Bầu Kiên lần thứ hai gây 'sốt' ở VFF
Hôm qua 4/11, tại Đại hội thường niên của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, "bầu" Kiên tiếp tục trở thành "tâm điểm" với bài phát biểu của mình.
>> 'Bầu' Kiên chưa ra mắt CLB vì bận xem Liverpool - MU
>> Công Vinh chính thức ký hợp đồng 3 năm với Bầu Kiên
>> CLB Bóng đá Hà Nội - tham vọng mới của 'bầu' Kiên
>> Choáng với độ giàu có của 'bầu' Kiên
Sau một ngày họp “kín”, Đại hội thường niên của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã quyết định thành lập Công ty tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ( tạm viết tắt là VPF) theo mô hình công ty cổ phần.
Bầu Kiên (trái) lại khiến VFF "thủng lưới" ở phút chót |
Ông chốt lại về hình thức hoạt động của VPF: "Luật doanh nghiệp Việt Nam chỉ quy định hai loại hình là công ty TNHH và cổ phần. Chúng tôi hiểu và bàn bạc rất kỹ trước khi lựa chọn mô hình hoạt động cho VPF. Công ty cổ phần dạng đóng với số lượng cổ đông và cổ phần hóa chính là sự lựa chọn phù hợp nhất", ông Kiên khẳng định trước tình trạng nhiễu thông tin về mô hình của VPF thời gian qua. Với bài phát biểu của bầu Kiên và sự ủng hộ của toàn bộ 24 CLB, VFF buộc lòng phải chấp nhận để VPF hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, dù trước đó những người lãnh đạo tổ chức bóng đá lớn nhất Việt Nam muốn VPF là công ty trách nhiệm hữu hạn.
Sau khi quyết định không cho phép các phóng viên được trực tiếp nghe và dự phiên thảo luận, tại buổi họp báo sau khi Đại hội thường niên của VFF kết thúc, Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn cho biết: “Công ty VPF là một tổ chức thành viên của VFF và khi hoạt động là hoạt động độc lập. VPF không phải là đơn vị trực thuộc VFF”.
Theo lộ trình, đến giữa tháng 11 sẽ xin được giấy phép thành lập VPF. Ngày 26/11, Đại hội cổ đông sẽ diễn ra tại Hà Nội. Ngày 27/11, đại hội sẽ thông qua về cơ cấu nhân sự của công ty, đảm bảo có thể kịp điều hành V-League 2012 khởi tranh cuối năm nay.
Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn (phải) trả lời họp báo sau Đại hội Ảnh: Khánh Trình |
Đại hội cổ đông sẽ bầu ra Hội đồng quản trị - dự kiến gồm 9 thành viên (mô hình tham khảo là: 3 của VFF, 4 của các CLB V-League, 1 của Hạng nhất và 1 từ các tổ chức xã hội khác). Từ đó ra quyết định bổ nhiệm giám đốc điều hành. Giám đốc điều hành có thể là người của VFF hoặc thuê bên ngoài miễn sao đủ năng lực, đáp ứng được yêu cầu đặc thù của công việc. Hiện tại, Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng là ứng cử viên sáng giá nhất cho chức Chủ tịch hội đồng quản trị VPF.
Theo chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho biết thêm: VFF đã mời nguyên thứ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng về làm cố vấn, trưởng ban an ninh của công ty VPF khi công ty ra đời và đã được ông Hưởng đồng ý.
Về tiêu chí để bầu trưởng ban trọng tài, ông Viễn cho biết. "Theo quy định của FIFA. Trưởng ban trọng tài phải là ủy viên BCH VFF; am hiểu bóng đá; có năng lực quản lý điều hành đội ngũ trọng tài và không liên quan đến bất cứ tổ chức nào cả bóng đá Việt Nam. Và ông Dương Vũ Lâm là người đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đó. Ban trọng tài không thuộc công ty VPF mà trực thuộc VFF”.
Xung quanh vấn đề bản quyền truyền hình V-League, phó chủ tịch Phạm Ngọc Viễn cho biết: "Toàn bộ tác quyền thương mại hay bản quyền truyền hình đều sẽ được chuyển hết trách nhiệm sang công ty này điều hành tổ chức, bởi công ty là tổ chức kế thừa hoạt động từ VFF".
Điểm khác nhau giữa công ty TNHH và công ty cổ phần Công ty cổ phần thực chất là dạng lớn hơn của công ty trách nhiệm hữu hạn. Chính vì quy mô lớn hơn nên công ty cổ phần có thể huy động được nhiều nguồn vốn hơn. Giá của mỗi cổ tức ở công ty TNHH chỉ có những cổ đông mới biết, còn giá của cổ tức ở công ty cổ phần sẽ được niêm yết trên sàn, để công chúng biết. Theo quy định của Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, Công ty TNHH và Công ty cổ phần có những khác biệt cơ bản sau: 1. Vốn: Vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; còn vốn của các thành viên của công ty TNHH không được chia thành từng phần mà tính theo tỷ lệ phần trăm vốn góp của các thành viên. 2. Quyền phát hành cổ phiếu: Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phiểu còn công ty TNHH không có quyền này. 3. Cơ cấu tổ chức: Công ty Cổ phần được tổ chức theo một mô hình duy nhất đó là: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc (Tổng giám đốc) còn Công ty TNHH có thể được tổ chức dưới hình thức CT TNHH 1 thành viên hoặc CT TNHH có từ 2 thành viên trở lên. Tuỳ thuộc vào mỗi loại hình mà cơ cấu tổ chức của công ty TNHH được tổ chức theo cơ cấu nhất định. 4. Số thành viên: Công ty TNHH 1 thành viên chỉ có một chủ sở hữu duy nhất là một tổ chức.Còn số thành viên Công ty TNHH 2 thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50. Cổ đông của công ty cổ phần có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa. Có 1 điểm khác biệt rất quan trọng đó là tính chịu trách nhiệm trước pháp luật của chủ sở hữu công ty hay còn gọi là các cổ đông. Nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn, ngay cái tên cũng đã nói lên phần nào, doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm với phần vốn đã đăng ký, không chịu trách nhiệm thêm. Nếu là công ty cổ phần, mục đích của loại hình công ty này là vốn hóa thị trường, tính chịu trách nhiệm cũng cao. |
Theo Lao động