Bình luận
Gary Neville, một huyền thoại của Man United, tin rằng công cuộc tái thiết đội nhà cần được bắt đầu dựa trên nền tảng "bóng đá thật sự", đứng trên góc nhìn của một người làm bóng đá, không phải làm thương mại.
Đó hiển nhiên là những lời Neville dành cho Phó chủ tịch Ed Woodward của "Quỷ đỏ". Những bản hợp đồng mua sắm hào nhoáng chỉ giúp CLB tăng thêm doanh thu ngoài sân cỏ, chứ không giúp ích nhiều cho đội bóng.
Sự trái ngược giữa Bayern và Man United
"Đây là một trong những CLB vĩ đại nhất thế giới, và là vinh dự to lớn khi được chơi bóng ở đây", tân binh Edinson Cavani, người đã 33 tuổi, thốt lên. Trong ngày cuối của kỳ chuyển nhượng, mũi nhọn người Uruguay được Man United chiêu mộ.
Trước đó, vào năm 2014, Radamel Falcao cũng háo hức chia sẻ: "Đây là cơ hội trăm năm có một. Bạn không thể từ chối". Khi ấy, trung phong 28 tuổi gia nhập "Quỷ đỏ" thành Manchester.
Khi ban lãnh đạo Man United mời gọi Falcao và Cavani bằng mức lương hơn 200.000 bảng/tuần, rất khó để họ từ chối. Tuy vậy, điều này khiến cấu trúc CLB bị phá vỡ.
Man United được định danh như một CLB bóng đá, không phải một cỗ máy kiếm tiền. Nhưng dưới thời giới chủ Mỹ, hình ảnh "Quỷ đỏ" bị méo mó rất nhiều.
Falcao là một trong những bản hợp đồng hớ nặng của Man United. Ảnh: Getty. |
Ngày PCT Woodward ký tấm séc chiêu mộ Falcao, ông dùng công cụ tìm kiếm Google để tìm xem tiền đạo người Colombia xếp thứ mấy trong danh sách những ngôi sao thu hút người hâm mộ trên mạng xã hội. Sau cùng, cựu sao Porto mang tới cho Man United sự thất vọng, và 20 triệu bảng bị lãng phí.
Man United đang tự tạo ra sự hỗn loạn. Họ chiêu mộ những cầu thủ mà suốt kỳ chuyển nhượng thì tất cả đều không hề nghe tới. Jadon Sancho là mục tiêu theo đuổi hàng đầu của CLB trong hè 2020. Tới ngày 5/10, "Quỷ đỏ" công bố bản hợp đồng mang tên Cavani.
Nhìn sang Bayern, nhà vô địch Champions League mùa 2019/20, người hâm mộ thấy một sự tương phản. Đại diện nước Đức chi 9 triệu bảng để mua hậu vệ phải Bouna Sarr của Marseille, và 8,1 triệu bảng cho tiền vệ trung tâm Marc Roca của Espanyol.
Sarr và Roca không phải những "ngôi sao" trên mạng xã hội. Lượng fan theo dõi họ chỉ lần lượt là 94.000 người và 16.700 người. Để so sánh, cả hai "hít khói" so với trung vệ Eric Bailly của Man United. Mà trung vệ người Bờ Biển Ngà có lượng fan trên mạng xã hội lên tới 1,2 triệu người.
Với Bayern, họ mua những cầu thủ để phục vụ cho lối chơi CLB. Còn Man United không làm điều đó. Họ dường như đang dùng những ngôi sao đắt giá để khuếch trương thương hiệu.
So với Man United, cách Bayern chi tiền rất khiêm tốn. Tuy vậy, đội bóng Đức lại bỏ xa đối thủ về đẳng cấp. Năm 2020, Bayern đứng trên đỉnh châu Âu với chức vô địch Champions League. Tại thành Manchester, "Quỷ đỏ" còn loay hoay đi tìm bản sắc.
Trong trận chung kết Champions League, Bayern đánh bại PSG với đội hình được ước tính trị giá 200 triệu bảng (theo số liệu Daily Mail). Còn đội hình xuất phát của Man United thua 1-6 trước Tottenham ngay tại Old Trafford ở vòng 4 của Premier League hôm 4/10 lên tới 456 triệu bảng.
Thậm chí, với giá trị chuyển nhượng của Paul Pogba và Harry Maguire trong đội hình cũng đủ mua cả đội Bayern. Rõ ràng Bayern đang dạy cho Man United về cách chi tiêu tiền bạc.
Đội bóng Đức không giàu hơn "Quỷ đỏ", bởi lẽ tiền bản quyền truyền hình tại Premier League vượt xa Bundesliga. Song, nhà vô địch Champions League mùa 2019/20 mua bản hợp đồng nào cũng "đắt xắt ra miếng".
Đôi lúc, người Đức tỏ ra ghen tỵ với người Anh. Họ ước phải chi các CLB đều thu về những con số hấp dẫn đến từ tiền bản quyền truyền hình. Nhưng cũng chính vì được "bơm" rất nhiều tiền, điều này khiến các đội bóng Anh, trong đó có Man United, tiêu xài "một cách điên rồ".
Jorg Jakob của tạp chí thể thao hàng đầu nước Đức Kicker nói: "Khi có số tiền lớn như vậy, bạn phải chi tiêu thôi. Người hâm mộ bóng đá Đức luôn cho rằng Premier League thật sự điên rồ. Cách những CLB xài tiền cũng điên rồ không kém".
Cấu trúc của Bayern rất vững mạnh. Ảnh: Getty. |
Tới lúc Man United trở lại là "CLB bình thường"
Người Đức, hay chính xác là Bayern, đang làm bóng đá thật sự. Còn Man United thì không. Hơn nữa, khác biệt lớn nhất giữa hai gã khổng lồ nằm ở triết lý vận hành CLB.
Thành phần nòng cốt điều hành Bayern là Hasan Salihamidzic, Uli Hoeness và Oliver Kahn, những cựu danh thủ bóng đá. Điều tương tự xuất hiện ở các CLB khác tại Bundesliga.
Borussia Dortmund có Michael Zorc. Ở Monchengladbach, Max Eberl đảm nhận vai trò điều hành. Hoffenheim được lèo léi bởi Alexander Rosen, còn Wolfsburg được chỉ hủy bởi Jorg Schmadtke.
Trong bóng đá, còn gì tuyệt vời hơn khi công tác chuyển nhượng được giao cho những người từng tung hoành trên sân cỏ. Họ am hiểu mọi thứ, từ tâm lý đến khả năng thích nghi của mục tiêu với CLB. Điều này giúp các CLB tại Đức không bị lạc hậu.
Tại Man United, Phó chủ tịch Woodward có kinh nghiệm làm việc ở PricewaterhouseCoopers, một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới. Cánh tay phải của ông Woodward là Matt Judge mạnh về kinh tế, quản lý vốn cổ phần và các khoản nợ.
Để so sánh, Man United được vận hành bởi những chuyên gia kinh tế, trong khi các cựu danh thủ điều hành Bayern. Và đây là cách Bayern và Man United xây dựng đội hình.
Đại diện nước Đức săn tìm những tài năng trẻ từ khắp nơi trên thế giới và mang họ về sân Allianz. Bayern chỉ tốn 4,5 triệu bảng để mua David Alaba từ Austria Wien, 7,65 triệu bảng cho Joshua Kimmich của VfB Stuttgart, và 18,9 triệu bảng cho Kingsley Coman từ Juventus.
Bayern và nhiều CLB khác tại Bundesliga không hề hoang phí khi bước vào thị trường chuyển nhượng. Họ chỉ mua những mảnh ghép phù hợp với định hướng phát triển đội bóng.
Một thập niên trước, sau khi Man United bị Bayern loại khỏi Champions League tại vòng tứ kết, HLV Sir Alex Ferguson phải thốt lên: "Bayern được điều hành bởi một nền tảng rất vững chắc. Họ đang đi đúng hướng". Mà Sir Alex vốn dĩ không ưa Bayern.
Năm 2020, những gì chiến lược gia người Scotland đánh giá trở thành nỗi nhức nhối với Man United. "Quỷ đỏ" thành Manchester lạc lối trên chặng đường phát triển. Bên kia eo biển Manche, tại nước Đức, Bayern vẫn vững mạnh và khiến phần còn lại phải sợ hãi.