏng vấn với New York Times cho biết họ đang tìm một giám khảo nữ. Tuy nhiên, không ai đề cập đến kế hoạch thay đổi lớn hơn.
“Nói thật, tôi không nghĩ chúng tôi cần cải cách”, Jean-Noël Pancrazi, giám khảo Renaudot từ năm 1999, cho biết.
Điều này không khiến các nhà quan sát ngạc nhiên.
“Đất nước này rất khó chấp nhận những thay đổi về mặt tổ chức”, Françoise Nyssen, cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp và người đứng đầu nhà xuất bản Actes Sud, nói.
“Người Pháp tự bảo vệ mình trước thay đổi”, bà Nyssen cho biết.
Vị giám khảo quyền lực của Renaudot
Và không ai thể hiện được sự mâu thuẫn lợi ích của Renaudot rõ hơn Christian Giudicelli, 78 tuổi. Ông Giudicelli là giám khảo lâu năm thứ hai của giải và là một người bạn của ông Matzneff.
Nhiều năm qua, ông Giudicelli đã kêu gọi bầu chọn cho những tác phẩm của bạn bè hoặc nhà xuất bản Gallimard, nơi ông đang làm biên tập. Gallimard cũng xuất bản sáng tác bị Raphaël Sorin, nhà văn Pháp vĩ đại nhất còn sống, xem là “tầm thường” của ông Giudicelli. Quyển sách này chỉ bán được 180 bản từ năm 2019.
Trụ sở chính của nhà xuất bản Gallimard ở Paris. Gallimard xuất bản nhiều tiểu thuyết nhất ở Pháp. Ảnh: New York Times. |
Trong các tác phẩm, ông Giudicelli và Matzneff thường kể về những chuyến đi Philippines cùng nhau. Ông Matzneff viết về việc quan hệ tình dục với các bé trai, nhỏ nhất chỉ mới 8 tuổi. Trong khi đó, ông Giudicelli nói về cuộc gặp một trai mại dâm 18 tuổi ở Manila.
Ông Matzneff thường xuyên thể hiện mình nhận được sự ủng hộ của ông Giudicelli. Đầu năm nay, tác giả Matzneff kể ông Giudicelli đã bình chọn cho sáng tác của Matzneff vào năm 2006 và 2009 trong giải Renaudot.
Ông Christian Giudicelli, một trong hai giám khảo lâu năm nhất của Renaudot. Ảnh: Gallimard. |
Và đến lần thứ ba, ông Giudicelli thành công trong việc thuyết phục các giám khảo khác trao giải cho bạn mình.
Song, ông Giudicelli không chỉ mang đến giải thưởng cho mỗi tác giả Matzneff.
“Thỉnh thoảng, Christian Giudicelli sẽ nói quyển sách này do tôi biên tập. Nhưng đây là tác phẩm tốt và tôi ủng hộ nó”, Dominique Bona, người phụ nữ duy nhất trong ban giám khảo Renaudot và là thành viên Viện Hàn lâm Pháp, cho biết.
“Ông ấy rất thường nói vậy”, bà Bona nói thêm.
Năm 2017, giám khảo Giudicelli vận động quyết liệt cho tác phẩm Nos années rouges, quyển sách mà ông biên tập cho Gallimard.
Ông được sự ủng hộ của một giám khảo khác, Patrick Besson, người tình cờ thay đang có mối quan hệ yêu đương với tác giả quyển sách, Anne-Sophie Stefanini.
“Tôi muốn cô ấy có được giải thưởng. Tôi không thấy bất kỳ mâu thuẫn lợi ích nào ở đây”, ông Besson, người hiện là chồng bà Stefanini, cho biết.
Và mỗi năm, độc giả Pháp lại đổ xô đi mua tác phẩm đoạt giải.
“Tôi luôn tự nhắc mình vì sao chuyện này có thể xảy ra và đặc biệt là độc giả hoàn toàn tin vào giải thưởng”, Jean-Marie Laclavetine, biên tập viên đứng đầu tại Gallimard, cảm thán.