Bé N.D.P.U., 3 tuổi, ngụ ở Q.9, TP.HCM, nhập viện vì đau bụng dữ dội. Theo lời người nhà, trước đó bé vẫn bình thường, không có dấu hiệu gì lạ ở trường cũng như ở nhà.
Qua thăm khám và chụp X-quang bụng tầm soát, các bác sĩ phát hiện có hình ảnh của dị vật trong bụng của bé, nghi là những mảnh sắt nhỏ (do có cản quang).
Bé được mổ nội soi cấp cứu, kết quả cho thấy bé bị thủng ruột ở hồi tràng (là đoạn đầu của ruột non) do hai mảnh sắt nhỏ dính vào một cục nam châm chọc thủng. Các bác sĩ đã khâu lại lỗ thủng và làm sạch ổ bụng cho bé. Hiện bé tạm ổn định.
Bác sĩ Lê Toàn Thắng, phẫu thuật viên chính, cho biết có thể trong lúc chơi đùa bé vô tình nuốt các mảnh sắt nhỏ này. Điều đặc biệt là hai mảnh sắt này khá nhỏ, nếu may mắn cơ thể có thể tự đào thải qua phân. Nhưng cục nam châm đã hít hai mảnh sắt ở hai đầu tạo thành một thanh khá dài khiến dị vật không qua được ruột và gây thủng.
Bác sĩ cho biết thêm dị vật đường tiêu hóa ở trẻ khá thường gặp, trung bình mỗi ngày có 2-3 trường hợp đến khám tại bệnh viện vì lý do này. Dị vật có thể là viên bi, mảnh nhựa, đầu bút chì, nhẫn kim loại nhỏ...
Tùy theo tính chất của dị vật, bác sĩ có chế độ theo dõi khác nhau. Với các dị vật tròn, không sắc cạnh có thể theo dõi ngoại trú. Nhưng với các vật sắc nhọn như tăm tre, kẽm gai, đầu kim... bắt buộc phải theo dõi tại bệnh viện để đề phòng các biến chứng xảy ra sau khi dị vật qua dạ dày có thể đâm thủng ruột. Triệu chứng khởi phát thường là đau bụng ngày càng tăng, tiêu phân có máu, sốt, chán ăn. Do đó, các bậc cha mẹ nên chú ý khi bé than đau bụng, cần hỏi thăm bé có nuốt vật gì lạ không và đưa đến khám, tránh biến chứng đáng tiếc.