Theo ông Thắng, áp lực về điều hành bay lĩnh vực hàng không trong thời gian tới sẽ rất lớn, vì tốc độ phát triển hàng không Việt Nam mạnh. Vì vậy, VATM định hướng, sẽ tập trung đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó chú trọng cổ phần hóa (CPH) và huy động vốn tư nhân tham gia đầu tư.
Cụ thể, trong 5 mảng dịch vụ công ích của VATM gồm không lưu, tìm kiếm cứu nạn, thông báo hàng không, dự báo khí tượng và dịch vụ thông tin dẫn đường giám sát thì 2 mảng khí tượng và thông tin dẫn đường đã được Bộ GTVT thông qua việc CPH.
“Để thực hiện việc này, VATM sẽ thành lập BCĐ CPH, tổ giúp việc nghiên cứu để đưa ra lộ trình CPH cụ thể đối với từng mảng dịch vụ”, ông Thắng cho hay.
Cụ thể, đối với mảng dịch vụ thông tin dẫn đường giám sát, VATM đã hoàn thành xong đề án thành lập Công ty CP dẫn đường bay hiệu chuẩn, huy động nguồn vốn xã hội hóa.
VATM dự kiến sẽ mua lại chiếc máy bay King Air của bầu Đức để bay hiệu chuẩn. |
Theo lãnh đạo VATM, các nước trong khu vực như Thái Lan đều có đội bay dẫn đường riêng, và nước này hiện có 3 chiếc máy bay hiệu chuẩn. Việt Nam trước đây bay thuê của VASCO, nhưng chiếc máy bay này đã bị tai nạn hư hỏng. Năm 2014, việc bay dẫn đường hiệu chuẩn phải thuê của nước ngoài.
“VATM đã có phương án mua máy bay và đầu tư đội bay hiệu chuẩn. Trong năm 2015 sẽ mua chiếc máy bay hiệu chuẩn đầu tiên, do công ty CP dẫn đường bay hiệu chuẩn thực hiện. Chúng tôi đang đàm phán mua lại chiếc máy bay King Air của bầu Đức (Đoàn Nguyên Đức- PV), loại máy bay này rất tốt và phù hợp cho việc bay hiệu chuẩn”, ông Thắng cho biết.
Cũng theo lãnh đạo VATM, bầu Đức đã cam kết, sẽ ưu tiên bán chiếc máy bay King Air cho VATM nếu đơn vị này có nhu cầu. Trong tháng 3/2015, VATM sẽ báo cáo Bộ GTVT về việc mua lại máy bay này, cùng việc thành lập công ty CP bay hiệu chuẩn. Dự kiến quý II/2015 sẽ hoàn thiện.
Chiếc máy bay Beechcraft King Air 350 mà ông Đoàn Nguyên Đức đã mua vào năm 2008 là loại máy bay cánh quạt, dài hơn 10m và sải cánh hơn 15m, có thể bay liên tục 3.500 km, với tốc độ nhanh nhất đạt 583 km/giờ, giá 7 triệu USD.
Đối với mảng khí tượng hàng không, theo ông Thắng, việc dự báo khí tượng tại các sân bay hiện do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đảm nhiệm, còn VATM đảm nhiệm việc cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên đường bay. Vì vậy, VATM sẽ bàn bạc cụ thể với Tổng công ty Cảng, trên quan điểm thành lập một công ty CP chung về mặt khí tượng, như các nước trên thế giới đang áp dụng.
Sau khi CPH và xã hội hóa, ông Thắng cho hay, sẽ bàn bạc với Bộ Tài chính ban hành thông tư về lĩnh vực này để đảm bảo lợi ích chung của toàn xã hội cùng như tránh việc độc quyền.