Bầu Đức và những ứng viên tiếp quản vị trí phó chủ tịch VFF
Thứ ba, 25/6/2019 11:08 (GMT+7)
11:08 25/6/2019
Sau khi VFF đồng ý cho ông Cấn Văn Nghĩa từ chức, vị trí phó chủ tịch phụ trách tài chính tài trợ của VFF đang bỏ trống.
Sau hơn 6 tháng giữ chức Phó chủ tịch phụ trách tài chính tài trợ, ông Cấn Văn Nghĩa đã xin từ chức vào ngày 25/6. Theo một lãnh đạo VFF, trong thời gian đương nhiệm, ông Nghĩa chưa trực tiếp mang lại hợp đồng tài trợ nào cho đơn vị này. Ảnh: Thế Anh.
Khi bộ máy lãnh đạo của VFF đang khuyết một vị trí quan trọng, nhiều ứng viên nổi lên có thể thay thế ông Nghĩa đảm nhận nhiệm vụ này. Ông Lê Văn Thành (sinh năm 1959), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Động lực được nhắc đến đầu tiên khi là ứng viên có số phiếu cao thứ hai chỉ sau ông Cấn Văn Nghĩa cho vị trí phó chủ tịch tại Đại hội VFF khóa VIII diễn ra vào tháng 12/2018 vừa qua. Ảnh: VFF.
Ông Trần Anh Tú (sinh năm 1963), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, hiện giữ chức Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP.HCM. Ông Tú có nhiều đóng góp đặc biệt cho futsal và bóng đá nữ Việt Nam. Chính doanh nhân sinh năm 1963 này là người đứng sau tấm vé World Cup lịch sử của futsal Việt Nam, đồng thời giúp bóng đá TP.HCM phát triển lại mạnh mẽ trong vài năm qua. Ảnh: VFF.
Ông Đoàn Nguyên Đức (sinh năm 1962), Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai, từng giữ chức Phó chủ tịch VFF ở nhiệm kỳ VII. Bầu Đức có đóng góp lớn lao cho nền bóng đá Việt Nam khi tham gia mời HLV Park Hang-seo về dẫn dắt đội tuyển Việt Nam từ tháng 10/2017. Doanh nhân gốc Bình Định chính là người trả lương cho nhà cầm quân người Hàn Quốc trong suốt thời gian vừa qua dù không còn giữ chức vụ trong VFF. Ảnh: Nguyễn Đăng.
Ông Trần Văn Liêng (sinh năm 1968), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinacacao. Ông Liêng từng được Phó chủ tịch VFF Cao Văn Chóng giới thiệu vào chiếc ghế Phó chủ tịch tài chính VFF khóa VIII. Dù chưa có kinh nghiệm trong bóng đá, ông Liêng vẫn tự tin mang tới luồng gió mới cho VFF vì tình yêu với bóng đá và đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Vinacao.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Berjaya Việt Nam, là chủ sở hữu CLB Sarajevo vừa vô địch giải quốc nội Bosnia & Herzegovina. Năm 2018, ông từng tranh cử vào vị trí Phó chủ tịch VFF nhưng không thành công dù từng tuyên bố có thể mang đến khoản tài trợ cao hơn 30% mức cao nhất của VFF năm 2017. Ông Nam từng chia sẻ hoài bão của mình muốn đưa bóng đá Việt Nam bước ra thế giới. Ảnh: VFF.
Đoàn Nguyên Đức có biệt danh là Bầu Đức, sinh ra tại xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông là Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai kinh doanh lĩnh vực khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc và bóng đá. Bầu Đức nổi tiếng là người đam mê bóng đá, từ năm 2001, ông bỏ ra mỗi năm hơn 10 tỷ đồng đầu tư cho bóng đá. Ông là người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2008. Năm 2011, ông được Wall Street Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á.
Bạn có biết: Đoàn Nguyên Đức là người Việt Nam đầu tiên có máy bay riêng (2008). Ông đã mời đại tá anh hùng không quân về hưu Nguyễn Thành Trung về lái máy bay cho mình.
Cầu thủ Kim Loan của đội nữ TP.HCM 1 được trọng tài chính sơ cứu kịp thời khi đang trong tình trạng cắn lưỡi, sau pha va chạm tại giải vô địch quốc gia nữ 2019.