Trong báo cáo thường niên 2018 của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) được công bố cuối tuần trước, HAGL cho biết có kế hoạch thoái phần vốn còn lại tại dự án bất động sản lớn duy nhất đang triển khai là Hoàng Anh Myanmar Center.
Tiến tới chia tay hoàn toàn bất động sản
HAGL hiện sở hữu 47,89% cổ phần trong dự án Hoàng Anh Myanmar. HAGL cho rằng chủ trương thoái vốn sẽ giúp công ty trả bớt nợ và giải quyết nhu cầu thanh khoản của tập đoàn.
Trước đó, theo thỏa thuận hợp tác với Công ty CP Ôtô Trường Hải (Thaco) vào tháng 8 năm ngoái, công ty CP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh, đơn vị thành viên của Thaco sở hữu 51% và sẽ tiếp tục nâng lên 65% tại dự án tại Myamar của HAGL, với số vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Như vậy, Đại Quang Minh sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp phát triển dự án này.
Dự án Hoàng Anh Myanmar đã mang lại doanh thu cho thuê và cung cấp dịch vụ cho HAGL tổng cộng 709 tỷ đồng tính đến tháng 9/2018.
Khu phức hợp tại Myanmar của HAGL. Ảnh: HAGL. |
Trong cả năm 2018, doanh thu bất động sản đầu tư của HAGL chỉ đạt 58 tỷ đồng và chiếm vỏn vẹn 1,1% tỷ trọng tổng doanh thu tập đoàn. HAGL cho biết đã khai thác, bán hầu hết căn hộ và chỉ phát sinh doanh thu từ một số căn hộ còn lại sẵn sàng để bán.
Hai năm liền kề 2017 và 2016, doanh thu từ bất động sản đầu tư của HAGL cũng chỉ đạt 207 tỷ đồng và 59 tỷ đồng, chiếm 3,1% và 1,2% tổng doanh thu tập đoàn.
Trong suốt 10 năm từ 2002 đến 2012, HAGL từng xác định bất động sản là ngành chủ lực trong khi chiến lược đa dạng hóa được triển khai.
Nhưng từ năm 2013, khi tập đoàn của bầu Đức tái cấu trúc kinh doanh và tài chính, đẩy mạnh đầu tư vào ngành nông nghiệp, lấy mảng cây ăn trái làm chủ lực, HAGL đã dần thoái vốn khỏi bất động sản, thủy điện, mía đường, khoáng sản.
Trước đó, HAGL đã bán đứt mảng mía đường cho tập đoàn Thành Thành Công và mảng thủy điện cho tập đoàn Bitexco.
Năm 2019, HAGL chỉ giao chỉ tiêu "khiêm tốn" cho toàn bộ các lĩnh vực khác ngoài cây ăn trái và cao su bao gồm cung cấp dịch vụ, bán căn hộ và bất động sản đầu tư với mục tiêu doanh thu 255 tỷ đồng, tương đương 5% tổng doanh thu tập đoàn.
Ngoài bất động sản, HAGL cũng chủ trương thu hẹp dần quy mô ngành chăn nuôi, tập trung ưu tiên nguồn vốn và lực lượng lao động cho mảng cây ăn trái.
Cây ăn trái được kỳ vọng chiếm tỷ trọng 85,9% trong cơ cấu doanh thu năm 2019 của HAGL. |
Bài toán khó "áp lực thanh khoản" chưa có lời giải
Trong thư gửi cổ đông, chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cho biết nền kinh tế thế giới năm 2018 có nhiều khó khăn và biến động khó lường dẫn đến nhu cầu đối với phần lớn các nguyên liệu sản xuất, trong đó có mủ cao su, vẫn ở mức thấp, giá cả chưa thể phục hồi ổn định.
Năm 2018, giá mủ cao su có tăng nhưng không nhiều. Đây là lý do HAGL chỉ khai thác ở mức vừa phải để dưỡng cây. Nếu giá tăng lên mức phù hợp, việc khai thác sẽ được đẩy mạnh.
HAGL cũng nhận định giá mủ cao su chưa có dấu hiệu phục hồi vững chắc trong năm 2019 và tập đoàn sẽ không đẩy mạnh khai thác mủ trong năm nay. Doanh nghiệp của bầu Đức sẽ chỉ thực hiện bảo quản vườn cây, chống cháy, chờ cơ hội giá mủ cao su phục hồi, hoặc tối thiểu là có thể khai thác gỗ trong tương lai để thu hồi vốn đầu tư.
Năm nay, HAGL đặt mục tiêu cây cao su sẽ thu được 15.081 tấn mủ khô và đóng góp 9,1% cơ cấu doanh thu tập đoàn tương đương 469 tỷ đồng, so với mức 345 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Cũng trong thư, bầu Đức nhấn mạnh áp lực thanh khoản vẫn là bài toán khó mà HAGL cần sớm tìm ra lời giải.
Bầu Đức cho rằng nhờ vào thành quả của mảng cây ăn trái đã đầu tư từ năm 2016, HAGL đã duy trì ổn định doanh thu, tạo ra một phần nguồn thanh khoản để trang trải chi phí hoạt động và tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích cây ăn trái.
Cùng với việc thoái toàn bộ số vốn còn lại ở mảng bất động sản, HAGL sẽ bán bớt một số tài sản dôi dư để tạo nguồn thanh khoản trả các khoản nợ đến hạn và đầu tư tăng diện tích cây ăn trái.