Xuất phát là một doanh nghiệp tư nhân sản xuất đồ gỗ, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) bắt đầu đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh từ năm 2002 với mảng cao su, tài chính, bóng đá và đặc biệt là bất động sản.
Không chỉ là trụ cột kinh doanh của HAGL trong gần 10 năm liên tiếp, chính bất động sản đã giúp HAGL trở thành tập đoàn kinh tế có tốc độ phát triển tài sản nhanh nhất Việt Nam năm 2010, và nhanh thứ hai năm 2011, giá trị xấp xỉ 1,5 tỷ USD.
Cùng với đó là hàng tỷ USD đầu tư vào các nước trong khu vực Đông Nam Á như 1 tỷ USD vào Lào, hàng trăm triệu USD vào Myanmar, 100 triệu USD vào Campuchia, và hàng chục triệu USD vào Thái Lan.
Trụ cột bất động sản
Trong gần 20 năm, bất động sản là mảng kinh doanh chủ lực đóng góp phần lớn doanh thu và lợi nhuận cho HAGL của bầu Đức.
Một trong những dự án lớn đầu tiên được HAGL triển khai là khu căn hộ cao cấp Hoàng Anh Đầm Sinh Thái tại TP Quy Nhơn (Bình Định) năm 2006 và hoàn thành 2 năm sau đó.
Cũng trong giai đoạn 2006-2008, HAGL liên tiếp khởi công các dự án căn hộ trung và cao cấp lớn như Căn hộ cao cấp & TTTM Hoàng Anh - Hoàng Văn Thụ (TP Pleiku); Khu căn hộ cao cấp New Saigon (TP.HCM); Khu căn hộ cao cấp & TTTM DV Golden House (TP.HCM); hay Khu căn hộ & TTTM Tây Nguyên Plaza (TP Cần Thơ)…
Kể từ khi công bố báo cáo tài chính (2006), hoạt động bán căn hộ đã là nguồn thu lớn nhất của HAGL. Suốt giai đoạn 2006-2012, mảng kinh doanh này đã mang về cho tập đoàn trên 13.000 tỷ doanh thu và gần 6.000 tỷ đồng lãi gộp, nhiều hơn bất kỳ mảng kinh doanh nào mà tập đoàn này từng tham gia.
Đây cũng là giai đoạn "hoàng kim" trong mảng kinh doanh bất động sản của HAGL.
Nếu như năm 2006, tập đoàn này mới chỉ thu về 300 tỷ doanh thu từ bán căn hộ và 70 tỷ đồng lãi gộp, thì đến năm 2007, doanh thu này đã tăng lên 771 tỷ đồng, đóng góp 49% vào tổng doanh thu của cả tập đoàn.
Doanh thu bất động sản của HAGL chính thức cán mốc nghìn tỷ từ năm 2008, và lên cao nhất vào năm 2009 với 3.374 tỷ doanh thu, mang về 1.393 tỷ lãi gộp.
Giữa khó khăn, bất động sản vẫn là "cứu cánh"
Tuy nhiên, trước sự suy thoái và đóng băng của thị trường bất động sản giai đoạn 2011-2013, HAGL đã phải lựa chọn hướng đi khác để thay thế cho mảng kinh doanh chủ lực này.
Năm 2013, lần đầu tiên, bất động sản không còn là trụ cột kinh doanh của HAGL khi chỉ mang về vỏn vẹn 247 tỷ đồng doanh thu, giảm hơn 10 lần so với năm trước đó. Cũng chính vì sự sụt giảm này mà tổng doanh thu năm 2013 của HAGL đã giảm gần một nửa so với năm trước đó, chỉ đạt 2.771 tỷ đồng.
Không còn bất động sản, HAGL chuyển hướng sang trồng bắp, mía đường, rồi chăn nuôi bò... Điều này khiến tập đoàn phải đẩy mạnh việc vay nợ ngân hàng, trong khi các mảng kinh doanh mới bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố thị trường khiến tình hình tài chính của HAGL gặp rất nhiều khó khăn.
Có thời điểm, tổng nợ phải trả của HAGL lên tới trên 33.000 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng tài sản, và gần một nửa số này là nợ ngắn hạn, cao hơn rất nhiều giá trị tài sản ngắn hạn mà tập đoàn sở hữu.
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Đăng. |
Trong hoàn cảnh khó khăn nhất, bất động sản vẫn là "cứu cánh" với HAGL. Khi không còn đóng góp doanh thu đáng kể, bất động sản lại giúp HAGL giải quyết bài toán “áp lực thanh khoản” thông qua việc chuyển nhượng 51% vốn tại dự án HAGL Myanmar, với số tiền 4.000 tỷ đồng.
Chính thương vụ bán vốn này đã giúp HAGL cân đối các khoản nợ đến hạn trong năm 2017-2018 vừa qua.
Báo cáo thường niên 2018 của HAGL công bố mới đây đã cho biết tập đoàn đang có kế hoạch thoái toàn bộ vốn còn lại tại dự án Hoàng Anh Myanmar Center. Nếu kế hoạch này hoàn tất, HAGL và bầu Đức sẽ chính thức rút chân ra khỏi lĩnh vực bất động sản, kết thúc gần 20 năm tham gia thị trường.
Không còn bất động sản, HAGL còn gì?
Kể từ khi mảng bất động sản thoái trào vào năm 2013, bầu Đức đã “vẽ” ra nhiều hướng đi cho HAGL. Từ việc tập trung các sản phẩm ngành mía đường (2014), chăn nuôi bò (2015-2016), và mới nhất là trái cây (2017-2018).
Tuy nhiên, chưa từng có mảng kinh doanh nào mang lại nhiều doanh thu và lợi nhuận cùng sự ổn định trong thời gian dài cho HAGL như bất động sản.
So với mảng mía đường và chăn nuôi bò kết thúc khá chóng vánh chỉ trong 1-2 năm, trái cây đang được HAGL đầu tư mạnh và nghiêm túc hơn, đặc biệt thông qua hợp tác cùng Tập đoàn Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương.
Theo đó, Thaco và HAGL đã ký kết hợp tác chiến lược thông qua việc Thaco sở hữu 35% vốn cổ phần tại Công ty nông nghiệp HAGL Agrico (công ty con của HAGL).
Thaco cũng cam kết sẽ rót xấp xỉ 1 tỷ USD để giúp HAGL Agrico và HAGL cân đối lại cơ cấu tài chính của mình. Hơn 7 tháng qua, tập đoàn của tỷ phú Dương đã ứng vốn trên 10.500 tỷ để HAGL Agrico tái cơ cấu nợ và chuyển đổi một phần diện tích cao su, cọ dầu sang trồng cây ăn trái.
Mới đây, Thaco đã thành lập Công ty cổ phần sản xuất, chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi để thực hiện đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp. Trong đó, nhiệm vụ chính là chế biến trái cây và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Thadi cũng đã ký kết đối tác chiến lược với HAGL Agrico về việc giải quyết đầu ra cho các sản phẩm trái cây của tập đoàn. Từ việc phân phối, xuất khẩu cho thị trường cao cấp, bao tiêu trái cây để chế biến, cung cấp dịch vụ kho lạnh, logistics...
Năm 2019, HAGL Agrico dự kiến sẽ xuất khẩu 300.000 tấn trái cây và tăng lên 1 triệu tấn vào năm 2021. Mảng kinh doanh này kỳ vọng sẽ mang về cho tập đoàn 250 triệu USD doanh thu năm này và đạt mốc 1 tỷ USD vào năm 2021.
Theo kế hoạch, mảng trái cây xuất khẩu cũng sẽ là mảng kinh doanh chủ đạo của HAGL thông qua HAGL Agrico trong những năm tiếp theo để xây dựng một tập đoàn nông sản lớn nhất Việt Nam.