Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bầu Thủy - ông bầu thứ 7 tháo chạy khỏi V.League

Trong lịch sử 13 năm tồn tại của V.League, có 7 ông bầu dừng cuộc chơi sau khi đã đổ ra hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào bóng đá.

Bầu Long - Bầu Tuấn (Hòa Phát Hà Nội)

Bầu Long và bầu Tuấn tuyên bố không bao giờ làm bóng đá nữa.

Bầu Long và bầu Tuấn của Hòa phát Hà Nội yêu bóng đá và bỏ tiền làm bóng đá rất bài bản. Bộ đôi này đầu tư xây dựng CLB bền vững chứ không dùng chiêu "tiền đấu tiền" theo kiểu ăn xổi. Tuy nhiên, khi mùa giải 2011 khép lại, bầu Long và bầu Tuấn quyết định rút khỏi cuộc chơi V.League sau 10 năm làm bóng đá bền bỉ, bán lại toàn bộ cơ sở vật chất và con người cho bầu Kiên.

Bầu Long và bầu Tuấn rút lui không phải vì hết tiền mà vì bức xúc với sự nhiễu nhương và mờ ám tại V.League. Sau này bầu Kiên tiết lộ: "Anh Long và anh Tuấn bỏ bóng đá là vì quá uất ức sau khi đội bóng của mình bị trọng tài "đè ngửa ra", ép phải thua khi tới làm khách của V.Hải Phòng". Trong một năm qua, đã có nhiều tin đồn bầu Long sẽ trở lại với bóng đá nhưng ông bầu này liên tục phủ nhận, thẳng thừng tuyên bố không bao giờ dính vào bóng đá Việt Nam nữa.

Bầu Thọ (Navibank Sài Gòn)

Sau 3 năm làm bóng đá, bầu Thọ quyết định rút lui.

Cuối mùa giải 2009, do không đủ tiền nuôi nên đội bóng Quân khu 4 được cấp trên quyết định chuyển giao cho tập đoàn Đầu tư Sài Gòn. Kể từ đó, CLB được mang tên mới là Navibank Sài Gòn, thuộc quyền quản lý của bầu Thọ.

Bầu Thọ quyết tâm nâng tầm đội bóng, chi rất nhiều tiền để chiêu mộ hàng loạt tên tuổi đình đám như Tài Em, Long Giang, Quang Hải.... Tuy nhiên, trớ trêu thay chỉ sau 3 năm tồn tại, trước thềm V.League 2013, cái tên Navibank Sài Gòn biến mất trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Bầu Thọ tuyên bố bỏ bóng đá bởi không thể tiếp tục nuôi "cỗ máy đốt tiền" mang tên Navibank Sài Gòn. Bầu Thọ bán đội bóng mình đã đổ hàng trăm tỷ đầu tư cho bầu Thụy của XMXT Sài Gòn, thu về vỏn vẹn 21 tỷ đồng.

Bầu Tiến Anh (K.Khánh Hòa)

Bầu Tiến Anh đột ngột bán K.Khánh Hòa khiến tất cả sốc nặng.

Sốc nhất trong việc bỏ bóng đá phải kể đến bầu Tiến Anh của K.Khánh Hòa. Đội bóng thành phố biển đá sống chết để trụ được hạng ở mùa 2012 và đã bắt tay vào chuẩn bị cho mùa giải 2013. Tuy nhiên, trước thềm mùa giải mới, bầu Tiến Anh đột ngột bán đội bóng cho V.Hải Phòng, khiến cầu thủ bị sốc nặng. Đội trưởng Lê Tấn Tài phải đau đớn thốt lên: "Tôi thấy bị sốc. Cảm giác vô cùng thất vọng. Chẳng hiểu sao đội bóng đại diện cho nền bóng đá của một địa phương lại bị bán đi dễ dàng và chóng vánh đến vậy".

Bầu Kiên (CLB bóng đá Hà Nội)

Bầu Kiên dính vòng lao lý nên phải bỏ bóng đá.

Cách đây hơn chục năm, khi bóng đá bao cấp đang thoái trào, các đội bóng trực thuộc Sở lao đao vì bài toán kinh tế, bầu Kiên đã đi tiên phong trong phong trào doanh nghiệp bắt tay vào làm bóng đá. Ông chủ ngân hàng ACB khéo léo vận dụng luật doanh nghiệp để lần đầu tiên thực hiện vụ chuyển đổi thương hiệu CLB với việc sáp nhập LG Hà Nội ACB với Hàng không Việt Nam.

Bầu Kiên cũng là người tiên phong cho phong trào mời các HLV có tầm thế giới về Việt Nam nắm quyền ở các CLB. Năm 2003, ông trùm ngành ngân hàng đã khiến tất cả phải ngỡ ngàng khi đưa Lajos Detari, một trong những cầu thủ vĩ đại nhất của bóng đá Hungary, về cầm đội bóng. Đặc biệt, bầu Kiên là người đã vạch ra ý tưởng thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), thuyết phục các ông bầu khác như bầu Thắng (ĐTLA), bầu Đức (HAGL)… cùng nỗ lực cho ra đời công ty này.

Tuy nhiên, khi VPF ra đời và hoạt động mới được 1 năm, bầu Kiên đã phải chia tay bóng đá. Ngày 20/8/2012, một ngày sau khi V.League 2012 khép lại, ông chủ của CLB bóng đá Hà Nội bị bắt vì kinh doanh trái phép. Không còn ông bầu, CLB bóng đá Hà Nội buộc phải xiu rút không dự V.League 2013, tạo điều kiện cho các cầu thủ ra đi.

Bầu Thụy - Bầu Thủy (XMXT Sài Gòn)

Anh em bầu Thụy - Thủy làm bóng đá theo kiểu ăn xổi.

Chứng kiến doanh nhân đồng hương Hoàng Mạnh Trường nổi như cồn khi đầu tư vào CLB V.Ninh Bình, Nguyễn Đức Thụy quyết định đổ tiền đầu tư môn thể thao vua để kiếm ít danh. Làm bóng đá ở Hà Tĩnh không thành, ông bầu quê Ninh Bình mang đội bóng vào TP.HCM, biến XMXT Sài Gòn thành gã trọc phú với hàng loạt thương vụ chuyển nhượng đình đám với Phước Tứ, Huỳnh Kesley, Đình Luật....

Tuy nhiên, chọn đúng ngày đẹp 12/12/2012, bầu Thụy tuyên bố rút lui khỏi chức danh chủ tịch CLB, nhường lại ghế nóng cho em trai Nguyễn Xuân Thủy. Nắm ghế chủ tịch CLB năm mới 24 tuổi, bầu Thủy ghi danh vào kỷ lục với tư cách là ông bầu trẻ nhất lịch sử bóng đá Việt.

Tuy nhiên, thời gian tại vị của bầu Thủy cũng ngắn kỷ lục. Chỉ 8 tháng sau khi làm chủ tịch, ông bầu sinh năm 1988 đã ký quyết định cho CLB bỏ V.League 2013 giữa chừng để rồi bị cấm hoạt động bóng đá trong 5 năm.

Lâm Thỏa

Bạn có thể quan tâm