Bầu Thắng: 'Xài tiền hoang phí thì xót lắm'
Có người nhận xét, doanh nhân Võ Quốc Thắng có tính ky bo, nhưng anh lại cho rằng, vấn đề không phải là thoải mái hay tiết kiệm, mà ở chỗ hiệu quả hay không hiệu quả. Anh bộc bạch: "Tôi chi tiền cũng không thua ai đâu. Nhưng không cần thiết thì nên tiết kiệm, dân Việt Nam mình còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn".
- Cách làm thương hiệu bằng bóng đá của Đồng Tâm có ý nghĩa như thế nào?
- Đồng Tâm có nhiều cách làm thương hiệu khác nhau. Tất nhiên, làm bóng đá cũng giúp phát triển thương hiệu doanh nghiệp, nhưng trên cả là đóng góp cho thành tích của tỉnh nhà, cho bóng đá Việt Nam. Tôi hy vọng ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia làm thương hiệu bằng cách tài trợ, đóng góp cho bóng đá nói riêng và văn hóa - thể thao Việt Nam nói chung. Đó là trách nhiệm với xã hội.
CEO không thể sử dụng kiểu quyết liệt, chặt chém như ở doanh nghiệp nước ngoài mà phải rỉ rả, tỉ tê. |
- Điều hành một đội bóng khác một doanh nghiệp như thế nào?
- Thực sự thì quản lý một đội bóng nó không khác gì một doanh nghiệp, đây đều là quản lý con người nên phương pháp thì gần như nhau. Đó là sự cương nhu tùy lúc, biết khích lệ và tạo sự gắn kết... Nói theo kiểu ông Calisto là khi nào cần làm hổ thì cứ làm hổ, khi nào cần làm mèo thì sẽ là mèo. Ông Calisto là một huấn luyện viên rất giỏi trong việc quản lý con người. Tôi học được nhiều từ ông. Trong kinh doanh thì có lúc thuận lợi, lúc khó khăn. Ở Đồng Tâm, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên rất gắn bó, đoàn kết và chia sẻ. Sự thành công nào cũng đều đến từ tập thể chứ không riêng của một cá nhân nào cả.
- Mỗi năm Đồng Tâm sử dụng bao nhiêu tiền cho marketing thương hiệu?
- Khoảng 3-5% trong tổng chi phí của doanh nghiệp, tùy theo kế hoạch kinh doanh từng ngành hàng, từng lĩnh vực hằng năm.
Doanh thu và lợi nhuận của Đồng Tâm từ 2007-2013. |
Tung sản phẩm "đánh" vào lòng tự tôn dân tộc
- Năm ngoái, Đồng Tâm tung ra sản phẩm gạch granite Hoàng Sa - Trường Sa, tại sao ông lại có ý tưởng này?
- Từ những câu chuyện thời sự về biển đảo của Việt Nam thôi. Giữa tháng 11/2011, khi báo Tuổi Trẻ phát động chương trình “Góp đá xây Trường Sa”, rồi tôi có dịp ra đón con tàu của hội doanh nhân trẻ Việt Nam từ Trường Sa trở về, nghe anh em kỹ sư kể nhiều chuyện xúc động từ ngoài đảo thì ý tưởng này xuất hiện. Tôi bàn với anh chị em ở Đồng Tâm và mọi người cùng chung tay cho ra sản phẩm này. Đến 15/3/2012 thì thị trường đã đón nhận nó rất tốt, từ mẫu mã, chất lượng đến ý nghĩa dân tộc. Sản phẩm gồm 2 loại gạch Hoàng Sa và Trường Sa, được lát cùng nhau, như 2 vùng biển đảo này luôn nối liền, không thể tách rời trong chủ quyền của đất nước. Sắp tới Đồng Tâm sẽ tiếp tục tung ra thêm 2 dòng sản phẩm liên quan tới chủ quyền biển đảo nữa là Hoàng Sa Việt Nam và Trường Sa Việt Nam.
- Nhưng rõ ràng Đồng Tâm cũng phải tính đến hiệu quả kinh doanh?
- Tất nhiên. Thực tế là dòng sản phẩm này được tiêu thụ khá tốt. Mục tiêu của Đồng Tâm đặt ra là sẽ đạt 100.000 m2 sản phẩm trong 1 năm, nhưng tính đến thời điểm này dù chưa đến 1 năm nhưng đã vượt được con số mong đợi. Chúng tôi tin rằng với 4 mẫu sản phẩm này, sản lượng sẽ đạt cả triệu m2.
- Năm 2012 vừa qua doanh thu và lợi nhuận của Đồng Tâm là như thế nào?
- Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2012 đã được đại hội cổ đông thông qua với chỉ tiêu doanh thu thuần là 1.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 10 tỷ đồng.
Doanh thu của Đồng Tâm trong lĩnh vực vật liệu xây dựng chủ yếu tới từ bán lẻ. |
Kết quả kinh doanh năm 2012, doanh thu thuần thực hiện đạt khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu mang lại từ ngành vật liệu xây dựng như gạch, ngói, sơn, cửa nhựa và cột móng bê-tông. Đối với bất động sản, do tình hình khó khăn chung của thị trường, đã làm cho doanh thu của ngành này không đạt được chỉ tiêu. Nếu như không bị ảnh hưởng từ ngành bất động sản thì lợi nhuận sau thuế của công ty đạt khoảng 36 tỷ đồng (đạt 360% kế hoạch). Như vậy, so với chỉ tiêu ngành hàng thì đạt, riêng kinh doanh bất động sản không đạt chỉ tiêu. Mà cái này ai cũng biết rồi, tình hình chung. Về cơ cấu khách hàng thì khoảng 30% doanh thu đến từ doanh nghiệp và 70% đến từ bán lẻ.
2 năm, cho thôi việc 2 CEO ngoại
- Là doanh nghiệp đầu tiên thuê CEO ngoại, nhưng 2 năm, từ 2008 đến 2010, cả hai người đều đã thôi việc tại Đồng Tâm. Nhiều người nói rằng bầu Thắng chỉ hợp với vai trò là ông chủ chứ không hợp với việc điều hành, ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Thực ra nói thì ai nói cũng nói được. Tuy nhiên đi vào công việc là không đơn giản chút nào. Ở Việt Nam kiếm CEO phù hợp văn hóa doanh nghiệp và tập quán kinh doanh của người Việt là hơi khó nên nhiều ông chủ thường kiêm luôn chức này. Tôi đã thay đổi tư tưởng và là một trong những người tiên phong trong việc thuê CEO và cả CEO ngoại. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam không như các công ty nước ngoài, nên CEO phải hiểu cả văn hóa của doanh nghiệp, không thể sử dụng kiểu quyết liệt, chặt chém như ở doanh nghiệp nước ngoài mà phải tỉ tê dùng tình mà thu thập nhân tâm. CEO cũng phải cần đắc nhân tâm chứ không chỉ là ông chủ. Một CEO giỏi phải là người biết nghĩ vì cái chung, làm được việc, mang lại hiệu quả.
- Tại Việt Nam, đâu là đối thủ cạnh tranh của Đồng Tâm?
- Đồng Tâm có rất nhiều dòng sản phẩm nên tìm ra một đối thủ thì rất khó. Ngay như sản phẩm gạch, đối thủ của Đồng Tâm cũng rất nhiều và không chỉ là các doanh nghiệp trong nước. Quan điểm của tôi, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Đồng Tâm chính là chúng tôi. Tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt nhất, mẫu mã đẹp nhất và giá cả hợp lý phù hợp túi tiền người tiêu dùng, mang lại dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước là mục tiêu Đồng Tâm luôn hướng tới. Tuy thời gian qua, tình hình thị trường nhà đất gặp nhiều khó khăn, nhưng doanh số ngành hàng vật liệu xây dựng của Đồng Tâm giảm không đáng kể. Tuy nhiên, nếu 3 năm liên tục không phát triển đồng nghĩa với không đạt yêu cầu.
Theo cách tư duy đối thủ cạnh tranh của Đồng Tâm chính là Đồng Tâm, trong thời gian qua, chúng tôi đã cho ra đời những sản phẩm mà đồng nghiệp trong và ngoài nước chưa làm được.
- Tại Việt Nam đang có xu hướng nhiều ông chủ bán doanh nghiệp của mình, ông quan niệm thế nào về việc này?
- Tùy theo loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu bán có lời thì bán thôi. Bán làm cái khác tốt hơn hoặc mua cái cũ rồi phát triển...
- Nếu Đồng Tâm được một đối tác hỏi mua, ông sẽ ứng xử như thế nào với tình huống này?
- Đồng Tâm không có nhu cầu này, Đồng Tâm xây dựng thương hiệu cho lâu dài chứ không dựng lên cho nổi rồi bán kiếm lời. Đồng Tâm là tài sản chung của tập thể cán bộ, công nhân viên, là niềm tự hào của thương hiệu Việt. Sau này, tôi lớn tuổi không còn làm nữa thì để lại cho thế hệ kế tiếp.
Nếu có đối tác muốn hợp tác, bắt tay cùng làm thì Đồng Tâm hoan nghênh, còn mua bán để đầu cơ hoặc muốn mua đứt Đồng Tâm thì câu trả lời luôn là “Không”.
- Đồng Tâm có kế hoạch gọi vốn bằng kiểu hợp tác này không?
- Gọi thì tất nhiên sẽ gọi. Hiện tại, chúng tôi đã hợp tác với rất nhiều đối tác có uy tín trên thị trường nước ngoài, triển khai những dự án tại Long An, như tập đoàn Kobelco, tập đoàn Aso (Nhật). Sắp tới, chúng tôi sẽ ký tiếp nhiều hợp đồng với các lĩnh vực khác nhau nữa. Hợp tác hay liên doanh tất nhiên đều phải trên tinh thần cùng có lợi và cùng phát triển.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư