Bầu Đức với nhiệt huyết và cá tính của mình khi làm bóng đá đã vận đúng vào câu “lắm kẻ yêu, nhiều người ghét”. Số đông ủng hộ đám trẻ HAGL mà ông nuôi nấng, vun đắp và “chống lưng” cho chúng đi chinh phục SEA Games 29. Tuy nhiên, cũng có một lực lượng tương tự thế luôn dè bỉu, chê bai và coi sự hiện diện của Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… như một điều gì đó bất công.
U22 Việt Nam không thể vượt qua vòng bảng sau thất bại trước Thái Lan. Ảnh: Tiến Tuấn. |
“Sau khi trở về Việt Nam từ chuyến công tác ở nước ngoài, tôi sẽ xin thôi vai trò Phó chủ tịch VFF. Tôi giữ đúng lời hứa rằng U22 Việt Nam không đoạt được HCV SEA Games kỳ này thì tôi xin rút, nhường chỗ cho người khác", bầu Đức nói.
Dĩ nhiên, cách chăm chút và có thể nói là “lũng đoạn” các đội tuyển Việt Nam thời kỳ hậu Miura của ông Đoàn Nguyên Đức cũng khiến nhiều góc nhìn khác không khỏi chạnh lòng lẫn tị hiềm. Công bằng mà xét, với trình độ của mình, lứa cầu thủ HAGL xứng đáng được lựa chọn làm nòng cốt cho cả tuyển lớn lẫn U22.
Chỉ có điều, trình độ ấy mới chỉ nhỉnh hơn mặt bằng chung cầu thủ nội đang chơi hạng Nhất và V.League, chứ chưa đủ đẳng cấp để so bì với Thái Lan, nói gì đến vươn ra tầm châu lục, vì vậy mới dẫn đến một kỳ SEA Games mơ cao ngã đau và giữa đường đứt gánh.
Dám chắc rằng không ít kẻ chỉ chờ đến ngày này để mỉa mai bầu Đức. Vì ông và những câu nói gây sốc của ông vốn dĩ đã không hợp mắt, hợp tai. Thói đời không ưa thì dưa có giòi, một phút cao hứng cũng được “ghi tạc” cẩn thận và đay đi đay lại nhiều lần, như một đòi hỏi, như một sức ép, và như một thử thách mang ra để chơi khăm.
Người ta ghét ông Đức và đám cầu thủ từ “lò” của ông ra, ghét lây sang cả HLV Hữu Thắng. Có những luồng dư luận cho rằng Hữu Thắng khôn ngoan giữ ghế cho mình bằng cách thoả hiệp đưa quân Gia Lai ồ ạt vào tuyển, và cách dụng binh cũng nương theo thái độ của ông Phó Chủ tịch VFF họ Đoàn.
Sự thực là bầu Đức và Hữu Thắng vốn không cùng quan điểm làm bóng đá. Một người như nghệ sĩ, bay bổng, cống hiến, đẹp là trên hết. Một người tựa tiều phu, thực dụng, chắc chắn, và trước tiên phải không thua. Nhưng họ dung hoà với nhau, tất cả vì cái đích SEA Games.
Cái đích ấy không đạt tới đương nhiên có trách nhiệm của bầu Đức và Hữu Thắng. Hữu Thắng đã nói lời từ chức trong cuộc họp báo ngay sau trận thua Thái Lan, còn bầu Đức, hẳn là ông cũng chẳng thiết tha gì với cái danh hão Phó Chủ tịch VFF.
Nhưng sẽ không công bằng nếu đổ hết lỗi lầm lên đầu họ. U22 Việt Nam “hỏng” vì vô số cơ hội bị bỏ lỡ trong trận gặp U22 Indonesia, vì quả phạt đền lên trời của Công Phượng, vì hai sai sót sơ đẳng của Minh Long… Và làm một phép cộng tất cả những cái “vì” éo le ấy, đáp số là một Hữu Thắng kém tài, một bầu Đức “nổ”.
Nhiều kẻ sẽ hả hê khi bầu Đức thua trắng canh bạc mà ông đã đánh cược bằng cả niềm tin và lòng kiêu hãnh. Họ sẽ cười vào nỗi thất vọng và đau đớn của ông, giống như một người cha gồng mình nuôi con ăn học nhưng… thi trượt.
Bầu Đức ăn mừng khi U19 HAGL lên ngôi vô địch giải U21 quốc tế năm 2014. Sau đó, ông cho chuyên cơ chở cúp cùng Tuấn Anh, Công Phượng... về phố núi. Nếu những hình ảnh này "biến mất", sẽ là bi kịch cho bóng đá Việt Nam? Ảnh: Tùng Lê. |
Tuy nhiên, đấy là một sự hả hê ác ý và suy cho cùng, chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cho bóng đá nước nhà. Một người “nổ” như ông Đức chẳng phải đã cho chúng ta một dàn cầu thủ chất lượng có thể sử dụng tốt trong nhiều năm tới, chỉ là thua keo này thì bày keo khác mà thôi?
“Nổ”, đôi khi chưa phải là bi kịch. Chừng nào không còn ai “nổ” nữa, nghĩa là tình yêu và đam mê nguội lạnh, ơ hờ, chừng đó mới là thảm hoạ của trái bóng lăn trên vùng trũng.