Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bé 3 tuổi bị 2 con chó becgie tấn công

Thời điểm vào viện, bé trai hoảng loạn, quấy khóc, vùng đầu, tay chân... có nhiều vết thương kèm theo tình trạng tiểu máu.

Ngày 1/4, các bác sĩ khoa Ngoại nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, cho biết đang điều trị cho 2 bệnh nhi bị đa chấn thương do chó cắn. Trong đó, một bé trai 3 tuổi bị chấn thương bụng, vỡ thận do bị chó becgie tấn công.

Bệnh nhi là H.M.K. (3 tuổi, trú tại Vĩnh Phúc) được gia đình đưa đến cấp cứu ngày 29/3, sau khi bị 2 con chó becgie to (khoảng 25 kg/con) của nhà hàng xóm tấn công.

Thời điểm vào viện, bé K. hoảng loạn, quấy khóc, vùng đầu, mặt, bẹn, lưng, chân có nhiều vết thương kèm theo tình trạng tiểu máu.

Trẻ ngay lập tức được sơ cứu, vệ sinh vết thương, dùng giảm đau và tiêm phòng uốn ván, dại. Kết quả siêu âm, chụp X-quang, cắt lớp vi tính cho thấy thận phải của bé K. bị vỡ làm 2 mảnh, có thoát thuốc ra khoang quanh thận.

Bác sĩ kết luận trẻ bị chấn thương thận phải độ IV theo ASST (bảng phân loại chấn thương thận của Hiệp hội Phẫu thuật Chấn thương Mỹ).

Sau 4 ngày điều trị, hiện trẻ tỉnh, không sốt, ăn được, các vết thương phần mềm còn ít dịch thấm băng chảy, bụng không chướng, ấn đau vùng mạn sườn phải, nước tiểu qua sonde trong.

tre bi cho can anh 1

Bệnh nhi 3 tuổi bị chó lớn tấn công. Ảnh: BVCC.

ThS.BS Nguyễn Đức Lân, Trưởng khoa Ngoại nhi tổng hợp, đánh giá đây là trường hợp phức tạp. Các vết thương phần mềm ngoài da không quá nặng nhưng có chấn thương bụng kín nghiêm trọng. Bệnh nhi cần được theo dõi sát sao và xử trí cấp cứu ngoại khoa nếu điều trị bảo tồn không hiệu quả.

Trước đó một tuần, cơ sở y tế này cũng tiếp nhận bệnh nhi N.Q.C. (4 tuổi, trú tại Vĩnh Phúc) bị chó nhà tấn công. Vật nuôi cắn vào vùng đầu và tay phải khi trẻ tới nhà ông nội chơi.

Khi vào viện, trẻ trầy xước nhiều vị trí trên người, trong đó có 2 vết thương rách da vùng đầu kích thước 3x2 cm, 2 vết thương vùng khuỷu và cánh tay phải kích thước 3x8 cm, chảy máu nhiều.

May mắn, sau một tuần điều trị, tình trạng trẻ ổn định, vết thương khô, trẻ ăn uống tốt và chuẩn bị được xuất viện.

Từ hai trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần sát sao, không nên cho trẻ đùa nghịch, chơi với chó, mèo, đặc biệt là chó lạ, hoặc chó, mèo có kích thước lớn.

Khi trẻ bị chó, mèo hoặc động vật hoang dại cắn hoặc gây tổn thương cần nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn, hướng dẫn điều trị.

Đồng thời, người nuôi chó mèo cũng cần tiêm phòng vaccine dại cho vật nuôi đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Người dân không được thả rông chó, vật nuôi ra đường. Nếu chó, vật nuôi được dắt ra đường, chúng phải được đeo rọ mõm, tránh để tấn công người khác.

Ăn chuẩn ít bệnh

Trong nhiều năm hành nghề y và từng giữ chức trưởng khoa dinh dưỡng của một bệnh viện lớn, tác giả Hạ Manh đã điều trị hơn 10.000 ca bệnh liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh. Cuốn sách "Ăn chuẩn ít bệnh" (tập 1) được viết ra từ những kinh nghiệm chuyên môn của vị bác sĩ này, nó sẽ mang đến cho người bệnh những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, để xây dựng chế độ ăn hợp lý.

Căn bệnh âm thầm từ các món khoái khẩu của người Việt

Nhiều bệnh ký sinh trùng rất phổ biến ở Việt Nam nhưng lại thuộc danh sách bệnh bị "lãng quên" của WHO.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm